Tình báo phương Tây vẫn “mù mờ” trước những bước đi của Putin
Các nước phương Tây khó có thể nắm bắt tiến trình hoạch định của Vladimir Putin, người nắm quyền quyết định trong mọi trường hợp tại Moskva, để có thể dự đoán về các quyết sách của Nga trong vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn các nhà quan sát Điện Kremlin cũng nhận định rằng lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đảm bảo được một số thắng lợi trong cuộc đối đầu của ông với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, và vẫn còn quá sớm để nhìn thấy lối thoát chấm dứt cuộc khủng hoảng có thể biến đổi thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới này, ngay cả khi xung đột được ngăn ngừa.
Chiến thuật của Putin
Những ngày gần đây, dù không công khai lên tiếng nhưng người đứng đầu Điện Kremlin vẫn liên tục “thổi hơi nóng” vào căng thẳng với phương Tây. Như thường lệ với cựu điệp viên KGB này, im lặng là một trong những vũ khí chiến thuật nhằm không gây cảm tưởng ông phải hành động vì sức ép và cũng nhằm sắp xếp tốt hơn “các ngón đòn” tiếp theo. Trên thực tế, để nói về những diễn biến sau khủng hoảng, đó vẫn chỉ là sự mơ hồ hoàn toàn. Điện Elysée ngày 12/2 thông báo ngắn gọn sau cuộc trao đổi điện thoại mới giữa Tổng thống Macron và người đứng đầu Điện Kremlin: “Vladimir Putin vẫn chưa đưa ra quyết định”.
Các thủ đô phương Tây không phải là những nơi duy nhất mù mờ về ý định của Moskva cũng như về quá trình ra quyết định của vị tổng thống sẽ bước sang tuổi 70 vào tháng 10 tới sau gần 1/4 thế kỷ cầm quyền. Ngay tại Nga, cách thức ra quyết định của ông cũng gây tò mò cho nhiều người mỗi khi có những tuyên bố được đưa ra.
Theo một số người, chiến thuật của Vladimir Putin được cho là mang tính tập thể: Tổng thống luôn ở trung tâm các tòa tháp trong Điện Kremlin và ở giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Trong một sơ đồ như vậy, ông sẽ hành động cân bằng để tìm ra sự thỏa hiệp giữa những nhân vật tinh hoa. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng cách thức ra quyết định của Putin được thực hiện theo chiều dọc nhiều hơn: Putin sẽ chỉ hỏi ý kiến của nửa tá người, tức là một tiểu ban gồm những người thân cận, đặc biệt là những người thuộc cơ quan an ninh.
Đối mặt với một phương Tây không giữ lời hứa sau khi Liên Xô sụp đổ và tổ chức mở rộng NATO về phía biên giới Nga, ngày 21/12/2021, Vladimir Putin đã đưa ra lời đe dọa đáp trả bằng các biện pháp “quân sự-công nghệ”. Và Sergei Shoigou chính là người đã hiện thực hóa lời đe dọa này bằng việc áp dụng các chỉ thị qua thư do Putin để lại khi ông có kỳ nghỉ ở tận Siberia. Shoigou không chỉ triển khai khoảng 125.000 binh sĩ (1/9 quân số Nga) dọc biên giới Ukraine, mà còn tích cực với phần việc ở phía Bắc, huấn luyện trên bộ các đơn vị ở Belarus, và ở phía Nam với các cuộc diễn tập ở Biển Đen. Quan chức quân sự này cũng không quên cảnh báo rằng vào cuối tháng 2, hải quân Nga sẽ tăng cường các cuộc tập trận toàn lực ở Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.
Putin đã đạt được phần nào mục đích?
Theo Reuters, Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Moskva khi khẳng định rằng họ đã rút một phần binh lính đã triển khai gần Ukraine và cho biết Nga vẫn tiếp tục củng cố thêm các lực lượng tại đây và vẫn luôn ở trong tư thế sẵn sàng xâm lược Ukraine khi cần.
Về phần mình, Moskva bác bỏ luận điệu này và lên án phương Tây đã phớt lờ những yêu cầu an ninh quan trọng của mình, song nhà ngoại giao hàng đầu Nga Sergei Lavrov ngày 21/2 đã đề nghị Putin trao thêm thời gian cho các hoạt động ngoại giao dù Putin đã nói rằng ông không muốn tiếp tục sa đà vào các cuộc đàm phán xảo trá.
Andrey Kortunov, người đứng đầu RIAC, một hãng tư vấn thân với Bộ Ngoại giao Nga, nhận định với Reuters: “Thành tựu lớn nhất của Putin là ông ấy đã thu hút được sự chú ý của phương Tây. Ít nhất thì tất cả họ cũng đang đều quan tâm đến lập trường và giọng điệu của Nga… Tôi nghĩ đó là thành tích lớn nhất và hãy xem những gì sẽ xảy ra tiếp theo đây và xem liệu ông ấy có thể đạt được gì từ đó hay không”.
Trong khi phương Tây bác bỏ hầu hết các yêu cầu về an ninh của Moskva, trong đó bao gồm một lời đề nghị NATO rút các cơ sở hạ tầng của mình trở về vị trí năm 1997, chấm dứt việc mở rộng liên minh và phản đối việc Ukraine gia nhập khối, Washington lại đề xuất đàm phán về một số vấn đề. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/2 vừa qua nói rằng những vấn đề cụ thể vẫn đang dược thảo luận để “thiết lập một môi trường an ninh tại châu Âu” trong đó có các biện pháp mới về kiểm soát vũ khí, minh bạch và ổn định chiến lược. Kortunov nhận định rằng “dĩ nhiên đây không chính xác là những gì Nga muốn, nhưng tôi nghĩ rằng việc bàn bạc về vấn đề này thôi cũng là điều mà Nga có lẽ đã hy vọng đạt được”.
Reuters dẫn lời John Sawers, cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo MI6 của Anh, nhận định với BBC hôm 23/2 rằng “cuộc khủng hoảng Ukraine có thể đang ở vào giai đoạn ngã rẽ, mặc dù Putin vẫn có hàng loạt lựa chọn quân sự tại Ukraine”. Sawers nói: “Tôi nghĩ theo một cách nào đó, Tổng thống Putin sẽ nghĩ là ông ấy đang dẫn điểm trong cuộc khủng hoảng này. Ông bày tỏ được các mối quan ngại an ninh của mình, đe dọa được Ukraine và nhấn mạnh sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga”.
Các chuyên gia phân tích cũng cho biết hồi tuần qua, Putin còn có được một công cụ mới nhằm gây sức ép lên Ukraine liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông nước này sau khi các nghị sỹ Nga đề xuất công nhận độc lập của các khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn. Việc công nhận các nền cộng hòa tự xưng này có thể làm chệch hướng tiến trình hòa bình dựa trên các thỏa thuận Minks năm 2014-2015 nhằm chấm dứt xung đột.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận