Tội phạm kinh tế, tham nhũng tập trung ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm
Tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…
Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước: Từ đầu năm đến tháng 9/2020, các lực lượng chức năng phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).
Qua công tác điều tra cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…) với các thủ đoạn như: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội như vụ Công ty CityLand vẽ dự án để bán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ở Bình Dương, khởi tố 02 bị can; vụ chiếm đoạt 105 tỷ đồng xảy ra tại Bưu điện Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, khởi tố 01 bị can; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, cụ thể vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không.
Đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước như đường dây buôn lậu dược liệu liên tỉnh Lạng Sơn - Bắc Ninh - Nam Định - Nghệ An - Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố 7 bị can, trong đó có 2 bị can nguyên Phó Chi cục trưởng và cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn; triệt phá đường dây buôn lậu đường cát tại An Giang, thu giữ trên 5.000 tấn đường lậu, đã khởi tố 05 bị can, góp phần tác động tới giá thu mua mía đường tăng 100.000 đ/tấn…
Hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam để "né thuế" có xu hướng gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam bị trừng phạt gây thiệt hại về kinh tế như vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp phát hiện 22 container chứa 40.000 sản phẩm máy cầm tay các loại khai báo giả mạo nguồn gốc Việt Nam...
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chín tháng đầu năm 2020, đã phát hiện, bắt giữ trên 258 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi. Qua đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty Cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư Khoa học và Thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan; khởi tố, bắt tạm giam 09 bị can.
Việc kịp thời phát hiện vụ án, vụ việc đã góp phần ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, ngăn chặn thất thoát tài sản của Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận