Tỉnh Điện Biên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Những năm qua, các cấp, ngành tỉnh đã nỗ lực chung tay cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, thông thoáng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 1.268 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 21.393 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1.235 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 97,32% tổng số doanh nghiệp cả tỉnh. DNNVV chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về: Tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất kinh doanh, công nghệ, mở rộng thị trường và tư vấn pháp lý...
Ngay khi Luật Hỗ trợ DNVVN được thông qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức hội nghị phổ biến Luật; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới về tiếp cận thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ngành. Hàng năm, tỉnh tích cực cung cấp thông tin pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng; giải đáp pháp luật; rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đảm bảo khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…
Tỉnh Điện Biên đã chú trọng hỗ trợ các DNNVV phát triển công nghệ sản xuất, công nghệ chế biến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ nguồn vốn theo chính sách khuyến công và vận dụng linh hoạt, lồng ghép với các chính sách cùng mục tiêu như: Quyết định số 45/QĐ-UBND về phát triển nông nghiệp trên địa bàn; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã… tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên cho biết: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè Tủa Chùa. Từ khi thành lập đến nay, Công ty được UBND tỉnh, huyện Tủa Chùa hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, phân bón cho vùng nguyên liệu… Đặc biệt, năm 2019 Công ty được UBND huyện Tủa Chùa hỗ trợ trên 200 triệu (hỗ trợ 50%, còn lại doanh nghiệp đối ứng) để đầu tư dây chuyền máy móc chế biến chè. Từ những hoạt động hỗ trợ tích cực của chính quyền, năng suất, chất lượng chè do Công ty sản xuất năm sau tăng cao hơn năm trước. Năm 2020, tổng sản lượng chè thành phẩm của Công ty đạt 6 tấn, cao nhất từ khi thành lập đến nay.
Bên cạnh hỗ trợ công nghệ sản xuất, tỉnh Điện Biên cũng chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm trên địa bàn như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại. Hàng năm tổ chức nhiều hội chợ thương mại đưa hàng việt về các huyện vùng cao, biên giới; đồng hành với doanh nghiệp tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh trong cả nước; liên kết, ký biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP với các tỉnh; tổ chức cho doanh nghiệp đi khảo sát, khai thác các tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn và liên kết du lịch với các tỉnh khu vực Tây Bắc…
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV là một trong những nội dung quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm thực hiện. UBND tỉnh đã phối hợp với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn Tài chính và kế toán FAC, Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Bắc trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo khởi sự và quản trị doanh nghiệp, tài chính, thuế, thanh tra, kiểm tra, quản trị nhân sự, maketing... Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua, tổng nguồn vốn thực hiện trên 30 tỷ đồng giúp nhiều HTX được tiếp cận, hỗ trợ về: Thuê đất, xây dựng trụ sở, triển khai các mô hình điểm, bao bì, nhãn mác sản phẩm, quảng bá và giới thiệu sản phẩm… Điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) triển khai Dự án xây dựng trụ sở HTX với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ đồng, trong đó HTX được hỗ trợ 70% kinh phí. Đến nay công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sau đầu tư
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận