menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phong

"Tỉnh ngộ" sau đụng độ biên giới, Ấn Độ tính toán lại chiến lược với Trung Quốc

Xung đột biên giới đẫm máu lần đầu tiên sau 45 năm khiến Ấn Độ phải xem xét lại chiến lược với Trung Quốc.

"Tỉnh ngộ" sau đụng độ biên giới, Ấn Độ tính toán lại chiến lược với Trung Quốc
Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp thượng đỉnh năm 2017. (Nguồn: Reuters)

Trong những năm qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cần mẫn “ve vãn” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gạt sang một bên tranh chấp biên giới lâu nay để theo đuổi các mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn. Các công ty tên tuổi của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Huawei đã có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường đang phát triển nhanh chóng ở đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Mối quan hệ "không thể bình thường"

Nhưng sau cuộc ẩu đả dữ dội ở vùng núi Himalaya khiến ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng tại khu vực biên giới Trung-Ấn trong tuần này, các quan chức cấp cao Ấn Độ tuyên bố New Delhi sẽ dần cắt giảm các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Một quan chức Ấn Độ nói: “Về các lựa chọn địa chính trị và kinh tế, Ấn Độ sẽ tìm kiếm ở nơi khác. Chúng tôi đã cố tạo cho họ (Trung Quốc) một số lợi ích kinh tế ở đất nước chúng tôi với hy vọng một mối quan hệ kinh doanh mạnh mẽ hơn có thể tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, rõ ràng điều này không hiệu quả”.

Mặc dù New Delhi và Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn sự leo thang hơn nữa, vụ đụng độ đẫm máu đầu tiên giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân kể từ năm 1975 này đã gây sốc cho giới chính trị và an ninh của Ấn Độ, khiến nhiều người tin rằng sự nguyên trạng đó có thể sẽ lung lay.

Cựu Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Nirupama Rao - cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ và Trung Quốc cho hay: “Đây là một bước ngoặt rất nguy hiểm trong quan hệ hai nước. Với những gì đã xảy ra tại Thung lũng Galwan - và rất nhiều máu đã đổ - mối quan hệ này không thể bình thường được nữa”.

Thủ tướng Modi hầu như không có lựa chọn dễ dàng để xử lý cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất với người hàng xóm hùng mạnh, giàu có kể từ những năm 1960 - khi Trung Quốc từng nhanh chóng xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ trước khi rút quân.

Căng thẳng tại biên giới gia tăng sau khi quân đội Ấn Độ hủy bỏ các cuộc tập trận thường niên trên dãy núi Himalaya hồi tháng 4 vừa qua do dịch Covid-19. Theo các nhà phân tích an ninh Ấn Độ, binh lính Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để thiết lập các vị trí trên thực địa mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, trong đó gồm các đỉnh núi chiến lược ở Thung lũng Galwan, nhìn ra một tuyến đường mới xây của Ấn Độ.

Ngay sau khi bị phát hiện, các cuộc xâm lấn của Trung Quốc đã dẫn đến hành động quân sự hóa quy mô lớn ở cả hai phía, các cuộc đụng độ lẻ tẻ không gây thiệt mạng, và một thỏa thuận ký kết ngày 6/6 cho phép sự rút lui dần dần. Tuy nhiên, cả hai đều đổ lỗi cho nhau vi phạm các điều khoản.

Điều không thể ngờ tới là một cuộc ẩu đả bạo lực đã xảy ra tại một con đường trên núi vào đêm ngày 15/6, cao hơn 4.200m so với mực nước biển, trong đó một số binh sỹ đã rơi xuống chết.

Một quan chức Ấn Độ đã nói về “một cuộc đụng độ tàn bạo" và "thật nực cười khi nghĩ sẽ không có hậu quả kinh tế hay hậu quả nào khác".

Ông cho biết, New Delhi sẽ hủy bỏ một số hợp đồng công trình công cộng đang chờ xử lý với các tập đoàn Trung Quốc, trong khi công ty viễn thông do nhà nước quản lý BSNL được yêu cầu tìm kiếm các đối tác thay thế không phải Trung Quốc để nâng cấp hệ thống mạng theo đúng kế hoạch.

Tình báo Ấn Độ cũng đã đề nghị một lệnh cấm hoặc quy định chặt chẽ hơn đối với 52 ứng dụng trên điện thoại của Trung Quốc, trong đó gồm nền tảng video xã hội phổ biến TikTok. Các công ty khởi nghiệp công nghệ của Ấn Độ vốn được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc — bao gồm 1,4 tỷ USD đầu tư trong quý IV/2019 — cũng có thể bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh này.

Không có kịch bản chiến tranh?

Sau vụ đụng độ trên, ngày 17/6, Trung Quốc và Ấn Độ đã dùng "quân bài" ngoại giao để làm dịu căng thẳng tại khu vực này. Theo thông cáo của phía Bắc Kinh, trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã thỏa thuận với nhau rằng sẽ "làm dịu căng thẳng và duy trì hòa bình tại các vùng biên giới".

Chính phủ Ấn Độ cũng xác nhận là lãnh đạo ngoại giao hai nước đồng ý "sẽ không có hành động nào có thể khiến tình hình leo thang" ở vùng Ladakh, nơi xảy ra vụ đụng độ vào đêm 15/6 rạng sáng 16/6 vừa qua.

Tuy nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn gấp 5 lần so với Ấn Độ và sức mạnh quân sự cũng vậy, giới chuyên gia tin rằng ông Tập Cận Bình không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Washington đang rất xấu. Bắc Kinh đã sử dụng những lời lẽ gay gắt nhằm vào New Delhi trong tuần này, nhưng các nhà phân tích cho rằng họ đã kiềm chế không công bố con số thương vong không kích động chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.

Ông Wang Dehua, một chuyên gia về Nam Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nói: “Trung Quốc muốn mọi thứ phải nằm dưới sự kiểm soát thay vì leo thang xung đột. Một cuộc xung đột giữa hai gã khổng lồ sẽ khiến cả hai trọng thương”.

Nhiều người dân Trung Quốc đang bị thuyết phục rằng quân đội của họ đã giành “chiến thắng” trong cuộc chạm trán này. Một giáo sư Trung Quốc nói: “Phần lớn các bài đăng trên nền tảng xã hội WeChat của tôi thiên về chủ nghĩa dân tộc. Quan điểm là chúng ta vượt trội hơn so với Ấn Độ và những gì xảy ra ngày 15/6 đã chứng minh điều đó”.

Cho tới nay, theo truyền thống, Ấn Độ vẫn không muốn có quan hệ quá mật thiết với Mỹ và vẫn cố duy trì sự cân đối trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ-Trung. Tuy nhên, các nhà phân tích cho rằng cuộc đối đầu đẫm máu trên sẽ đẩy nhanh sự xoay trục chiến lược lâu nay của Ấn Độ về phía Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra thù địch với Trung Quốc và muốn có mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ.

Ông Evan Medeiros, Giám đốc châu Á tại Nhà Trắng dưới thời chính quyền Obama nói: “Bất kể ai khơi mào vụ việc, Trung Quốc có lẽ đã đẩy Ấn Độ về phía Mỹ trong những thập kỷ tới. Ngay cả một quốc gia phi liên kết sâu sắc như Ấn Độ sẽ phải tìm kiếm đối tác để đối trọng sức mạnh quân sự của Trung Quốc sau sự kiện này”.

Theo báo Hindustan Times, "Bắc Kinh muốn kềm chế sức mạnh và tham vọng của New Delhi, họ muốn Ấn Độ phải chấp nhận ưu thế của Trung Quốc ở châu Á và ngoài khu vực này". Nhật báo này kêu gọi biến "Bộ Tứ" (Quad) thành một cơ chế mang tính thường trực hơn. Diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang được xem là một đối trọng tiềm tàng với ảnh hưởng ngày càng lớn và sự lấn lướt của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại