Tình hình Afghanistan: Người dân thiếu tiền mặt, ngân hàng thành sân bay, doanh nghiệp nhỏ "hứng đòn"
Các ngân hàng ở thủ đô Kabul của Afghanistan mở cửa trở lại thu hút hàng trăm người dân xếp hàng dài chờ rút tiền mặt.
Các tổ chức tài chính ở Kabul gần như đóng cửa vào chiều ngày 15/8, ngay trước khi Taliban chiếm thủ đô.
Ban đầu, việc các ngân hàng đóng cửa là để tránh cảnh đổ máu và cướp bóc khi Taliban vào thành phố. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, các ngân hàng vẫn đóng cửa do Mỹ quyết định “chặn đứng” đường tiếp cận 7 tỷ USD dự trữ tiền mặt và vàng của Ngân hàng Trung ương Afghanistan.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chặn tiếp cận 460 triệu USD khoản tiền được phân bổ trong tuần này.
Các quyết định trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi hàng chục nghìn người đổ xô đến các ngân hàng và các cây ATM trên khắp thủ đô để rút tiền, trước khi phe Taliban ập đến.
Tại một quốc gia chủ yếu dùng tiền mặt như Afghanistan, tác động kép của việc không có tiền mặt dù chỉ trong vài ngày và một chế độ khác lên nắm quyền đã khiến người dân vô cùng lo lắng.
Không có nguồn thu nhập
Massoud, 35 tuổi đã từng làm việc trong Quân đội Afghanistan. Anh đã ở Kabul 10 ngày qua và tự hỏi làm thế nào để chu cấp cho gia đình ở tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan. Anh có 20.000 Afghani (tương đương 232 USD) trong ngân hàng nhưng ngay cả khi các ngân hàng được mở lại, việc rút tiền có thể mất vài ngày nữa.
Đến 10h sáng ngày 25/8, anh Massoud đã xếp hàng đợi 4 tiếng đồng hồ và vẫn không thể vào bên trong ngân hàng để rút tiền mặt. Để kiếm sống ở thủ đô Kabul, anh đã đi làm thuê vào ban ngày, nhưng khi công việc bị tạm ngừng, anh không có cách nào kiếm việc để có tiền về quê.
Bên cạnh Massoud, Abdul, một người bạn cùng đóng quân tại một huyện của tỉnh Kabul cho biết, hiện tại, Taliban đã đảm nhận trách nhiệm an ninh ở đất nước và đây có thể là lần cuối cùng thành viên lực lượng an ninh như anh được nhận lương.
Abdul và Massoud đều cho rằng, việc kiếm tiền trong 10 ngày là rất khó khăn, nhưng điều họ lo lắng nhất là những tháng sắp tới, họ có thể không có nguồn thu nhập nào nữa. Họ nói: "Chúng tôi không biết liệu sẽ có việc làm nữa hay không".
Các khách hàng đang xếp hàng dài bên ngoài ngân hàng tiết lộ, hầu hết mọi người có thể vay những khoản nhỏ của người thân và đồng nghiệp khi cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, khi các văn phòng tư nhân tiếp tục đóng cửa, họ không biết phải làm thế nào.
Một nhân viên tại Bộ Tài chính Afghanistan cho hay, anh đã không ở văn phòng kể từ khi Taliban tiếp quản. Anh nói: "Tôi thậm chí không chắc họ có cần tôi hay không".
Ngày 23/8, Taliban đã bổ nhiệm ông Mohammad Idris làm quyền thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan, nhưng việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư sẽ là một chặng đường dài đối với lực lượng này.
'Các ngân hàng là sân bay mới'
Wafiullah làm việc tại Bộ Nội vụ Afghanistan. Anh đã đã dành 4 giờ xếp hàng để rút 150.000 Afghani (tương đương 1.742 USD) còn lại trong tài khoản của mình.
Mặc dù gia đình có tới 8 người nhưng Wafiullah nhận thấy anh vẫn may mắn vì còn có tiền mặt đủ chi tiêu trong 3 tháng tới.
Tuy nhiên, cũng giống như rất nhiều người khác đang xếp hàng chờ rút tiền mặt, Wafiullah không thể chắc chắn rằng, anh sẽ có việc làm trong tương lai và cũng không tin các ngân hàng sẽ có thể đáp ứng kịp dòng người đang đổ xô đến rút tiền mặt.
Căng thẳng vì không biết ngân hàng còn bao nhiêu tiền nữa, cùng với việc số giờ chờ đợi quá lâu đã khiến đám đông bên ngoài Ngân hàng Kabul New ở khu vực Shahr-e-Naw mất bình tĩnh.
Đám đông bắt đầu đập cửa sổ ở hành lang trước dẫn vào bên trong ngân hàng. Khi tấm kính vỡ tan, đám đông bắt đầu hò reo và la hét, trong khi những người khác lại tranh thủ hỗn loạn để chen ngang hàng, dẫn đến xô xát. Tình hình vô cùng căng thẳng.
Một người đang xếp hàng, khi thấy tình trạng hỗn độn này nói: "Ngân hàng như sân bay mới", để so sánh với cảnh hàng nghìn người tập trung goài cổng vào sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, đối mặt với bạo lực và nguy cỡ thiệt mạng vì bị giẫm đạp.
Doanh nghiệp nhỏ "hứng đòn đau"
Không chỉ những người làm trong cơ quan nhà nước đang lo lắng về việc làm, các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người thường bán hàng hóa và dịch vụ cũng đang đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Noor Mohammad, chủ một tiệm cắt tóc nhỏ chia sẻ, kể từ khi Taliban nắm quyền, công việc kinh doanh của anh đã gặp phải một số trở ngại và cuộc sống của người Afghanistan trên khắp thủ đô thay đổi chỉ sau một đêm.
Chỉ 10 ngày trước, cửa hàng nhỏ của Mohammad có thể mang đến thu nhập đều đặn 4.000 Afghani (tương đương 46 USD)/ngày. Nhưng trong tuần trước, anh chỉ kiếm được khoảng 400 Afghani (tương đương 4 USD)/ngày. Noor Mohammad lo sẽ không thể trả tiền thuê nhà cho đến khi cuộc sống ở thủ đô sớm trở lại bình thường.
Bên cạnh cửa hàng cắt tóc của Mohammad là một cửa hàng tạp hóa nhỏ, do Younus, 42 tuổi kinh doanh. Anh cũng lo sợ sẽ không thể trả được 800 USD tiền thuê nhà hàng tháng.
Trong 25 năm qua, cửa hàng tạp hóa nhỏ của Younus phụ thuộc phần lớn vào các nhân viên văn phòng gần đó. Nhưng trước khi Taliban chiếm Kabul, người dân đã đổ xô đến các ngân hàng trên khắp thành phố để tranh nhau rút càng nhiều tiền mặt càng tốt. Với nhiều hộ gia đình không rút được tiền mặt, họ không thể mua hàng.
Anh Younus nói: "Tôi đứng đây cả ngày và chỉ đợi người mua hàng, dù chỉ là một lon Pepsi hay sữa chua”.
Mohammad, một tài xế taxi đã ví von “Nó giống như một vườn táo đầy trái và bạn không thể vươn tới đủ cao để hái, dù chỉ một quả", để giải thích tình hình kinh tế đất nước hiện nay và tác động của việc các các ngân hàng đóng cửa nhiều ngày qua ở nước này.
Mohammad cho rằng, anh dành tới 3 giờ đồng hồ để chờ đợi khách hàng. Trước đây, khi công việc kinh doanh không tốt, vào ban ngày, anh có thể đỗ xe bên ngoài Sảnh tiệc cưới Shahr-e Naw gần đó để đón khách. Nhưng hiện tại, không có đám cưới nào diễn ra và anh đã mất hoàn toàn lựa chọn đó.
“Mỗi tối, tôi về nhà với 6 đứa con của mình và các con chỉ hy vọng tôi mang đủ tiền về cho bữa tối...", anh Mohammad chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận