24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Nhật
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tình hình giãn cách xã hội tại Hà Nội và 19 tỉnh thành phía Nam

Các tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đang chạy đùa từng ngày để chặn dịch. Trong đó, TP.HCM và 18 tỉnh thành phía Nam chỉ còn một tuần, Hà Nội còn hai tuần áp dụng Chỉ thị 16 để tổng lực dập dịch trong bối cảnh số ca Covid-19 liên tục tăng.

Theo số liệu của Bộ Y tế, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trên cả nước từ ngày 27/4 đến hết ngày 24/7 là 87.192 ca, ở 62 tỉnh, thành phố. Hiện Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Số ca nhiễm Covid-19 trong nước tiếp tục lập đỉnh mới trong ngày 24/7 là 9.225 ca, song cũng có số bệnh nhân xuất viện lớn nhất với hơn 2.200. Ca nhiễm của Việt Nam đứng thứ tư Đông Nam Á trong ngày 24/7, sau Indonesia (45.416), Malaysia (15.902), Thái Lan (14.260).

Ngày đầu tiên giãn cách xã hội tại Hà Nội

Tại TP. Hà Nội, sau khi ghi nhận 7 chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây kể từ đầu tháng 7, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày gần đây là 50 – 60 ca và có ngày lên cao nhất 64 ca (ngày 22/7), Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh tối ngày 23/7 đã ký ban hành chỉ thị 17 cách ly toàn xã hội toàn thành phố trong 15 ngày từ 6h ngày 24/7.

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến chiều ngày 24/7, Hà Nội ghi nhận 689 ca dương tính Covid-19, trong đó có 424 ca tại cộng đồng, 265 ca là những người đã được cách ly.

Hiện tại, các bệnh viện của thành phố đang điều trị 379 bệnh nhân tại 4 bệnh viện, trong đó, có 8 bệnh nhân nặng (1 bệnh nhân lọc máu).

Đây là lần thứ hai TP. Hà Nội phải thực hiện Chỉ thị 16, trước đó vào tháng 4/2020. Theo đó dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; khai báo y tế hàng ngày trên tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, số ca bệnh đã giảm rõ rệt so với những ngày trước đó, chỉ ghi nhận 23 ca mắc mới.

Tình hình giãn cách xã hội tại Hà Nội và 19 tỉnh thành phía Nam
Tại phiên họp tối ngày 24/7, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh: "người dân ra đường đi lại còn nhiều" trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội.

Với diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4, dự kiến thời gian tới Hà Nội sẽ ghi nhận nhiều ca F0 được phát hiện trong cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết tại buổi họp báo ngày 24/7.

Sở Y tế thành phố đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay phương án 1.000 giường đã được thực hiện. Sắp tới, sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.

Tầng 1 bao gồm 80% F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến. Hiện, thành phố sẵn sàng có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.

Tầng thứ 2 sẽ điều trị F0 có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền. Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.

Tầng 3 và 4 gồm 5% F0 nặng, trong đó, có 1% F0 rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.

Ông Hưng cho biết, hiện tại, năng lực của riêng ngành y tế Hà Nội có 412 giường hồi sức, 222 bác sĩ và trên 400 điều dưỡng có khả năng sử dụng máy thở, 111 xe cứu thương. Năng lực xét nghiệm là 48 nghìn mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy nữa.

Về công tác tiêm vắc-xin Covid-19, tính đến ngày 23/7, Hà Nội đã tiêm được hơn 211.000 mũi, trong đó, có hơn 200.000 người tiêm 1 mũi và 9.443 người tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt cho các lực lượng tuyến đầu.

Theo kế hoạch chiến dịch tiêm chủng của thành phố, mục tiêu cao nhất là tiêm từ 100.000 - 200.000 mũi/ngày. Thành phố đã khởi động 1.000-1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành.

Những trường hợp có tiền sử phản vệ, có bệnh lý nền, người cao tuổi sẽ tiêm ở các bệnh viện để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp có sốc phản vệ sau tiêm.

Hiện tại, Sở Y tế có 3 loại vắc xin. Cụ thể, 60.480 liều vaccine Moderna và 563.500 liều AstraZeneca được phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã và CDC Hà Nội. Ngoài ra, phân bổ 2.340 liều Pfizer cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình và CDC Hà Nội.

Tới đến tháng 3/2022, Sở Y tế kỳ vọng sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.

Tình hình giãn cách xã hội tại Hà Nội và 19 tỉnh thành phía Nam
Ngành y tế Hà Nội đang có 412 giường hồi sức.

Mặc dù trong Chỉ thị 17 không chỉ rõ, nhưng Sở Giao thông vận tải hôm nay cho biết tạm thời cấm lực lượng shipper hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 bởi chưa kiểm soát được lực lượng này.

Ba đối tượng ưu tiên đi lại trong 2 tuần tới trên địa bàn thành phố gồm xe tải chở hàng hóa đảm bảo nguồn cung hàng hóa đi qua thành phố trên luồng xanh quốc gia; xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ công trình, cơ sở sản xuất của Hà Nội; xe chở người và phương tiện phục vụ các phục vụ công tác chống dịch… và các phương tiện vận tải hành khách khác được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Thành phố cũng thực hiện việc cấp giấy phép mã QR trên luồng xanh quốc gia, được thực hiện trên mạng và hướng dẫn các phương tiện dán mã trên xe; với phương tiện có hàng hóa dễ hỏng được cấp thêm mã hàng hóa dễ hỏng.

Hiện 22 chốt kiểm dịch đang hoạt động, tuy nhiên Sở Giao thông vận tải dự kiến bố trí thêm 30 chốt của thành phố và 26 chốt quận, huyện. Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở một số chốt, sở sẽ tổ chức chốt thành nhiều lớp.

Về việc đảm bảo hàng hóa trong thời gian giãn cách, Sở Công thương Hà Nội cho biết đã nâng mức dự trữ hàng hóa lên 3 lần so với các tháng trung bình với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu.

Nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp phân phối tăng dự trữ từ 30 – 50% trong thời gian 3 tháng theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Tại TP.HCM, người dân toàn thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới ngày 1/8 và bổ sung nhiều biện pháp mạnh chống Covid-19 kể từ ngày 23/7, theo Chỉ thị khẩn 12.

Trong đó có tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách như cư dân trong các khu phong tỏa tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; người dân chỉ ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp); còn từng hộ dân trong khu vực có nguy cơ rất cao chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà…

Thành phố cũng thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 như dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; các chợ truyền thống chỉ hoạt động khoảng 30% quy mô…

Trước khi thực hiện mức Chỉ thị 16+ từ ngày 23/7, thành phố cũng đã trải qua 14 ngày giãn cách xã hội và 37 ngày thực hiện Chỉ thị 15 trước đó.

TP.HCM hiện là tâm dịch của cả nước. Tổng số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại đô thị đông dân nhất nước là 55.870 ca trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay. Riêng trong ngày 24/7, thành phố ghi nhận số ca kỷ lục 5.396, tăng 483 ca so với hôm qua và chưa có dấu hiệu giảm.

TP.HCM tiếp tục nâng lên mức Chỉ thị 16++

Chỉ sau 2 ngày lãnh đạo thành phố ban hành Chỉ thị khẩn 12, đến tối ngày 24/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục ký quyết định tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16.

Theo đó, đối với các khu vực phong tỏa, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức "đi chợ thay", thay vì người dân được mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa 2 lần/ tuần theo Chỉ thị khẩn 12.

Chính quyền địa phương phối hợp công an, quân sự thường xuyên tuần tra, giám sát việc thực hiện giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao.

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này đề nghị liên hệ Tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.

Thành phố tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi đó. Định kỳ các khu phong toả sẽ được địa phương và đơn vị liên quan đánh giá mức độ an toàn để kịp thời gỡ bỏ từng phần.

Các loại hình giao thông vận tải được phép hoạt động, gồm vận chuyển hàng hóa đường thủy (hàng hải, đường thủy nội địa), bến phà, các bến thủy (Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An, Thạnh An - Thiềng Liềng); giao thông đường bộ: xe công vụ, các xe có giấy nhận diện (QR code) được phép chạy vào hoặc xuyên qua thành phố, ôtô, xe máy của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng chống dịch và các mục đích công vụ;

Xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp đang thực hiện phương án "một cung đường - hai địa điểm"; taxi (được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động) chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đến bệnh viện;

Xe chở hàng hoá thiết yếu; chở y bác sĩ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, người bệnh Covid-19, người xuất viện từ các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 về nhà.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tận TP.HCM (HCDC), tính đến sáng 24/7, các bệnh viện TP.HCM đang điều trị 37.407 bệnh nhân Covid-19. Trong đó có 619 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO, ghi nhận 496 bệnh nhân tử vong.

Kịch bản 80.000 F0 của TP.HCM

TP.HCM hiện đã thay đổi mô hình "tháp 4 tầng" điều trị Covid-19 lên 5 tầng. Theo Sở Y tế TP.HCM, trong kịch bản TP.HCM có 80.000 F0, tầng 1 sẽ tiếp nhận 40.000 người (50% F0) tại các khu cách ly quận, huyện và TP.Thủ Đức. Tầng 2 chuẩn bị 21.600 giường (27% F0) điều trị bệnh nhận có triệu chứng và bệnh lý nền kèm theo, tại các bệnh viện dã chiến. Tầng 3 gồm 8.000 giường (10% F0), điều trị các ca có triệu chứng. Tầng 4 gồm 6.400 giường (8% F0) tại các bệnh viện điều trị người có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19 với 4.000 giường bệnh (5% F0).

Tình hình giãn cách xã hội tại Hà Nội và 19 tỉnh thành phía Nam
Mô hình tháp 5 tầng trong thu dung và điều trị người mắc Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Để đáp ứng đủ số giường như kịch bản trên, thành phố đang nâng công suất, mở rộng cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19. Trong đó, các bệnh viện quận huyện sẽ được chuyển đổi công năng để bổ sung cho tầng 3 gồm các bệnh viện Da liễu, Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Bưu điện, Giao thông vận tải, Chỉnh hình và phục hồi chức năng… (khoảng 4.120 giường), bên cạnh 8 bệnh viện hiện tại.

Ở tầng 4, một loạt bệnh viện khác tham gia điều trị để nâng lên 6.631 giường gồm Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Hùng Vương, Bình Dân, Gia An 115, FV, Tim Tâm Đức, Vinmec Central Park. Và tầng 5 dự kiến có sự tham gia của bệnh viện Nhân dân Gia Định và Nhân dân 115.

Sở Y tế TP HCM sắp xếp ít nhất một bác sĩ, hai điều dưỡng chăm sóc và theo dõi mỗi 50 - 100 F0 tại tầng 1, mỗi 25 F0 tại tầng 2, mỗi 20 F0 tại tầng 3, mỗi 10 F0 tại tầng 4 và mỗi 5 F0 tại tầng 5.

Ngày 23/7, lãnh đạo TP.HCM đã đề xuất Trung ương hỗ trợ hơn 12.000 nhân sự y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm để chống dịch.

Hiện tổng số nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch ở TP.HCM là 14.129 người. Trong đó đội ngũ y, bác sĩ của thành phố là 10.022, lực lượng chi viện từ Trung ương và các tỉnh thành 4.107 người.

Bên cạnh những tin tức về số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày, con số bệnh nhân xuất viện của TP.HCM những ngày gần đây tăng nhanh, theo HCDC, đã mang đến tin vui hiếm hoi cho cả nước. Số xuất viện ngày 23/7 là 2.226 người về cách ly tại nhà; ngày 22/7 là 2.046, hai ngày trước đó lần lượt là 1.585 và 1.179, nâng tổng số điều trị khỏi từ khi đại dịch xuất hiện lên 10.699 người.

Về kế hoạch tiêm vắc-xin, nhiều người dân TP.HCM đã bắt đầu đi tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 5 từ ngày 22/7, dự kiến khoảng 930.000 liều gồm vắc-xin Astra Zeneca, Moderna, Pfizer và một lượng nhỏ Sinopharm, triển khai ở hơn 600 điểm tại 21 quận huyện và TP. Thủ Đức. Trong đó, đợt này thành phố ưu tiên khoảng 50.000 liều tiêm cho những người trên 65 tuổi, 100.000 liều cho người mắc các bệnh nền.

Qua 4 đợt trước đây, TP.HCM đã tiêm cho hơn 990.000 người (hơn 943.000 người mũi một và 48.000 mũi hai). Trong đó, riêng đợt tiêm thứ 4 Chính phủ đã ưu tiên cho TP.HCM 836.000 liều sau khi dịch bùng phát mạnh.

18 tỉnh thành phía Nam còn lại

Bình Dương – Vùng dịch lớn thứ 2 ở phía Nam, chỉ sau TP.HCM với gần 6.946 ca nhiễm trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 tính đến ngày 24/7, theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương. Trong đó 388 bệnh nhân khỏi bệnh và 22 bệnh nhân tử vong. Riêng trong ngày 24/7, tỉnh này ghi nhận 850 ca sau 2 ngày có dấu hiệu giảm.

Toàn tỉnh hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng; cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người, sử dụng 36 máy thở. Hiện tại đây đang điều trị cho 4.012 bệnh nhân. Trong đó có 65 phụ nữ mang thai, 45 người trên 65 tuổi, 153 người có bệnh lý nền, 102 người có diễn biến nặng. Tỉnh đã lên phương án xây dựng các bệnh viện dã chiến mới với tổng quy mô 10.000 giường, đồng thời triển khai tiêm 307.000 liều vắc-xin do Bộ Y tế phân bổ cho các đối tượng theo quy định.

Ngành y tế Bình Dương đang lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người (toàn tỉnh hơn 2,4 triệu dân theo số liệu năm 2019). Trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các công ty, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch trong cộng đồng.

Với 3.746 ca nhiễm Covid-19 tính đến ngày 24/7 trong đợt dịch thứ 4, Long An đang là vùng dịch lớn thứ 3 ở phía Nam. Riêng ngày 24/7, tỉnh này ghi nhận 604 ca nhiễm. Đồng thời, vào sáng cùng ngày, Sở Y tế Long An đã đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14 - 22/7 tại các khu cách ly và khu phong toả.

Tỉnh đang tập trung tổng lực lấy mẫu trong cộng đồng tại những nơi có nguy cơ mắc Covid-19 cao như chợ, siêu thị, khu nhà trọ công nhân, công ty, xí nghiệp... dẫn đến số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh mỗi ngày trong thời gian gần đây.

Tỉnh hiện có 44 khu cách ly tập trung với khoảng 1.000 giường, trong đó 37 khu cách ly dân sự, quân sự và 7 cơ sở lưu trú, khách sạn. 22 khu cách ly đã đưa vào hoạt động, đang cách ly 2.700 người.

25 cơ sở y tế đủ năng lực lấy mẫu với 24.800 mẫu một ngày, 46 cơ sở đủ năng lực xét nghiệp, test nhanh kháng nguyên 10.600 mẫu một ngày và PCR 1.612 mẫu đơn một ngày.

Long An có 4 bệnh viện hạng 2, 6 bệnh viện dã chiến, tổng quy mô 1.260 giường bệnh và đang dự kiến trưng dụng thêm 3 cơ sở y tế với sức chứa 350 giường.

Theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, từ ngày 23/7, tại các chốt kiểm tra, lái xe và người đi cùng phải phải xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm) khi có yêu cầu kiểm tra. Trước đó, từ đầu tháng 7, giấy xét nghiệm Covid-19 trở thành 'giấy thông hành' để vào nhiều tỉnh thành.

Tình hình giãn cách xã hội tại Hà Nội và 19 tỉnh thành phía Nam
Từ tháng 7, giấy xét nghiệừ đầm Covid-19 đã trở thành 'giấy thông hành' để vào nhiều tỉnh thành.

Địa phương giáp TP.HCM – Đồng Nai đã ghi nhận 2.061 ca nhiễm tính đến ngày 24/7. Đây là một trong ba địa phương, cùng với TP.HCM và Bình Dương, đã thực hiện Chỉ thị 16 trước khi Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng chỉ thị này từ ngày 19/7.

Sau khi đi thị sát công tác chống dịch ở địa phương này, trưa ngày 23/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “Đồng Nai thực hiện chưa nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đường sá vẫn đông người”.

Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh phải làm nghiêm, kỷ luật người đứng đầu những tổ, ấp, phường, xã nếu có người về từ TP.HCM mà không cách ly. "Đồng Nai cần rà soát từng xóm, từng xã, từng khu vực, khoanh vùng các khu phong tỏa để sớm làm sạch F0 trong cộng đồng. Xét nghiệm phải quây khu vực thật nhỏ không tràn lan, phải giãn cách thật tốt", ông Đam nói.

Cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chấn chỉnh các hoạt động trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, cá nhân cố tình vi phạm, đủ yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật hình sự thì xử lý ngay để đảm bảo sự nghiêm minh.

Tại Đồng Tháp, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong đợt dịch thứ 4 là 1.901 ca, trong đó có 1.774 ca đang được điều trị, theo Sở Y tế tỉnh. Ngành y tế tỉnh này đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc 30.000 người trên tổng số 116.000 dân ở thành phố Sa Đéc trong ba ngày "để làm sạch F0" đợt 1. Đây là ổ dịch nóng ẩm ỉ từ cách đây 1 tháng chưa được kiểm soát và đã phát hiện hơn 340 ca Covid-19.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch tại các doanh nghiệp cũng là vấn đề lớn của Đồng Tháp. Tính đến ngày 21/7, có 326 doanh nghiệp ngừng hoạt động do không đảm bảo "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn, ở) và khoảng 50 doanh nghiệp (11.000 lao động) đủ điều kiện tiếp tục hoạt động.

Tại tỉnh Tiền Giang, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong đợt dịch này là 1.392 ca. Ngày 24/7, tỉnh này ghi nhận số ca kỷ lục 220 ca, tăng hơn 2 lần so với ngày trước đó. Bốn địa phương đang có số ca nhiễm cao nhất gồm Thành phố Mỹ Tho, huyện Cái Bè, huyện Gò Công Đông và huyện Châu Thành.

13 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ còn lại gồm Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, đều đang có số ca nhiễm Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 dưới 700 ca, tính đến hết ngày 24/7.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả