Tình hình kinh tế Trung Quốc tác động như nào đến kinh tế Việt Nam?
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại, bao gồm tiêu dùng suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng bất động sản đang ngày ngày thêm nghiêm trọng. Mặc dù có nhiều lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn là tăng trưởng dương, đặc biệt khi chính sách tiền tệ liên tục được Chính Phủ theo hướng hỗ trợ.
- Du lịch: Trong hai quý đầu năm 2023, tỷ trọng du khách Trung Quốc chiếm 11% (so với 2022: 3%), thấp đáng kể so với mức trên 30% thời kỳ trước đại dịch (giai đoạn 2017−2019).
- Xuất khẩu: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc như Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Rau quả có mức tăng trưởng ấn tượng trong 2 quý đầu năm 2023. Tính chung 2 quý năm 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 2,4% so với năm trước, là điểm sáng trong khi các thị trường xuất khẩu khác sụt giảm so với cùng kỳ.
- Nhập khẩu: Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam chủ yếu nhập Máy móc thiết bị, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Vải các loại, Điện thoại và linh kiện, Sắt thép các loại. Trong 2 quý đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 18% sao với năm 2022 trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trong nước chậm lại.
- FDI: Chúng tôi cho rằng để quản trị rủi ro từ việc chuyển đổi cấu trúc, rủi ro địa chính trị, cũng như sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, các nhà sản xuất sẽ có động lực tìm kiếm thị trường mới để đặt nhà máy. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn khi các doanh nghiệp cân nhắc chiến lược Trung Quốc, nhờ Việt Nam thúc đẩy đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII được thông qua gần đây, cũng như chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam.
=> Bên cạnh các yếu tố rủi ro kể trên, chúng tôi thấy kinh tế Việt Nam nói chung đã có những dấu hiệu khởi sắc ban đầu:
1) Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 7, mặc dù vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, nhưng đây là lần suy giảm nhẹ nhất trong 5 tháng gần đây;
2) Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước;
3) Xuất khẩu sang Mỹ giảm 20,8%; EU giảm 7% và ASEAN giảm 8,3% so với cùng kì và bắt đầu thu hẹp đà giảm;
4) Doanh thu doanh thu du lịch lữ hành tăng 53,6% trong hai quý đầu năm nhờ vào khách quốc tế tiếp tục hồi phục (tăng gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước); trong đó, khách từ Hàn Quốc đã hồi phục lại mức bình quân trước dịch COVID, chiếm gần 29% tổng lượt khách trong hai quý đầu năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng rất lớn đến từ việc Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận