Tôi ủy thác đời mình vào ngân hàng… trời đất
1. Năm ấy tôi 16 tuổi, lần đầu xa nhà, xuống tận Kiên Giang để hát ra mắt rạp mới. Là đào chánh, tôi được ông bà bầu mướn khách sạn hạng sang ở gần rạp. Tôi chưa vội nhận phòng mà nói chú tài xế chạy một vòng ngang rạp. Từ xa, tôi thấy tấm hình mình phóng lớn, giăng trên cao. Tôi leo xuống. Ngắm mình. Một suy nghĩ chạy qua, ừ thì người ta treo lên hôm nay, ngày mai, hết hát, lại tháo xuống thôi mà!
Và tôi “tỉnh tuồng” luôn từ đó.
Cuộc sống là chất liệu làm nên những vở diễn. Nhưng sân khấu và cuộc đời chẳng hề là một. Tôi “đầu tư” tình yêu, sức khỏe, thời gian và một chút năng khiếu cho sân khấu. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ lấy sân khấu để “đầu cơ” cho bất cứ việc gì. Có chăng, cải lương như một hồng ân mà tôi được ân hưởng từ mẹ cha, thầy Tổ, bạn diễn và công chúng. Nên nếu để có gì hồi đáp, tôi chỉ biết duy nhất một điều là tôi ủy thác niềm tin, lòng biết ơn của mình vào… ngân hàng của trời đất mà thôi. Sống, làm nghề một cách tận tụy, quan tâm và giúp đỡ người nghèo khó hơn mình, là “vốn liếng” đời tôi.
Cả một đời đứng dưới ánh hào quang, một động tác mà tôi thường trực nhắc mình ngay lúc ấy, chỗ người đánh đèn lại chẳng ai thấy. Và dưới bộ xiêm áo lộng lẫy kia, hay đằng sau nụ cười đáp lại sự tán thưởng nồng nhiệt từ bao khán giả, tôi thầm cảm ơn những chiếc bóng thầm lặng sau lưng mình.
Nghề hát, thế giới biểu diễn, nó mang khuôn mặt diệu kỳ. Nhưng bao giờ cũng thế, đằng sau cái lớp bóng bẩy, sáng loáng luôn là phần còn lại sần sùi, thô nhám, loang lỗ. Tôi chọn cho mình ở cả hai nơi. Thuận theo từng cái đang diễn ra. Với nghề, cố gắng trọn vẹn, tươm tất. Trong đời, sống như chính bản thân mình, vừa vặn để ít làm phiền ai.
Cát sê đầu tiên trong đời đi hát, đúng ra là ký hợp đồng 1 năm cho đoàn, tôi đem hết về cất lại nhà cho ba tôi với gia đình má sau ở đường Cộng hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ, Q.5). Hợp đồng kế tiếp, tôi nhận đúng vào lúc miền Trung bị bão lụt, tôi tặng hết thảy. Hồi ấy, ngoài hợp đồng, suất hát mỗi đêm, rồi thu đĩa, quay phim, ngày cuối tuần, hát 3 suất. Tên nghệ sĩ bảo chứng cho vé bán. Và ngược lại. Ai bảo nghệ sĩ, ngoài ca hát, diễn xuất chỉ biết… ăn chơi. Với tôi, tự kiểm soát mình không rượu không thuốc không cờ bạc. Một ly cafe cũng không để mình ghiền. Bởi xét cho cùng, ghiền gì cũng khổ. Nên tôi chỉ yêu và tận tình đáp lại tình yêu ấy - là cải lương.
Chiều thành phố lên đèn, tôi sửa soạn tới rạp. Trên đường đi, xe chạy ngang qua một ngã tư. Đèn đỏ. Xe dừng. Đúng lúc một câu xuống hò. Không một tiếng vỗ tay. Tôi nhìn qua cửa xe. Một ông già ngồi đờn ca bên góc phố. Người qua lại, cúi xuống gửi ông mấy đồng bạc lẻ. Tôi đang trên đường đi diễn. Cũng như ông, đang hát ca giữa phố. Cũng vọng cổ, song loan. Nào khác chi. Tôi cho xe chạy qua, dừng lại cách quãng. Rồi nhờ tài xế xuống gửi ông một chút… cát sê.
Đêm ấy, vãn hát, tôi lại quành xe ngang ngã tư. Vắng ngắt. Cũng đã vãn tuồng.
2. Thầy tôi - NSND Phùng Há khi thành danh lẫy lừng trên sân khấu, bà đã cùng với các nghệ sĩ tiền bối tìm cách để tổ chức những cuộc gây quỹ, từ đó có tiền mua đất, cất từ Nhà ái hữu tương tế nghệ sĩ, cất nghĩa trang, chùa nghệ sĩ để đùm bọc, cưu mang những nghệ sĩ neo đơn, nghèo khó, có nơi nương náu khi về già hay chỗ thờ tự khi nằm xuống. Sau này, bà còn “xin” và được Nhà nước cấp đất để xây nhà dưỡng lão nghệ sĩ bên quận 8. Những năm cuối đời, má Bảy ấp ủ tâm nguyện sẽ cất một ký nhi viện để nuôi và dạy cho con em nghệ sĩ, đặng giữ nghề.
Bà nhiều lần nói với tôi, theo nghề này, may mắn nếu có người chồng yêu thương, thấu hiểu và… giàu có thì mới mong giữ được nghề trọn vẹn. Không thì cực khổ trăm chiều con ơi…
Và có lẽ, hơn ai hết, bà thấu hiểu để tự sắp xếp, giải quyết chu đáo cho chính cuộc đời mình, cho ngày giã từ cõi tạm. Khi bà nằm xuống, nhà nước đứng ra lo chu đáo. Nhưng riêng bà, vẫn để dành riêng, để lại một số tiền đủ để trang trải một đám tang cho mình mà không phiền hà gì ai.
Gác lại những giấc mơ sáng tạo, những khoảnh khắc bay bổng, người nghệ sĩ khổng lồ ấy đã tự sắp đặt cả sự ra đi cho mình. Đó là cách hành xử của một bậc minh triết, tôi nghĩ vậy.
Có lần, tôi được mấy bạn trẻ chở đi… phượt trong phố. Lang thang một hồi lại lạc vào một khu đang ngổn ngang xây dựng. Có văn phòng giao dịch nhà đất. Tôi theo vào cho biết. Ai dè có tiếng reo “Phải bây không?”, tôi chưa kịp nhận ra thì ông đã cười lớn nói: “-Bây không nhớ chú đâu, hồi bây lên hát trên mặt trận 479, hát giữa trưa nắng để động viên anh em chiến sĩ. Tao cảm động lắm. Giờ bây đi đâu mà tới đây?”. Tôi cũng ngớ ra chưa biết nói đi đâu vì chả biết đây là đâu. Vậy mà kết quả là được duyệt mua một căn hộ. Tôi cho trang trí thiệt đẹp rồi rước má Bảy qua. Tôi muốn dành món quà tặng thầy mình. Bà ôm tôi, bảo coi như má đã nhận rồi. Nhưng con để đó đi, đặng khi hết đi hát, cho thuê hoặc bán mà lận lưng.
Tôi thương thầy tôi biết bao, càng kính trọng cái phẩm cách mà bà sống, bà dạy dỗ tôi. Trong cái chông chênh của cuộc đời ca kỷ, vẫn luôn nhìn thấy và nhìn thấu một sự “để dành” cho thật căn cơ, từ đó mà an tâm, tận tụy giữ mình, giữ nghề.
Và đó cũng là một trong những điều tôi luôn khuyên và mong cho các nghệ sĩ trẻ sau này. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, càng chẳng giỡn với nghệ sĩ kịch hát giữa thời buổi dịch bệnh này.
Nhưng, như bao lần, từ “ngân hàng trời đất”, cải lương vẫn sống với đầy đủ “kháng thể” của tình yêu thương, thủy chung của khán giả nên tôi lại thầm lặng, tin cậy mà tiếp tục ủy thác “vốn liếng” đời mình vào đó, mãi mãi…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận