Tính toán lại cho tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới
Với sự bùng phát của dịch bệnh lần thứ hai tại Việt Nam, kinh tế chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Song, theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nếu các cơ quan quản lý có những bước đi đúng đắn, đi đúng vào trọng tâm chiến lược thì nền kinh tế sẽ giảm thiểu được thiệt hại, tiến tới phát triển bền vững.
Ông dự báo như thế nào về những ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nước ta trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát lần thứ hai như hiện nay?
- Thực ra, mọi dự báo chỉ là dự báo. Tuy nhiên, cho đến nay, ba từ người ta hay sử dụng để đánh giá về kinh tế là “bất ổn, bất định, bất an”, nên nhiều dự báo đang theo chiều hướng xấu đi. Nhưng với Việt Nam hiện nay, rõ ràng là chúng ta đang lạc quan tương đối khi đã có thành tích và kinh nghiệm kiểm soát tốt dịch bệnh. Nên chúng ta có quyền kỳ vọng rằng hoạt động kinh tế bên ngoài dù chưa mở cửa trở lại, nhưng hoạt động kinh tế trong nước đang phục hồi lại, đặc biệt là những ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề nhất của đại dịch, như hàng không, du lịch vận tải, nhà hàng khách sạn, bán buôn bán lẻ… Dù vậy, các dự báo cũng đang liên tục thay đổi bởi chúng ta phải chuẩn bị chắc chắn cho mọi kịch bản. Nên xét về tổng thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ thấp, thậm chí là thấp kỷ lục, có thể là kỷ lục của 35 năm đổi mới.
Với những tác động bất lợi như trên, theo ông, ngoài tiếp tục công tác chống dịch, nền kinh tế cần đi vào những giải pháp trọng tâm như thế nào để tăng trưởng trong tình hình mới?
- Trong hoàn cảnh hiện nay, về dài hạn, chúng ta phải có những cải cách thể chế một cách thực sự, đột phá, không được để “làm theo quy định, tiến theo quy trình”. Hiện nay, doanh nghiệp mới được tự do làm gì, tức là “What to do”. Còn “How to do” – làm như thế nào lại chưa được tự do hoàn toàn, vẫn bị ràng buộc bởi các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, nên nếu có giải pháp để nới lỏng hơn cho “How to do” thì những sản phẩm mới, những ngành nghề mới, những mô hình kinh doanh mới có thể xuất hiện, phát triển được.
Về mặt ngắn hạn, với điều kiện dịch bệnh, người dân sẽ hạn chế đi lại và chi tiêu nên sẽ giảm sút về lực cầu, do đó, chúng ta phải có giải pháp duy trì lực cầu. Hơn nữa, đầu tư công, chi tiêu công cũng phải được thúc đẩy thực thi mạnh mẽ. Nhưng hiện nay, vấn đề đầu tư công vẫn còn nhiều trì trệ, nguyên nhân vì những người thực hiện đều sợ rủi ro, sợ sai nên không muốn quyết định làm nhanh, làm mạnh. Do vậy, chúng ta phải tìm các biện pháp để tháo bỏ nhiều điểm nghẽn.
Trong số các điểm nghẽn, như với việc phân bổ vốn, theo tôi, Quốc hội không nên phân bổ vốn cho từng dự án, từng ngành, từng địa phương nữa, mà Quốc hội chỉ nên làm nhiệm vụ giám sát hiệu quả thực thi, việc phân bổ vốn nên giao Chính phủ quyết định. Về hình thức đầu tư của từng dự án, hiện vẫn đang là Quốc hội quyết định, nhưng nên để cho Chính phủ quyết định, thậm chí nên để lãnh đạo bộ liên quan có quyền quyết định là đủ. Hãy trao nhiều quyền hơn cho các lãnh đạo tỉnh, thành phố, các bộ trưởng trong quyết định đầu tư công. Hiện nay, nhiều dự án đầu tư công vẫn đang bị tình trạng “thủ tục chồng thủ tục, dự án chồng dự án”, nhiều dự án phải quay vòng thủ tục 4-5 lần gây mất thời gian, chi phí thực hiện.
Đặc biệt, theo tôi, Nhà nước nên tạo ra một nghị quyết từ cơ quan cấp cao để có một thể chế bảo vệ sứ mệnh chính trị của những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì mục đích chung. Khi cá nhân này làm một cái gì đó thì nên lấy kết quả, hiệu quả tổng thể làm thước đo đánh giá, không phải lấy quy trình, quy định để đánh giá. Quyết định này sẽ tạo ra niềm tin và độ an toàn cho những cán bộ, lãnh đạo thực sự tâm huyết, trăn trở về sự phát triển của quốc gia, địa phương; từ đó giúp tìm ra cách làm mới, phương án tốt nhất cho phát triển. Bởi nếu cứ làm theo quy định, quy trình như hiện nay thì người lãnh đạo, người thực hiện sẽ chọn phương án ít rủi ro nhất, an toàn nhất để thực hiện, không phải phương án tốt nhất, nhanh nhất cho sự phát triển chung.
Bối cảnh dịch bệnh trong tình hình mới này cũng đặt ra yêu cầu về các giải pháp hỗ trợ, liệu Nhà nước có cần “tung” thêm các chính sách hỗ trợ nữa hay không, thưa ông?
- Các chính sách hỗ trợ hiện nay về cơ bản đã đầy đủ, nhưng với tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại trong nước, thì một số chính sách hỗ trợ có thể nên được gia hạn. Ví dụ như chính sách giãn, hoãn, miễn thuế… hoặc thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tế của người dân, doanh nghiệp.
Nhưng nếu để tăng thêm chính sách, thì hiện nay, dư địa chính sách không còn nhiều, nguồn lực ngân sách là hữu hạn, nên chúng ta phải có những tính toán lại, tính toán từ kịch bản tăng trưởng cho đến việc cân đối thu chi ngân sách. Rõ ràng, kịch bản tăng trưởng hiện nay không thể cao, từ đó, tình hình thu ngân sách không thể nhiều, nên để thêm dư địa cho sự hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ có thể phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách, thay đổi chỉ tiêu trần nợ công… để huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Chúng ta cần phải định lượng ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ đến cuối năm.
Nhưng điều cần chú trọng nữa là nên bổ sung thêm những cách thức triển khai mạnh mẽ quyết liệt bằng những công cụ, phương án sáng tạo với tình hình mới. Các cơ quan chức năng phải có sự lựa chọn, đi vào trọng tâm để giải quyết. Đơn cử như việc lựa chọn giữa giải cứu doanh nghiệp lớn hay giải cứu doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta luôn muốn cứu tất cả doanh nghiệp, với ưu tiên là giữ lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng trong cứu trợ, theo tôi, nên có những lựa chọn, tính toán để cứu doanh nghiệp lớn, do số lượng doanh nghiệp này không nhiều, lại có quy mô lớn nên nếu thất bại thì việc quay trở lại rất khó khăn. Còn với những doanh nghiệp nhỏ, do tính chất và quy mô vừa phải, nên nếu ngưng hoạt động, vẫn có thể quay trở lại thị trường nhanh chóng.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận