Toàn cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán quý 1/2023
Trong ba tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu và lãi ròng của hơn 1 ngàn doanh nghiệp trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt gần 832 ngàn tỷ đồng và hơn 50 ngàn tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 31% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong 1,002 doanh nghiệp (ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) đã công bố BCTC quý 1/2023, so với cùng kỳ năm trước, có 279 doanh nghiệp lãi tăng, 38 doanh nghiệp không biến động, trong khi có đến 420 doanh nghiệp lãi giảm, 124 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ, 54 doanh nghiệp tăng lỗ, 43 doanh nghiệp giảm lỗ và 44 doanh nghiệp lỗ chuyển lãi.
11 doanh nghiệp lãi hơn ngàn tỷ
Trong nhóm lãi ngàn tỷ, có tới 3 doanh nghiệp họ “Vin”. Vinhomes (HOSE: VHM) đứng đầu danh sách với lãi ròng cực kỳ ấn tượng: 11,917 tỷ đồng, tức tăng 162% so với cùng kỳ năm trước. VHM lý giải, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng hơn 2,777 tỷ đồng chủ yếu do tăng lợi nhuận gộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động tài chính tăng hơn 7,066 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi chuyển nhượng cổ phần.
Dù lợi nhuận ròng giảm gần 60%, Vingroup (HOSE: VIC) vẫn có được con số trên ngàn tỷ: 1,066 tỷ đồng, giảm 57%. Còn Vincom Retail (HOSE: VRE) đạt 1,024 tỷ đồng, tăng 171%.
Tổng lãi ròng của 3 doanh nghiệp “họ Vin” đạt 14 ngàn tỷ đồng, bằng tổng lãi ròng của 8 doanh nghiệp còn lại.
Đứng thứ hai trong nhóm lãi ngàn tỷ thuộc về Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) đạt 3,350 tỷ đồng, giảm 2%. Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) tuy giảm 18% nhưng vẫn lãi trên ngàn tỷ, đạt 1,857 tỷ đồng, đứng thứ ba.
Đáng chú ý, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (UPCoM: VOC) ghi nhận lãi ròng 1,261 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 67 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có lãi ròng lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi doanh nghiệp này đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM năm 2016. Kết quả đột biến của VOC là do tăng thu nhập tài chính từ việc thoái vốn đầu tư công ty liên kết (Công ty TNHH Calofic), thu về 1,581 tỷ đồng. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp giảm 168% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ giảm, giá tồn kho cao mà giá thị trường giảm từ quý 4/2022 kéo dài đến quý 1/2023 khiến doanh thu và lãi gộp của VOC giảm.
Doanh thu hoạt động tài chính quý 1/2023 của VOC
Một số doanh nghiệp khác cũng báo lãi hơn ngàn tỷ trong quý 1/2023 như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), FPT (HOSE: FPT), Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) và Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA).
Lãi tăng đột biến bằng lần
Ngoài VOC nêu trên, CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An (HNX: DIH) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến: gấp 434 lần cùng kỳ, đạt 14 tỷ đồng. Quý 1, DIH đạt doanh thu chủ yếu từ bất động sản: khai thác dự án nhà ở khu dân cư có kết hợp chỉnh trang đô thị khối Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa, phường Cẩm Phô và khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An.
Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) lãi gần 12 tỷ đồng, tăng 103 lần. HAR nhận được khoản cổ tức từ việc đầu tư vào CTCP Phát triển Nhà Ghomes, là liên doanh với FCL Imperial PTE LTD thực hiện dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ và văn phòng tại phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã hoàn tất mua lại các gói trái phiếu đang lưu hành, từ đó giảm gánh nặng lãi vay, trong khi doanh thu tài chính tăng mạnh càng góp phần đưa lợi nhuận sau cùng tăng.
Nhờ hoàn tất kế hoạch nhận chuyển nhượng phòng logistics của Transimex (công ty mẹ) nhằm mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và ghi nhận doanh thu, Transimex Logistics (HNX: TOT) lãi gần 6 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ. Đây cũng là doanh nghiệp đứng cuối trong top 20.
Những doanh nghiệp kinh doanh khởi sắc
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (HOSE: PVD) đạt doanh thu 1,227 tỷ đồng, tăng 7%; lãi ròng 66 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 56 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 PVD có lãi sau 3 quý lỗ liên tiếp trước đó.
Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (UPCoM: VTR) lãi ròng 16 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ. VTR lý giải nhờ vào việc Chính phủ mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/03/2022, nền kinh tế đã dần phục hồi và trong đó ngành du lịch, hàng không đã có những chuyển biến tích cực.
Đối với Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP), do nhu cầu phụ tải hệ thống, các tổ máy của Công ty không được huy động phát điện nên tạm tính doanh thu cố định theo đơn giá 46,329 đồng/kW/tháng. Bên cạnh đó, nhờ có lãi chênh lệch tỷ giá và cổ tức được chia từ đầu tư tài chính, BTP ghi nhận doanh thu 46 tỷ đồng, tăng 462 lần so với cùng kỳ; lãi ròng gần 15 tỷ đồng, cũng kỳ lỗ.
Doanh thu của Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST) tăng 289%, lãi ròng 26 tỷ đồng; Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HOSE: QBS) doanh thu tăng 261%, lãi 17 tỷ đồng..
Những con số “đỏ lửa”
Trái ngược lợi nhuận tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp quý 1 năm trước lãi hàng trăm tới ngàn tỷ đồng nhưng năm nay thua lỗ. Ảnh hưởng khó khăn chung của thị trường bất động sản, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) lỗ gần 444 tỷ đồng. Hay như Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) có doanh thu giảm 69%, trong khi chi phí cố định không thay đổi nhiều, dẫn kết quả lỗ 377 tỷ đồng. Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) lỗ 319 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 107 tỷ đồng.
Ngành chăn nuôi cũng không khá hơn khi đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi liên tục tái phát ở nhiều địa phương khiến chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp trong suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) lỗ gần 321 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khó khăn
Thủy sản Số 4 (UPCoM: TS4) trở thành doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong quý 1. Nguyên nhân từ việc xử lý hàng tồn kho bị kém chất lượng, làm giá vốn tăng cao dẫn đến kết quả tụt dốc, Công ty lỗ gần 566 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 138 triệu đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của Công ty kể từ quý 4/2020, qua đó nâng lỗ lũy kế đến cuối quý 1/2023 hơn 770 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu theo đó âm đến 500 tỷ đồng.
Doanh thu giảm cùng với chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao (than nhập cho sản xuất xi măng tăng giá gần 100% so với thời điểm cuối năm 2021) dẫn đến lợi nhuận gộp giảm. Bên cạnh đó, các khoản chi phí đều tăng như chi phí tài chính (phần lớn do chi phí lãi vay), chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí nhân viên. Những yếu tố này khiến Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (UPCoM: VVN) tiếp tục lỗ gần 87 tỷ đồng.
Tương tự, do đội tàu của Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS) được đầu tư vào thời điểm thị trường vận tải biển đang phát triển nên giá đầu tư cao, dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí lãi vay tăng cao. Qua đó, NOS lỗ 62 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 liên tiếp.
Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (UPCoM: VSF) là đơn vị duy nhất có doanh thu ngàn tỷ đồng trong nhóm này, nhưng do chi phí tài chính tăng cao, cụ thể là lãi tiền vay, lỗ bán ngoại tệ, lỗ chênh lệch tỷ giá. Hệ quả: VSF lỗ 7 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay tăng, cộng thêm biên lợi nhuận giảm từ 22% của quý 1/2022 còn 19% trong quý 1 năm nay, ông lớn ngành bán lẻ - Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) ghi nhận doanh thu hơn 27 ngàn tỷ đồng, giảm 26%; lãi ròng giảm đến 99%, còn 21 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi thấp nhất của MWG từ khi niêm yết trên sàn HOSE năm 2014.
Tương tự, chi phí sản xuất tăng cao kèm sản lượng bán giảm, lãi ròng của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) mất mốc ngàn tỷ khi giảm 95%, chỉ còn 398 tỷ đồng.
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) có lãi ròng 16 tỷ đồng, giảm 98%. VCG cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, liên doanh, liên kết đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của nền kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận