Tôn Đông Á sắp lên sàn chứng khoán
Việc sở hữu 2 nhà máy công suất lớn cùng hệ thống phân phối rộng khắp từ Nam ra Bắc đã giúp Tôn Đông Á trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ hàng đầu tại Việt Nam.
Ngày 31/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp giấy phép chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) cho CTCP Tôn Đông Á. Ông lớn ngành tôn thép này cũng vừa công bố bắt đầu chào bán cổ phần IPO lần đầu vào ngày 7/1/2022, với sự tham gia của 17 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức.
Với 15,35 triệu cổ phần được chào bán, dự kiến số tiền mà công ty thu về sẽ là 717,38 tỷ đồng, trong đó 345,68 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn chủ sở hữu đầu tư nhà máy 3 thông qua hình thức góp vốn thành lập công ty và phần còn lại sẽ được bổ sung vốn lưu động.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập từ năm 1998, đến năm 2009 chuyển sang hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ở mức 120 tỷ đồng.
Sau 12 lần tăng vốn, đến ngày 30/6/2021, số vốn điều lệ của Tôn Đông Á đã đạt mức 1.023,2 tỷ đồng, trong đó 23,87% thuộc về cổ đông nước ngoài, gồm quỹ Poongjeon Nonferrous Metal Co,.LTD đến từ Hàn Quốc nắm giữ 3,225%, JFE SHOJI TRADE CORPORATION (Nhật Bản, 3,064%), ASIA AMERICA METAL &TRADE LLC (Mỹ , 1,882%), Công ty TNNH Thương mại JFE SHOJI Việt Nam (8,342%), Hanwa Co,.LTD (5,375%), Mirae Asset Việt Nam (1,714%), Song Ho Cheol (0,269%). Còn 76,13% cổ phần do nhà đầu tư trong nước nắm giữ, riêng vợ chồng ông Nguyễn Thanh Trung sở hữu 41,83% và vợ chồng bà Lê Thị Phương Loan (14,44%).
Doanh nhân sinh năm 1959 Nguyễn Thanh Trung là người sáng lập Tôn Đông Á và hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Trở lại với Tôn Đông Á, đây là công ty sản xuất tôn mạ lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với các sản phẩm chủ yếu là các dòng tôn mạ lạnh, mạ kẽm, mạ màu được sử dụng trong ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng… Hiện tại, công ty này đang quản lý vận hành 2 nhà máy sản xuất tôn mạ ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Khu công nghiệp Đồng An 2 với công suất tối đa đạt 850.000 tấn/năm.
Để mở rộng quy mô và sản phẩm, Tôn Đông Á đang lên kế hoạch đầu tư nhà máy thứ 3. Nhà máy này sẽ chủ yếu sản xuất sản phẩm thép mạ dùng cho ngành xây dựng, sản xuất thiết bị gia dụng và xe hơi, dự kiến khởi công vào quý 1/2022 với tham vọng trở thành công ty nội địa đầu tiên cung cấp sản phẩm cho các nhà sản xuất xe hơi.
Với việc sở hữu nhà máy công suất lớn cùng hệ thống phân phối rộng khắp từ Nam ra Bắc với 4 công ty con đã giúp Tôn Đông Á đạt kết quả kinh doanh ấn tượng.
Như năm 2019, doanh thu thuần của công ty là 12.571 tỷ đồng thì trong 9 tháng đầu năm 2021 đã đạt mức 17.135 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Quy mô tài sản của Tôn Đông Á cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng, tại thời điểm 30/9/2021 là 13.777 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2019 và tăng 65% so với năm 2020.
Trong báo cáo phân tích về Tôn Đông Á, Công ty Chứng khoán SSI ước tính trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Tôn Đông Á sẽ ổn định ở mức 1.230 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.683 đồng, hệ số P/E mục tiêu là 7,5 lần dựa trên mức trung bình của các công ty cùng ngành và số lượng cổ phiếu lưu hành sau IPO, nên đưa ra giá mục tiêu của cổ phiếu là 80.000 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận