menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trọng Đạt

Tối ưu hóa nguồn vốn FDI

Khi nói đến việc tăng trưởng thu nhập và nâng cấp công nghệ từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thâm Quyến của Trung Quốc đã thành công hơn nhiều so với Penang của Malaysia. Lý do rất đơn giản: Thâm Quyến được hỗ trợ từ sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.

So sánh Penang và Thâm Quyến

Đa số các chuyên gia chấp nhận rằng nguồn vốn FDI có thể thúc đẩy nền kinh tế bằng cách mang lại những kỹ thuật quan trọng, mở rộng sản xuất tại địa phương và tạo ra nhiều việc làm. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi thu hút nguồn vốn FDI từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Điều này được phản ánh qua các ưu đãi hào phóng trong Đạo Luật giảm lạm phát (The Inflation Reduction Act) của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi nói đến việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, FDI lại có những ghi nhận trái chiều.

Để hiểu lý do tại sao, chúng ta cần nhìn vào những kết quả tương phản của Penang, Maylasia và Thâm Quyến, Trung Quốc. Nhờ vị trí chiến lược, chi phí lao động thấp và những ưu đãi thuế, Penang là một trong những thành phố châu Á đầu tiên thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia, thông qua những khu chế xuất được thành lập năm 1972. Sau đó, Thâm Quyến cũng bắt đầu thu hút FDI, thành lập đặc khu kinh tế vào năm 1980 và nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất với hàng triệu lao động.

Thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc

Tối ưu hóa nguồn vốn FDI

Nguồn: BBC

Tuy nhiên, khi nói đến việc chuyển đổi nguồn vốn FDI thành tăng trưởng thu nhập và nâng cấp công nghệ, Thâm Quyến đã thành công hơn Penang rất nhiều. Như biểu đồ cho thấy, năm 2017, GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến đứng ở mức 39,245 USD tính theo sức mua tương đương (72% của Mỹ), so với mức chỉ 27,569 USD (khoảng 50% của Mỹ) của Penang. Trong khi Penang chậm phát triển do phụ thuộc vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp thì Thâm Quyến lại tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ cao. Số lượng bằng sáng chế của Hoa Kỳ được đăng ký cho các nhà phát minh ở Thâm Quyến đã tăng từ 0 vào những năm 1990 lên khoảng 2,500 vào năm 2017, trong khi Penang chỉ đạt 100.

GDP bình quân đầu người (PPP, USD)

Tối ưu hóa nguồn vốn FDI

Nguồn: Project Syndicate

Sự khác biệt này có thể đến từ quy mô của nền kinh tế quốc gia: chắc chắn rằng thị trường và lực lượng lao động đông đảo của Trung Quốc cùng với lượng đầu tư nhà nước khổng lồ và các thành phố năng động đã giúp Thâm Quyến phát triển.

Thành công nằm ở việc thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương

Lời giải thích thực sự cho sự thành công của Thâm Quyến nằm ở quyền sở hữu công ty. Sau những ngày đầu FDI thống trị, Thâm Quyến dần dần bị chi phối bởi những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương như BYD, DJI và Tencent. Năm 2005, 2 công ty có trụ sở tại Đài Loan - dẫn đầu là Foxconn (còn được gọi là Hon Hai Precision Industry Co.) là 2 công ty đứng đầu Thâm Quyến về số lượng bằng sáng chế. Đến năm 2015, các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đã lấp đầy toàn bộ top 10, trong đó ZTE và Huawei dẫn đầu. Ngày nay, Thâm Quyến là một trong những thành phố phát triển nhất của Trung Quốc và có vẻ như đã vượt qua Hồng Kông.

Chính phủ Trung Quốc đặt ưu tiên cao cho việc thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương và đưa ra các chính sách hỗ trợ công nghiệp và đổi mới, bao gồm các sáng kiến nghiên cứu, phát triển công - tư và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Chính phủ thậm chí còn tạo ra các tập đoàn R&D công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ đến các nhà sản xuất địa phương. Nếu không có những chính sách này, Huawei có lẽ đã không tồn tại. Ngay từ đầu, Huawei đã bán các linh kiện điện tử nhập từ Hồng Kông. Cuối cùng, công ty này đã chuyển mình thành một nhà sản xuất công nghệ cao dựa vào hoạt động R&D nội bộ thay vì thành lập liên doanh với một tập đoàn đa quốc gia.

Nuôi dưỡng các doanh nghiệp địa phương năng động chưa bao giờ là mục tiêu chính sách ở Penang. Kết quả là, nền kinh tế vẫn bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia của Mỹ - những công ty chủ yếu đặt các hoạt động có giá trị gia tăng thấp ở Malaysia, trong khi vẫn duy trì các hoạt động có giá trị gia tăng cao và R&D ở trong nước. Các công ty lớn của Hoa Kỳ như Intel và Motorola, chiếm 50 - 70% trong số những công ty được cấp bằng sáng chế hàng đầu ở Penang, trong khi tỷ trọng của các công ty Malaysia đã giảm từ 20% trong những năm 2000 xuống 0% kể từ giữa những năm 2010.

Những gì nguồn vốn FDI đã đạt được ở Penang là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Năm 1989, chính phủ Malaysia thành lập Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang để đảm bảo rằng người lao động có những kỹ năng mà các công ty đa quốc gia yêu cầu. Lực lượng lao động được đào tạo bài bản, cùng với chuỗi cung ứng mạnh mẽ, giúp giải thích tại sao quốc gia này vẫn là điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia, ngay cả khi mức lương ở địa phương đã tăng lên. Nói cách khác, Penang vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, việc thiếu đổi mới đã cản trở sự phát triển của thành phố này.

Những câu chuyện phát triển tương phản này chứa một bài học quan trọng cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Thu hút FDI là quan trọng, nhưng để tận dụng tối đa nó, đòi hỏi những biện pháp can thiệp hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và đổi mới lâu dài. Nếu Hoa Kỳ hy vọng dẫn đầu các ngành công nghiệp trong tương lai, có lẽ nước này nên xem xét việc tạo ra các chương trình R&D công - tư theo phong cách Thâm Quyến.

Giới thiệu về tác giả Keun Lee

Tác giả Keun Lee nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Schumpeter quốc tế, là Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, người đoạt giải Schumpeter năm 2014 và là tác giả cuốn sách China’s Technological Leapfrogging and Economic Catch-up: A Schumpeterian Perspective (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2022).

Tối ưu hóa nguồn vốn FDI

Nguồn: Đại học Quốc gia Seoul

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Keun Lee

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại