Tổ chức sàn giao dịch bất động sản như thế nào?
Người muốn mua bán nhà đất, trước tiên phải liên hệ sàn giao dịch để cung cấp giấy tờ, thủ tục cần thiết.
Bất động sản không chỉ là hàng hóa, nó còn là tài nguyên được nhà nước quản lý, mỗi giao dịch đều phải có sự xác nhận của nhà nước mới được thông qua. Giao dịch qua sàn là tốt nhưng bản thân sàn giao dịch bất động sản phải là tổ chức được kiểm soát bởi nhà nước giống như sàn giao dịch chứng khoán, thậm chí còn phải chặt chẽ hơn sàn chứng khoán thì mới đảm bảo.
Lấy ví dụ cơ quan chức năng sẽ lập một trang thương mại điện tử, giao cho công ty 100% vốn nhà nước quản lý. Chi nhánh giao dịch sẽ được mở tại các xã, phường. Mỗi giao dịch sẽ thu phí 2% giá trị mua bán tại xã, phường để làm kinh phí duy trì chi nhánh và hỗ trợ cho xã phường chi trả lương cho cán bộ, một phần nộp để duy trì trang thương mại điện tử.
Khi người dân muốn bán nhà đất, trước tiên liên hệ chi nhánh giao dịch (văn phòng tại xã, phường) để cung cấp các giấy tờ thủ tục cần thiết. Chi nhánh giao dịch sẽ kiểm tra, xác nhận nhà đất và người bán đảm bảo thì sẽ tiến hành đăng tin để người mua có nhu cầu liên hệ.
Do thông tin là thật và đảm bảo nên người mua có thể an tâm về mặt pháp lý, nhanh chóng được giải quyết thủ tục để thanh toán cho người bán và nhận đất. Cả ba bên đều có lợi:
1. Người bán được giải quyết thủ tục nhanh chóng, không cần phải đi xin các xác nhận, không cần phải lên xuống cơ quan nhà nước nhiều lần.
2. Cơ quan nhà nước có nguồn thu, với 2% giá trị giao dịch nhà đất mỗi năm tại địa phương sẽ bổ sung nguồn tiền lương cho cán bộ rất lớn, xã phường nào càng có nhiều giao dịch thì cán bộ càng có thu nhập cao như vậy sẽ có động lực làm việc tốt hơn. Cán bộ có nguồn thu nhập hợp pháp thì giảm thiểu tình trạng tham nhũng.
3. Người mua được đảm bảo về mặt pháp lý, chỉ ký và thanh toán tiền là nhận nhà đất, giảm thiểu thời gian chờ đợi và rủi ro.
Những người có ý định lừa dối người khác để bán nhà đất không đảm bảo sẽ tự động bị loại bỏ, tránh được các hành vi phạm tội và tốn chi phí cho nhà nước xử lý hậu quả về sau.
Tôi cho rằng nếu làm được thì mỗi năm nhà nước sẽ thu được hàng nghìn tỷ đồng để bổ sung quỹ lương cho cán bộ. Như vậy nếu tổ chức để thu được nguồn tiền này thì cũng đồng nghĩa với việc chặn đứng các hành vi sai phạm, tránh mất cán bộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận