To Be Or Not To Be?
5/10 là thời hạn mà Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở lại các tuyến vận chuyển liên tỉnh, nội địa, bao gồm cả các đường hàng không, đường sắt, xe khách liên tỉnh… Nhưng Hà Nội nói “không”. Sân bay Nội Bài sẽ vẫn đóng, cho dù ít nhất 19 tỉnh, thành phố đề xuất mở lại các đường bay đi và đến, khôi phục lại 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Tất nhiên là Nội Bài từ chối thì kế hoạch trên đây cũng không thực hiện được.
(Các địa phương đồng ý nối lại các chuyến bay nội địa: https://24hmoney.vn/news/tren-50-dia-phuong-da-phan-hoi-ve-viec-mo-lai-duong-bay-noi-dia-c27a1174484.html?from=search)
Hà Nội nói rằng đang kiểm soát tốt dịch. Ngay cả điểm đỏ - ổ dịch ở bệnh viện Việt Đức cũng đã được khống chế. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn quá thận trọng, đến mức khó hiểu, trái ngược với các khuyến nghị và đề xuất của các bộ ngành như Y tế, Giao thông Vận tải. Bộ Y tế cho rằng chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin, có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19, hoặc là có xét nghiệm âm tính với Covid-19 là có thể được bay nội địa. Bộ Giao thông Vận tải, rõ ràng đang coi việc khôi phục hoạt động vận tải, trong đó có hàng không, là một vấn đề sống còn đối với việc phục hồi hoạt động kinh tế.
Chúng ta sống trong một quốc gia, nhưng các điều kiện sống ở mỗi nơi một khác, thậm chí là trái ngược. Những ngày này, ở Thành phố Hồ Chí Minh được đi xe taxi, xe công nghệ 4 chỗ trở lên, với điều kiện lái xe phải tiêm 2 mũi và có tấm chắn khoang lái, nhưng chưa cho phép xe hai bánh chở người (xe ôm). Hà Nội thì làm ngược lại, cho phép xe ôm chạy, nhưng cấm xe 4 bánh. Rất có thể sự trái khoáy này sẽ làm chúng ta khá lúng túng trong tương lai, khi di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác.
Sự thận trọng của Hà Nội cũng dễ hiểu thôi. Một mặt thì tuyên bố đồng lòng với quan điểm “no zero Covid” – sống chung an toàn với virus, nhưng cái vòng kim cô của trách nhiệm đối với số lượng gia tăng của các ca nhiễm khi mở cửa là khó tránh khỏi, các chỉ số do các văn bản pháp lý từ Chỉ thị 15, 16, 19 theo quan điểm “zero Covid” vẫn là áp lực đè lên bất cứ một chính sách thông thoáng nào. Trong khi đó thì, dự thảo Hướng dẫn thích ứng an toàn mà Bộ Y tế soạn thảo cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đang lấy ý kiến các ban ngành, địa phương thì vẫn chưa chịu đi đến hồi kết.
Bản Hướng dẫn này, với cách tính toán mức độ nguy cơ khác hẳn so với các công văn cũ, dựa trên những thực tế mới như tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lớn và tỷ lệ ca nhiễm trên một 100 ngàn dân, cũng như những quy định bắt buộc về năng lực hạ tầng, chữa trị y tế. Nếu được thông qua, nó sẽ là căn cứ cho những quyết định thực tế hơn, phù hợp hơn với quan điểm thích ứng an toàn với virus Sars-CoV-2 mà Thủ tướng và hầu hết lãnh đạo các tỉnh, thành phố lớn nhất trí. Nhưng không ai dám quyết. Có lẽ chúng ta phải chờ đợi một sự quyết đoán của người lãnh đạo ở cấp cao. (Xem thêm về người lãnh đạo chúng ta cần: https://www.facebook.com/vinhlq/posts/10224003829676892)
Một nguyên lý của “sống chung an toàn” là tạo cho mỗi cá nhân và xã hội những lá chắn nhất định đối với sự xâm lấn của virus, chứ không phải là tự nhốt mình xa lánh virus. Nếu Hà Nội nghĩ rằng cần bổ sung thêm các lá chắn cho hành khách di chuyển liên tỉnh để đảm bảo an toàn hơn, ví dụ như xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay/tàu hoả, đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và không nói chuyện (cắt hẳn khẩu phần ăn uống), thì chắc hẳn các hành khách cần lắm những chuyến đi này, sẽ đồng ý thôi. Bởi vì chúng ta cần sống, cần làm việc, cần sản xuất và kinh doanh. Đói lắm rồi!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận