Tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện
Chính phủ nêu rõ thực trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi 'tham nhũng vặt' ở một bộ phận cán bộ.
Theo Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong năm 2020, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019).
Đơn vị đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 253 vụ, 760 bị can; tạm đình chỉ điều tra 30 vụ, 52 bị can bao gồm TP Hà Nội 5 vụ, 9 bị can; TP. Hồ Chí Minh 2 vụ; Hải Phòng 2 vụ; Hà Giang 1 vụ, 4 bị can; Vĩnh Phúc 1 vụ...
Đình chỉ điều tra 3 vụ, 3 bị can gồm: A09 1 bị can; Cao Bằng 1 vụ; Yên Bái 1 bị can; Bắc Ninh 1 vụ; Hậu Giang 1 bị can; Kiên Giang 1 vụ; xử lý khác (thay đổi tội danh, chuyển vụ án, nhập vụ án…) 14 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 231 vụ, 407 bị can.
Trong khi đó, Cơ quan điều tra trong Quân đội Nhân dân đã khởi tố điều tra: 4 vụ/4 bị can. Số tiền thiệt hại do tham nhũng là trên 27,7 tỷ đồng; thu hồi trong giai đoạn điều tra 2,16 tỷ đồng; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 3 vụ/3 bị can; đang điều tra 1 vụ/1 bị can.
Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đang thụ lý kiểm sát điều tra 845 vụ/1596 bị can. Đã giải quyết 390 vụ/827 bị can, tỷ lệ giải quyết đạt 46,1% (giảm 35,1%) so với cùng kỳ năm 2019. Đã thụ lý giải quyết là 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, tỷ lệ giải quyết đạt 75,4%, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó có 8 bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình; xét xử phúc thẩm 158 vụ, 326 bị cáo.
Cũng tại báo cáo này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo đó, đối với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung: Số thi hành xong là 3.605 việc, đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành (tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019). Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo: các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tổ chức thi hành 58 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Có 15 vụ việc đã tổ chức thi hành xong, 43 vụ đang tổ chức thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.539 tỷ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn 55.278 tỷ đồng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Chính phủ nhận định, nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Nói về tình hình tham nhũng trong thời gian tới, Chính phủ nêu rõ thực trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi "tham nhũng vặt" ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc, hậu quả cho xã hội và mức độ tinh vi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận