Tình tiết mới vụ Bitexco “đòi” bồi thường “chi phí cơ hội“, điều pháp luật chưa quy định
“Có thể xem Bitexco và nhà nước đã thỏa thuận theo phương án nhà nước thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Bitexco để thay cho phương án Nhà nước bồi thường”, Bộ Giao thông vận tải nêu.
Bộ Giao thông vận tải mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây theo Nghị quyết số 20/NQ-CP.
Tại văn bản, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng giao bộ này tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm về chi phí chuẩn bị dự án, thanh toán cho Công ty TNHH Tập đoàn (Bitexco) bằng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt theo chỉ đạo của Nghị quyết 20 của Chính phủ; đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định việc xác định chi phí cơ hội như nội dung đã báo cáo tại Văn bản 895 dù pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội.
Pháp luật chưa có quy định cụ thể “chi phí cơ hội”
Theo Bộ Giao thông vận tải, cơ sở pháp lý và thẩm quyền phê duyệt chi phí chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây là đầy đủ và chặt chẽ. Việc xác định chi phí cơ hội trong chi phí khác của Tổng mức đầu tư làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư là phù hợp với Nghị định số 32 và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 20.
Về cơ sở xem xét chi phí cơ hội, Bộ Giao thông vận tải dẫn lại hàng loạt văn bản, quyết định trong đó có Quyết định số 1597 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Cơ chế quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thí điểm theo hình thức đối tác Công – Tư, theo đó Bitexco đã được chỉ định làm nhà đầu tư thứ nhất giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án, chi phí chuẩn bị đầu tư do nhà đầu tư thanh toán sẽ được hạch toán là phần đóng góp nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thứ nhất trong dự án.
Theo Điều 116 của Bộ Luật Dân sự 2015 về Giao dịch dân sự “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, các văn bản giao nhiệm vụ như trên là “hành vi pháp lý đơn phương” làm phát sinh giao dịch dân sự giữa Công ty Bitexco và Cơ quan nhà nước trong đó Bitexco có nhiệm vụ chuẩn bị dự án, có quyền được làm nhà đầu tư thứ nhất, được hạch toán chi phí chuẩn bị dự án đóng góp vốn chủ sở hữu của dự án.
Bộ Giao thông cũng dẫn Bộ Luật Dân sự 2015 và cho biết, trong quan hệ dân sự, Nhà nước cũng chịu trách nhiệm dân sự và bình đẳng với Nhà đầu tư.
“Các văn bản giao nhiệm vụ trên là “hành vi pháp lý đơn phương” làm phát sinh nghĩa vụ dân sự của Công ty Bitexco và Nhà nước trong đó Bitexco có nghĩa vụ chuẩn bị dự án, Nhà nước có nghĩa vụ chỉ định Bitexco (Bitexco có quyền) làm nhà đầu tư thứ nhất, chi phí chuẩn bị dự án của Bitexco là vốn góp chủ sở hữu vào dự án”, văn bản của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Cũng theo Bộ này, Nhà nước đã không thực hiện nghĩa vụ “chỉ định Bitexco làm nhà đầu tư thứ nhất dự án, hoạch toán chi phí chuẩn bị dự án của Bitexco là nguồn góp vốn chủ sở hữu cho dự án”, Bitexco cũng mất các quyền này, theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì “Nhà nước sẽ bồi thường toàn bộ thiệt hại hoặc giữa nhà nước và Bitexco có thỏa thuận khác”.
Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Bitexco, Bộ Giao thông cho biết đã đàm phán với Bitexco đồng ý phương án 1.
Phương án 1 từng được đưa ra trước đó là Tập đoàn Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án, Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
“Như vậy, có thể xem Bitexco và nhà nước đã thỏa thuận theo phương án nhà nước thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Bitexco để thay cho phương án Nhà nước bồi thường”, Bộ Giao thông vận tải nêu tại văn bản.
Chi phí cơ hội cũng được Bộ Giao thông xác định là tương đương với thu nhập thực tế bị mất hay chi phí vốn của phần vốn nhà đầu tư bỏ ra, do đó việc xem xét chi phí này để thanh toán cho nhà đầu tư là “có cơ sở”. Dẫn theo Nghị quyết 20 và Nghị định 63 thì thẩm quyền quyết định chi phí cơ hội là của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng giao bộ này tổ chức rà soát, phê duyệt và chịu trách nhiệm về chi phí chuẩn bị dự án, tổ chức thanh toán cho Bitexco bằng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt theo chỉ đạo của Nghị quyết 20 của Chính phủ.
Về chi phí cơ hội, do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư trong trường hợp dừng dự án bởi chủ trương thay đổi từ Nhà nước như dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Vận dụng quy định tại Bộ luật Dân sự theo ý kiến của Bộ Tư pháp, trường hợp xác định chi phí cơ hội là một thiệt hại thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Khi đó, việc xác định chi phí bồi thường thiệt hại tương tự như lợi ích mà lẽ ra doanh nghiệp được hưởng (hay chi phí vốn của phần vốn nhà đầu tư bỏ ra).
Căn cứ quy định tại Điều 77 Nghị định 63, Bộ Giao thông đã đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định việc xác định chi phí cơ hội này như nội dung đã báo cáo tại văn bản 895 trước đó.
Trước đó, Bitexco từng xác định tổng chi phí cơ hội ở dự án này là hơn 104 tỷ đồng.
Các bộ từng nêu quan điểm như thế nào?
Trước đó, liên quan đến chi phí cơ hội của Bitexco tại dự án, Bộ Tài chính từng nêu quan điểm rằng, hiện nay không có văn bản pháp lý quy định về khái niệm và phương pháp xác định, tính toán chi phí cơ hội.
Bên cạnh đó, dự án chưa ký hợp đồng nên các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên khi chấm dứt chỉ định Bitexco làm nhà đầu tư thứ nhất là chưa đủ căn cứ pháp lý và chế tài xử lý. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đối với chi phí chuẩn bị đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo Luật Đầu tư chi phí cơ hội chỉ áp dụng đối với việc thay đổi của pháp luật về ưu đãi đầu tư mà không áp dụng đối với các quyền, lợi ích khác của nhà đầu tư.
Từ năm 2009, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco được Chính phủ giao lập đề xuất dự án. Tháng 8/2009, Ngân hàng Thế giới (WB) làm việc để xây dựng chương trình phát triển PPP tại Việt Nam, trong đó dự án Dầu Giây - Phan Thiết được đề xuất trở thành một trong những dự án thí điểm đầu tiên sử dụng mô hình PPP mới của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2012-2016, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với WB tổ chức đấu thầu quốc tế; phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng cấu trúc dự án để trình Chính phủ xem xét, thông qua để triển khai dự án.
Tuy nhiên, do những vướng mắc nhất định về pháp luật hiện hành (không thống nhất được với nhà tài trợ WB về các nội dung liên quan đến bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ…) nên cấu trúc dự án chưa được Chính phủ thông qua để triển khai. Bộ Giao thông sau đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và huỷ kết quả sơ tuyển.
Theo Bộ Giao thông, thời điểm năm 2016-2017, trước tình hình phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu vận tải dọc tuyến Bắc - Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông nghiên cứu việc đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc Nam. Ngày 22/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 52/2017/QH14 thống nhất về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Tiếp đó, ngày 28/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20, trong đó có chỉ đạo dừng triển khai Quyết định số 1597 năm 2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận