Tình hình đầu tư đô thị và việc sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án tại Hưng Yên
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc kiểm tra tình hình đầu tư đô thị và việc sử dụng đất trồng lúa trong các dự án đô thị đã, đang thực hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo gửi Văn phòng Chính Phủ.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 755/BXD-PTĐT ngày 11/4/2019 đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên rà soát, kiểm tra tình hình đầu tư đô thị và việc sử dụng đất trồng lúa trong các dự án đô thị đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên (báo cáo số 68/BC-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên ngày 23/4/2019), Bộ Xây dựng đã dự thảo văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ theo nhiệm vụ được giao, gửi lấy ý kiến các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 985/BXD-PTĐT ngày 08/5/2019. Tuy nhiên đến nay, Bộ Xây dựng chưa nhận được văn bản góp ý của các Bộ ngành liên quan.
Do thời hạn báo cáo đã hết, trên cơ sở Báo cáo số 68/BC-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên và các thông tin, số liệu sẵn có trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao, Bộ Xây dựng báo cáo các nội dung sau:
Hiện nay, mạng lưới đô thị tỉnh Hưng Yên gồm 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (TP Hưng Yên); 1 đô thị loại IV (thị xã Mỹ Hào) và 16 đô thị loại V (thị trấn Văn Giang, thị trấn Như Quỳnh, thị trấn Yên Mỹ, thị trấn Khoái Châu, thị trấn Ân Thi, thị trấn Lương Bằng, thị trấn Trần Cao, thị trấn Vương và 8 xã: Mễ Sở - huyện Văn Giang, Đình Dù, Tân Quang, Trưng Trắc – huyện Văn Lâm; Giai Phạm, Liêu Xá, Nghĩa Hiệp, Tân Lập – huyện Yên Mỹ); tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2018 là 34,5%. UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Chương trình và Kế hoạch phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 và Chương trình phát triển đô thị cho 5/8 huyện (Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ).
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu vực phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao và có tính chất hoạt động của đô thị, tuy nhiên UBND tỉnh Hưng Yên chưa tổ chức lập và phê duyệt các khu vực phát triển đô thị làm cơ sở quản lý, thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn; đồng thời chưa thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Trước năm 2012, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 15 dự án đô thị và phát triển nhà ở được chấp thuận chủ trương thực hiện với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 807,32ha. Tại thời điểm này, quy định pháp lý chưa quy định chi tiết đến việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa trong việc thu hồi, giao đất thực hiện dự án.
Ngày 11/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại các vùng trồng lúa trên cả nước. Từ năm 2012 đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có tổng số 83 dự án đô thị và phát triển nhà ở được chấp thuận chủ trương lập quy hoạch, mời đầu tư và tổ chức triển khai dự án với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 4.525,18ha.
Theo số liệu chi tiết tại Biểu thống kê dự án gửi kèm Báo cáo số 68/BC-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ Xây dựng tổng hợp, phân tích như sau: Trong tổng số 83 dự án nêu trên, có 37 dự án không có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa và 46 dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa với quy mô diện tích của toàn bộ 46 dự án là 2.586,935ha chiếm tỷ lệ 57,16%. 46 dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa gồm 2 nhóm như sau:
Nhóm 1 là 21 dự án đã được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa (đã có Nghị quyết của HĐND hoặc cấp có thẩm quyền) nhưng chưa hoàn thành đầy đủ việc chuyển mục đích đối với toàn bộ phần diện tích đã được chấp nhận (có thể do chưa hoàn thành các thủ tục pháp luật về tài chính, đất đai có liên quan…). Nhóm này có tổng quy mô diện tích toàn dự án là 651,595ha. Tuy nhiên, chỉ 15/21 dự án nêu trên có số liệu về tổng diện tích đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là 205,61ha; 09/21 dự án đang lập quy hoạch hoặc trình duyệt quy hoạch; 06/21 dự án đang lựa chọn chủ đầu tư; chỉ 3/21 dự án đang triển khai xây dựng (trong đó có dự án Khu đô thị phía Bắc QL5 được nêu tại Văn bản số 529/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 31/01/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Nhóm 2 là 25 dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Nhóm này có tổng quy mô diện tích toàn dự án là 1.935,34ha (trong đó có 3 dự án: Khu đô thị Lý Thường Kiệt, Khu đô thị sinh thái Dream City và Khu đô thị Văn Giang với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.300ha, chiếm 67,1% tổng diện tích các dự án thuộc nhóm 2). Không có số liệu chi tiết về diện tích đất trồng lúa cần được chuyển mục đích sử dụng trong từng dự án.
Bên cạnh đó, có 16 dự án trong tổng số 83 dự án (chiếm tỷ lệ gần 20%) chậm tiến độ, không triển khai hoặc bị thu hồi. Như vậy, qua các số liệu thống kê như nêu trên cho thấy: Việc rà soát các dự án cần được tiếp tục triển khai; việc xem xét chuyển mục đích sử dụng đất lúa cần cân nhắc kỹ tới tính khả thi của từng dự án, đảm bảo đồng bộ với các trình tự thủ tục triển khai khác của dự án và phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, tránh lãng phí.
Thực trạng đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện nay còn nhiều tồn tại, cụ thể là: Chương trình phát triển đô thị chưa được lập đầy đủ cho các đô thị, chưa phê duyệt các khu vực phát triển đô thị cũng như Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị làm cơ sở quản lý, thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh thấp (chỉ đạt 34,5% so với trung bình cả nước là 38,6%). Trong khi đó, số lượng dự án phát triển đô thị chưa hoàn thành các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, dự án chậm tiến độ hoặc bị thu hồi chiếm tỷ lệ lớn, cho thấy việc quyết định chủ trương đầu tư và thực hiện đầu tư còn thiếu hiệu quả, dễ gây ra lãng phí tài nguyên đất đai, đặc biệt là tài nguyên đất lúa.
Với thực trạng trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên: Sớm hoàn thành việc lập và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị cho các đô thị trên địa bàn; lập và phê duyệt khu vực phát triển đô thị đối với các khu vực tập trung đầu tư và thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các pháp luật có liên quan;
Rà soát và cân đối nhu cầu thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án đô thị có sử dụng đất trồng lúa để quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với các dự án chưa thực hiện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương, tránh gây lãng phí về đất đai;
Đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện theo đúng các quy định của Luật đất đai và các quy định của pháp luật hiện hành khác có liên quan;
Tổ chức rà soát, đánh giá và báo cáo Chính phủ về: tình hình chấp hành các quy định về quản lý xây dựng liên quan đến vấn đề đầu tư phát triển đô thị; việc thực hiện các quy định về điều kiện chuyển đổi theo quy định của Luật đất đai, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản có liên quan khác; tình hình chuyển đổi nghề đối với người dân bị thu hồi đất lúa tại các dự án đã triển khai, tác động đến an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận