Toan tính giá dầu của Ả Rập Xê Út: tuyên chiến để không phải chiến
Vì cần giá dầu cao, Ả Rập Xê Út cho đến nay luôn bất chấp thúc ép của Mỹ đòi giảm giá dầu, và vương triều này rồi sẽ lại phải thỏa hiệp với Nga.
Quyết định của Ả Rập Xê Út áp dụng một số biện pháp với tác động làm cho giá dầu trên thị trường tiếp tục giảm được cho là “lời tuyên chiến” với Nga sau khi không đạt thỏa thuận với Moscow về giảm mức khai thác dầu hằng ngày. Quan điểm này được lý giải bởi nghịch lý trong mưu tính của Ả Rập Xê Út.
Riyadh muốn Moscow đồng ý quyết sách giảm cung ứng dầu trên thị trường để giá dầu không giảm mà tăng trở lại, nhưng rồi sau đó lại quyết định áp dụng chính những biện pháp với hiệu ứng ngược lại. Có thể thấy Riyadh chủ ý dùng quyết sách này để gây áp lực nhất thời đối với Moscow nhằm buộc đối phương phải thỏa hiệp chứ không phải là định hướng chiến lược lâu dài. Nếu đó đúng là “lời tuyên chiến” thì cũng chỉ là tuyên chiến để rồi không phải tiến hành cuộc chiến.
Nguyên nhân ở chỗ Riyadh tuy có khả năng tăng đáng kể khối lượng dầu khai thác và tung ra thị trường hằng ngày, tức có thể tác động trực tiếp tới giá dầu thế giới, nhưng cả Nga và Mỹ cũng đều có khả năng ấy. Tuy thế, giá dầu càng thấp thì mức độ tổn hại đối với Ả Rập Xê Út càng cao hơn so với Nga và Mỹ bởi Riyadh cần giá dầu tối thiểu cao hơn rất nhiều so với Mỹ và Nga để cân bằng ngân sách nhà nước. Nói cách khác, Ả Rập Xê Út lệ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa nhiều hơn so với Nga và Mỹ. Cứ chơi con bài giá dầu như thế, Riyadh dễ bị tự hại mình. Chính vì cần giá dầu cao chứ không thấp mà Riyadh cho đến nay luôn bất chấp thúc ép của Washington đòi giảm giá dầu và vương triều này rồi sẽ lại phải thỏa hiệp với Nga.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận