24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chi An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tới tấp đơn hàng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp đồ gỗ "bó tay" do thiếu lao động

Hiện các hợp đồng đặt hàng đang tới tấp “bay về” Việt Nam, thế nhưng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ lại đang như "ngồi trên lửa" vì 65% số công nhân trong ngành phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,576 tỷ USD, tăng 55%; lâm sản ngoài gỗ đạt 686 triệu USD, tăng 58,3% so cùng kỳ năm 2020. Ngành lâm nghiệp đạt xuất siêu 8,455 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong tháng 7/2021 ước đạt 1,472 tỷ USD. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu lâm sản đạt 10,25 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.

XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ NỘI THẤT TĂNG NGOẠN MỤC

Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, hiện chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Mỹ đạt 5 tỷ USD, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 814 triệu USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 704 triệu USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc đạt 453,1 triệu USD, tăng 12,8%...

Mảng màu sáng nhất, nhiều triển vọng nhất trong bức tranh xuất khẩu đồ gỗ, là ở nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất nhà bếp 7 tháng đầu năm đạt khoảng 550 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ (phần lớn là đồ gỗ) trong tháng 7/2021 đạt 196 triệu USD, nâng trị giá xuất khẩu trong 7 tháng lên tới 1,4 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất phòng ngủ của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng từ 30,7% năm 2009, lên 50% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 7,02% trong năm 2020.Trị giá xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ tới thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 991,4 triệu USD, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất bằng gỗ nói chung và đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam nói riêng đã đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả kênh tiếp thị.

Do đó, các sản phẩm đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ và ngày càng có xu hướng tăng thị phần tại thị trường này.

Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (VIFOREST) còn cho biết tốc độ tăng trưởng nhanh sang các thị trường như Anh, Canada, Pháp và Úc... cũng góp phần thúc đẩy trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ trong thời gian tới, bởi nhu cầu của các thị trường này đối với đồ nội thất phòng ngủ đều ở mức cao.

CHI PHÍ XÉT NGHIỆM LÀ GÁNH NẶNG CHO DOANH NGHIỆP

Trong bối cảnh Mỹ và nhiều quốc gia EU đang bắt đầu quá trình phục hồi sau dịch Covid-19, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp ngành gỗ khá bận rộn do đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết.

Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang tới tấp nhận được các đơn đặt hàng từ Mỹ, EU… Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covidm-19 đang diễn biến phức tạp và lan rộng ở trong nước và các quốc gia châu Á, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng.

Theo báo cáo của VIFOREST, trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM (HM:HCM), Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), hiện chỉ có 141 doanh nghiệp duy trì hoạt động với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30.700 công nhân trong tổng số 119.300 lao động trước khi thực hiện giãn cách xã hội, tức là 3/4 số lượng công nhân trong các doanh nghiệp này đã phải nghỉ việc.

Đối với những doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ để duy trì các hợp đồng xuất khẩu, phải bỏ chi phí cho người lao động để test nhanh cách 3 ngày/lần và test PCR cách 7 ngày/lần.Trước thực trạng đó, VIFOREST đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp trong ngành đã kiệt quệ nguồn lực khi dịch kéo dài, thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản do phải dừng hoạt động.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, giá bộ test nhanh nhập về khoảng 100 ngàn đồng/bộ, nhưng giá test cho doanh nghiệp với hợp đồng từ 100 người trở lên ở mức 280 ngàn đồng/bộ, mức giá test ở phòng khám khi thực hiện test là từ 300- 350 ngàn/bộ, ở tỉnh Đồng Nai chi phí xét nghiệm RT-PCR cho công nhân tăng cao từ khoảng 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng/người/lần test. Với quy mô hàng nghìn lao động thì doanh nghiệp đang phải chi phí dịch vụ xét nghiệm rất cao sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Khi thực hiện sản xuất, doanh nghiệp không thể hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài vì phải nhập nguyên liệu gỗ, vật tư phụ liệu, hóa chất, bao bì, các nhu yếu phẩm, vẫn phải thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, ngân hàng, hải quan, cảng biển. Do vậy vẫn còn lỗ hỏng để lây nhiễm Covid-19 và doanh nghiệp vẫn có thể trở thành ổ dịch.

Trước những khó khăn trên, VIFOREST kiến nghị Chính phủ xem xét quy định chương trình xét nghiệm Covid-19 là loại dịch vụ phi lợi nhuận, do Chính phủ điều tiết với khung giá thống nhất và giao cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch; cho phép các Hiệp hội gỗ, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vaccin tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho công nhân, kinh phí sẽ do các doanh nghiệp và Hiệp hội tự chi trả.

VIFOREST đề nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Cụ thể, được giảm, hoãn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế liên quan và hoãn nộp Bảo hiểm xã hội; được miễn tiền thuê đất năm 2021 và thực hiện giá thuê đất 5 năm giai đoạn sau; được phép gia hạn nợ, giãn nợ, cơ cấu lại khoản nợ mà không bị ảnh hưởng tới nhóm nợ nhất là đối với các khoản nợ phát sinh từ sau 30/6/2020.

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn quy định danh mục hàng hóa được lưu thông, trong đó có nguyên, vật liệu của ngành gỗ, tránh trường hợp bỏ sót hoặc hiểu sai quá trình áp dụng tại các địa phương về lưu thông những mặt thiết yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả