Tôn Đông Á (TDA) trước thềm IPO
Việc giá thép đang chịu áp lực giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng kết quả kinh doanh trong năm 2022 của Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã TDA).
Giá thép có thể đảo chiều
Trước ngày chốt danh sách nhà đầu tư được mua cổ phiếu trong đợt chào bán cổ phần ra công chúng dự kiến vào ngày 28/1/2022, Tôn Đông Á công bố kết quả kinh doanh 2021 ước tính với doanh thu xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với thực hiện 2020; lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng, tăng 320% so với năm 2020.
Năm qua, giá thép trên thị trường thế giới liên tục bị đẩy lên cao trong bối cảnh nhu cầu thép toàn cầu phục hồi nhanh chóng nhưng nguồn cung bị gián đoạn do dịch bệnh và một số quốc gia sản xuất thép cắt giảm công suất giúp các doanh nghiệp tôn, thép trong nước, trong đó có Tôn Đông Á bứt phá mạnh mẽ.
Cụ thể, tại thị trường nội địa, đà tăng của giá thép thế giới kéo giá các sản phẩm tôn, thép trong nước liên tục tăng theo, giúp các doanh nghiệp trong ngành, trong đó có Tôn Đông Á cải thiện biên lợi nhuận gộp. Bên cạnh đó là việc tận dụng thị trường thế giới thuận lợi để gia tăng tỷ trọng kênh xuất khẩu bù đắp cho sự chững lại tại thị trường nội địa, nhất là trong quý III/2021,
Bản cáo bạch của Tôn Đông Á cho biết, doanh thu xuất khẩu trong 9 tháng đầu 2021 của Công ty đã tăng 2,58 lần so với thực hiện cả năm 2020. Qua đó, hoạt động xuất khẩu vươn lên chiếm tỷ trọng 51,4% doanh thu thuần, trong khi tỷ trọng doanh thu nội địa giảm xuống 48,6%. Năm 2020, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu, nội địa lần lượt là 27,6% và 72,4%.
Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng tại châu Âu và Bắc Mỹ cùng sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến giá bán tại các thị trường này tăng mạnh hơn nhiều khu vực khác, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho TDA.
Theo đó, biên lợi nhuận gộp hợp nhất của mảng xuất khẩu đạt 12,77% trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng mạnh so với mức 3,31% của năm 2020. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của thị trường nội địa chỉ đạt 9,83%, tăng nhẹ so với mức 8,92% của năm 2020.
Sự tăng trưởng đột biến từ kênh xuất khẩu cũng giúp biên lợi nhuận gộp hợp nhất của Công ty trong 9 tháng đầu năm đạt 11,34%, tăng mạnh so với mức 7,37% của năm 2020 và 6,18% của năm 2019.
Bước sang năm 2022, theo dự báo của Maybank Kim Eng, giá thép sẽ chịu sức ép hạ nhiệt khi cung - cầu dần được cân bằng, do nhu cầu ở các nước phát triển chậm lại và sự mở cửa trở lại của các nước đang phát triển nhờ tỷ lệ tiêm phòng văc-xin cao. Thêm vào đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ tăng cường sản xuất sau Thế vận hội Mùa Đông 2022.
Giá thép giảm có thể khiến nhóm doanh nghiệp ngành thép khó duy trì được biên lợi nhuận cao như năm 2021 do chênh lệch giá vốn tồn kho và giá bán bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, giá thép giảm mạnh, các công ty sẽ chịu thêm áp lực lớn từ việc phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số liệu từ bản giới thiệu cơ hội đầu tư Tôn Đông Á tháng 1/2022, do Công ty Chứng khoán SSI thực hiện cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, giá trị hàng tồn kho của Công ty là 4.498 tỷ đồng, tăng 93%, tương đương 2.172 tỷ đồng so với đầu năm và giữ vị trí lớn nhất trong cơ cấu tài sản, với tỷ trọng 39%.
Lưu ý nợ vay
Tính đến cuối tháng 9/2021, nợ phải trả của Công ty là 10.581 tỷ đồng, chiếm 76,8% trong cơ cấu nguồn vốn. Số dư các khoản nợ phải trả đã tăng 79% trong 9 tháng đầu năm 2021, chủ yếu do nợ vay đã tăng 93%, tương đương mức tăng 2.877,7 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9/2021, số dư nợ vay của Công ty là 5.949 tỷ đồng, tăng 2.877,7 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,86 lần, với 89,7% dư nợ vay là nợ ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn ở mức 43%.
Nợ vay, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn tăng cao được đánh giá là để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động gia tăng từ các khoản phải thu và tồn kho trong điều kiện kinh doanh thuận lợi suốt năm vừa qua.
Cụ thể, cùng với hàng tồn kho, giá trị các khoản phải thu của Tôn Đông Á đến cuối tháng 9/2021 đã tăng 2,18 lần so với đầu năm, đạt 3.454 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng tài sản, chủ yếu là gia tăng các khoản phải thu khách hàng.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết, nhưng với dư nợ tăng mạnh, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn phục vụ sản xuất - kinh doanh, chi phí lãi vay của Công ty chắc chắn cũng đã tăng đáng kể trong năm 2021.
Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, chi phí lãi vay và nhu cầu trả nợ chưa tạo ra áp lực lớn với cấu trúc lợi nhuận, dòng tiền của Công ty. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý vấn đề này nếu tình hình kinh doanh trở nên khó khăn hơn, hay mặt bằng lãi suất tăng trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận