Tình huống hiếm gặp, thế mạnh Việt khó khăn chưa từng có
Năm 2017-2018, các nước trên thế giới đều tích cực lấp đầy kho dự trữ của mình. Thế nên, đầu 2019 và thời gian tới đây gạo Việt xuất khẩu - thế mạnh đem về tỷ USD sẽ chịu áp lực chưa từng có - bởi cung nhiều hơn cầu.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tới 74%
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018; trị giá khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%.
Giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm khoảng 427,5 USD/tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 vừa diễn ra tại TP.HCM, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo diễn biến bất lợi trong những tháng đầu năm 2019. Các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam như: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm. Vì thế, trong 5 tháng đầu năm 2019, ba thị trường này chỉ nhập của Việt Nam 239.000 tấn gạo, giảm hơn 83% so với cùng kỳ năm 2018 (1,44 triệu tấn).
Các nước đã dự trữ đủ lượng gạo trong kho mình cần nên giá gạo nửa đầu năm 2019 giảm mạnh trên toàn cầu, gạo Việt bị ảnh hưởng nặng |
Đáng chú ý, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 5 tháng đầu năm, Trung Quốc chỉ nhập từ Việt Nam gần 224 ngàn tấn gạo, trị giá hơn 111,3 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm 2018. Trước đó, thị trường này từng là thị trường số 1 của gạo Việt Nam, chiếm hơn 40% thị phần thì nay xuống vị trí thứ 3, còn 8,1%.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cuối năm của ngành nông nghiệp sáng 28/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay trong bức tranh chung nông sản toàn cầu đến giờ qua kết quả thống kê thì thấy giá tất cả các nhóm nông sản đều giảm từ 5-15% tùy nhóm. Trong đó đặc biệt là lúa gạo khi mặt hàng này giảm sâu, giảm nhiều trên tất cả các phân khúc.
Ông Cường cho rằng, lý do là vì khoảng cuối 2015 và nửa đầu năm 2016 các nước bị tác động của El Nino làm cho sản lượng lương thực chung toàn cầu, trong đó Việt Nam lần đầu tiên bị giảm 1 triệu tấn lương thực. Do đó, năm 2017, các nước buộc phải cân đối lại kho lương thực dự trữ, cùng với đó là sự thiếu hụt trên thực tế.
Kết quả, năm 2018 thị trường lúa gạo khởi sắc, sản lượng giao dịch thương mại cực kỳ lớn kéo theo giá cả cũng ổn định ở mức cao. Như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 bình quân đạt hơn 500 USD/tấn - mức giá kỷ lục chưa bao giờ có.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng NN-PTNT, bức tranh ngành lúa gạo năm 2019 hoàn toàn trái ngược. Năm 2017-2018, các nước trên thế giới đều tích cực lấp đầy kho dự trữ của mình để đảm bảo an ninh lương thực nên đầu 2019 sẽ khó khăn bởi cung nhiều hơn cầu. Ngành gạo Việt xuất khẩu - thế mạnh đem về tỷ USD sẽ chịu áp lực chưa từng có khi các nước trước đây nhập khẩu nhiều, là thị trường lớn của ta - giờ họ tự cân đối được.
“6 tháng đầu năm nay, giá lúa gạo trên thế giới, sản lượng thương mại đều giảm, đặc biệt giảm rất nhanh về giá bình quân. Vừa rồi gạo Việt xuất khẩu giá bình quân chỉ còn hơn 400 USD/tấn”, ông Cường chia sẻ.
Cần chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hay sang nuôi trồng thủy sản |
Chuyển hướng xuất khẩu gạo
Để đối phó với tình hình trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giải pháp trước mắt là mở rộng thị trường mới, tập trung sang thị trường châu Phi, ASEAN nhằm bù đắp về sự sụt giảm tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần cơ cấu ngay lại bộ giống lúa hè thu, thay thế các giống lúa sao cho phù hợp những nhóm thị trường trên. Đồng thời, cố gắng giảm giá thành sản xuất bằng cách áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học từ khâu giống, từ quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào đảm bảo sao cho giá không tăng nhưng lợi nhuận của người làm ra hạt lúa phải được thể hiện.
“Về lâu dài, chúng ta cần tổng rà soát lại, chủ trương tới đây giảm 500 ngàn ha đất lúa để chuyển sang đối tượng sản xuất nông nghiệp khác là thủy sản, trái cây hay những cây trồng cạn để phát triển chăn nuôi. Từ đó sẽ giảm áp lực về sản lượng lúa gạo, tạo sinh kế mới. Chứ lúa gạo cứ thừa như thế này thì hiệu quả rất kém”, Bộ trưởng Cường nói.
Ngoài những giải pháp trên, ông Cường cũng yêu cầu tập trung vào công tác chế biến sâu hơn nữa. Bởi, chuỗi giá trị gạo không chỉ là hạt gạo mà còn các sản phẩm phụ như trấu, cám, dầu. Kể cả sản phẩm gạo cũng phải đa dang như gạo hữu cơ, gạo dược liệu,... Có như vậy mới đem lại hiệu quả.
Trước đó, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cũng cho rằng cần chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hay sang nuôi trồng thủy sản. Theo vị này, thị trường gạo trên thế giới hiện không còn nhiều dư địa như các ngành trái cây, thủy sản. Trong khi, nhiều nước trước kia nhập khẩu với số lượng lớn nay đã tự cung tự cấp, thậm chí lượng gạo xuất khẩu của các nước này còn tăng mạnh trong 1-2 năm trở lại đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận