Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng đến Việt Nam đến mức độ nào?
Căng thẳng địa chính trị thế giới và chiến lược "Không COVID-19" của Trung Quốc đang dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu thô và từ đó cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu. Trang vietnam-briefing.com vừa đăng bài phân tích thực trạng 7 ngành công nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào và các biện pháp đối phó với thách thức này.
Ngành dệt may
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, về dài hạn, triển vọng của ngành dệt may khá khả quan do Việt Nam đang mở cửa trở lại và thực hiện một số hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu điều kiện thuận lợi, ngành dệt may có thể mang lại cho nền kinh tế Việt Nam con số doanh thu lên tới 43,5 triệu USD trong năm 2022. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng đơn hàng của các công ty dệt may hiện đang sụt giảm do gián đoạn chuỗi cung ứng vì Trung Quốc đóng cửa biên giới và chi phí tăng cao do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Lâu nay, ngành dệt may của Việt Nam nhập khẩu khoảng 50%-55% nguyên liệu thô và phụ kiện dệt may từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc không từ bỏ chiến lược "Không COVID-19" nên nhiều lô hàng vải và hàng may mặc đang chất đống tại các cảng của Trung Quốc, khiến các công ty may mặc Việt Nam phải hoãn hoạt động sản xuất và giao hàng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi giá bông tăng đột biến. Ngoài ra, ngày 21/6, chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật Ngăn chặn cưỡng bức lao động người Ngô Duy Nhĩ, qua đó ngăn cản các công ty nhập khẩu hàng hóa, bao gồm cả bông, từ vùng Tân Cương của Trung Quốc vào Mỹ. Điều này đã làm tăng thêm chi phí đầu vào.
Ngành giày dép
Việt Nam là nước sản xuất giày dép lớn thứ ba ở châu Á và thứ tư thế giới. Tuy nhiên, do các nhà sản xuất giày của Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên liệu thô từ Trung Quốc, nên tình trạng phong tỏa hiện nay tại Trung Quốc đã khiến nhiều công ty không có được nguyên liệu thô và chậm trễ ngày giao hàng với các đối tác nước ngoài.
Công nghiệp điện tử
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn bị gián đoạn đáng kể do các nhà máy trong vùng phong tỏa phải giảm công suất hoạt động, khiến các doanh nghiệp điện tử - từ những tập đoàn lớn như Intel và Samsung đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ - không chắc chắn về hoạt động sản xuất trong tương lai.
Samsung Việt Nam lo ngại việc sản xuất các mẫu điện thoại mới bị đình trệ do việc vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn thường xuyên bị gián đoạn. Trong khi đó, Intel dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn có thể kéo dài đến năm 2024. Trong khi toàn cầu đang bị thiếu hụt, các công ty điện lớn gặp khó khăn trong sản xuất do việc vận chuyển linh kiện bị gián đoạn và các nhà cung cấp không theo kịp nhu cầu đơn hàng lớn.
Ngành sản xuất gỗ
Ngành gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc sau đại dịch COVID-19 nhờ nhu cầu quốc tế tăng cao và các FTA có hiệu lực. Gỗ và lâm sản của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 14,5 tỷ USD.
Xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nga, bao gồm cả gỗ. Việc Nga cung cấp gỗ cho các nhà sản xuất tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, khiến chi phí tăng cao. Các doanh nghiệp đã tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp, bao gồm cả nguồn cung gỗ từ EU và Mỹ. Tuy nhiên, sự thiếu hụt trầm trọng đã khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong thời kỳ giá tăng.
Một thách thức nữa là giá nhiên liệu tăng đột biến. Do lạm phát và giá cả ngày càng tăng, các nhà sản xuất gỗ không muốn ký hợp đồng mới với khách hàng.
Ngành cao su
Ngành cao su bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Một điểm cần lưu ý là 70% nguyên liệu thô, đặc biệt là hóa chất, được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do sự thiếu hụt này, các doanh nghiệp Việt Nam đang thu hút các nhà cung cấp khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá nhập khẩu từ hai nước này cao hơn từ 15%-20% so với từ Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn cung sẵn có từ hai nước này là không đủ, so với Trung Quốc.
Ngành nông nghiệp
Ngành chăn nuôi của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine do Việt Nam nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kể từ năm 2021, giá nguyên liệu thô, bao gồm lúa mì, ngô và đậu nành, đã tăng từ 30%-40% do cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành có thể giảm tới 50-100 tỷ đồng do chi phí thức ăn chăn nuôi cũng như chi phí vận chuyển tăng cao.
Chi phí vận tải cũng làm thâm hụt ngân sách của các công ty nông nghiệp khi chi phí vận tải biển đã tăng 237% so với năm 2020, nghĩa là mỗi container sản phẩm hiện có giá 2.650 USD.
Sắt và thép
Nguồn cung sắt thép giảm mạnh do hai nguyên nhân chính: Một là, Trung Quốc đã thực hiện chính sách kiểm soát đầu ra đối với sắt để đảm bảo nhu cầu trong nước; Hai là, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu thép của Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu thép lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận