Toà nhà lắp ‘kính vàng’ ở Đà Nẵng: Chủ đầu tư nói gì?
Tòa nhà Risemount Apartment Đà Nẵng (ở đường Như Nguyệt, TP. Đà Nẵng) sử dụng kính màu vàng gây nên hiện tượng phản chiếu đã làm xôn xao dư luận trong thời gian qua. Vậy, việc chủ đầu tư của toà nhà sử dụng loại kính này có đúng quy định và nằm trong tiêu chuẩn xây dựng không?
Thời gian vừa qua, một số người dân sống xung quanh dự án Risemount Apartment Đà Nẵng – Khối căn hộ tại TP. Đà Nẵng phản ánh, chủ đầu tư dự án này sử dụng các tấm kính “vàng” phản quang để lắp bao quanh toà nhà đã gây chói mắt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Trao đổi với Nhadautu.vn, một đại diện của Tập đoàn Vicoland (chủ đầu tư dự án) cho biết, trong thiết kế đã được phê duyệt có đầy đủ thông tin như chiều cao tầng, quy mô, lắp loại kính gì… nên mới thi công.
“Về cơ bản tất cả các nhà cao tầng đều có một lớp cách nhiệt và lớp phản quang (trong đó, phản quang thì có mạ vàng, mạ crom…, màu sắc do chủ đầu tư chọn hoặc theo dự án chọn và tiêu chuẩn có trong xuất xứ của kính) chứ kính trắng sẽ bị hấp nhiệt nên rất nóng”, đại diện của Tập đoàn Vicoland nói.
“Hiện nay về mặt pháp lý thì dự án đã có đầy đủ hết. Vừa qua, một số người dân có phản ánh loại kính dự án đang sử dụng gây chói mắt, chứ không phải nói chúng tôi làm không đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Chúng tôi đã làm đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định”, đại diện của Tập đoàn Vicoland khẳng định.
Theo đại diện của Tập đoàn Vicoland, mới đây, Trung tâm Kết cấu thép và xây dựng (Viện KHCN Xây dựng) đã có công văn phúc đáp gửi Công ty PAVNC Risemount – Tập đoàn Vicoland về việc sử dụng loại kính cho dự án nói trên.
Hiện tại ở Việt Nam chưa có văn bản pháp lý quy định độ phản quang ngoài VLR-out, nhưng ở một số nước láng giềng như Singapore, Hồng Kông thì độ phản quang này không được vượt quá 20%.
Do đó yêu cầu độ phản quang ngoài VLR-out từ 19% (theo số liệu kỹ thuật của nhà cung cấp) là chấp nhận được. Kính có độ phản quang ngoài VLR-out cao sẽ gây một số bất lợi về an toàn cho giao thông đối với khu vực xung quanh, với người đi bộ và các công trình xung quanh. Ngoài ra, còn làm hình ảnh của bề mặt bao che công trình bị biến dạng khi sử dụng kính đã gia cường nhiệt: kính tôi hoặc bản tôi.
Trung tâm Kết cấu thép và xây dựng cho rằng, loại kính của Công ty CP PAVNC đang sử dụng theo thông số kỹ thuật của nhà cung cấp có hệ số phản xạ ngoài VLR-out là 19+-3%, còn theo kết quả thí nghiệm của Trung tâm thì loại kính này có độ phản xạ VLR-out là 19,52%. Do vậy, loại kính này có thể được chấp nhận để sử dụng lắp đặt bao che công trình, không ảnh hưởng nhiều đến công trình lân cận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận