menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Csg Tuyen Pro

Tin xấu là người bạn tốt nhất của nhà đầu tư

Với huyền thoại Warren Buffett, tin xấu luôn mang lại cơ hội mua vào cổ phiếu tốt với giá hời, ông đặc biệt ưa thích tham chiến trong một thị trường suy giảm mạnh, thê thảm càng tốt. Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào trầm lắng, đa số cổ phiếu đều giảm kha khá nhưng nổi bật trong đó là cổ phiếu American Express (AXP) bất ngờ trở thành con mồi vô cùng béo tốt của huyền thoại Buffett.

Chuyện không có gì đáng nói nếu cổ phiếu AXP giảm 30% vì thị trường Mỹ suy giảm nhưng thông tin bất lợi như nhát dao bồi thêm phát nữa đã đưa cổ phiếu AXP về cái máng lợn - giảm hơn 50% so với đỉnh cao trước đó. Nguyên nhân là do AXP bị lừa đảo và thiệt hại 50 triệu USD, lúc đó thị trường chứng khoán phản ánh tức thời và giá cổ phiếu AXP lao dốc là điều dễ hiểu.

Mùi máu tươi xộc thẳng lên mũi, huyền thoại Buffett đã đánh hơi thấy cơ hội. Đánh giá tổng thể cho thấy dịch vụ, thương hiệu và vị thế của AXP rất vững chắc, con số thiệt hại 50 triệu USD chỉ là nhất thời, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính và chắc chắn qua năm sau mọi thứ sẽ lại vui như Tết, AXP sẽ lại tiến đến một tầm cao mới.

Quyết định chơi lớn một lần trong đời cho chị em nể, huyền thoại Buffett dành gần ½ tài khoản cho thương vụ cổ phiếu AXP. Phần còn lại thuộc về lịch sử, cổ phiếu AXP tăng gấp 5 lần sau 5 năm, mang lại khoản lợi nhuận vô cùng tuyệt vời cho huyền thoại Buffett.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này cũng có một trận đánh đáng đồng tiền bát gạo. Trận tử chiến diễn ra tại 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội - hội sở của ngân hàng Techcombank (TCB).

Giá cổ phiếu TCB giảm 30% từ mức đỉnh bởi sự giảm giá cùng nhịp với thị trường chung và không có gì đáng nói, chưa thực sự gọi là hấp dẫn đến mê hồn. Nhưng chỉ 6 tuần gần đây, giá TCB cắm đầu về cái máng lợn - đang loanh quanh gần 40 bay ngay 40% để về 24 nhanh đến nỗi tất cả người trong và ngoài cuộc chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tính từ đỉnh giá năm ngoái, TCB đã giảm 60% và bất ngờ trở thành con mồi béo ngậy.

Nguồn cơn sự đau thương vừa qua của TCB là việc bà Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) bị bắt vì tội lừa đảo liên quan đến phát hành trái phiếu và TCB lại có vẻ đang nắm giữ một phần trái phiếu này. Chưa rõ TCB đang giữ bao nhiêu trái phiếu và liệu sẽ thế nào nhưng giá cổ phiếu cứ đi nghỉ mát cái đã - giảm 30% trong vài nốt nhạc.

Chưa khẳng định được gì trong lúc này vì chưa có số liệu rõ ràng, nhưng cá nhân người viết cho rằng vụ này TCB chưa chắc đã mất tiền. Thực lực tiền bạc của bà Trương Mỹ Lan khác hẳn vụ Tân Hoàng Minh. Chỉ riêng 4 toà nhà mặt tiền Nguyễn Huệ mà VTP đang sở hữu cũng đáng giá hàng tỉ USD. Nói họ không có tiền là không phải, còn vụ bắt bớ lại là câu chuyện khác, hơi nhạy cảm.

Cùng với đó, các ngân hàng cho vay hoặc mua trái phiếu thường khá chắc chân, sẽ yêu cầu tài sản đảm bảo, thẩm định rõ ràng, thế nên rủi ro là không cao. Chỉ có nhà đầu tư cá nhân là mua trái phiếu không tài sản đảm bảo nên dễ dính đạn hơn. Tất nhiên luôn sẵn sàng cho trường hợp TCB dính đạn vụ nổ này, thiệt hại vài ngàn tỉ là có thể.

Nhưng chắc chắn một điều, vụ VTP tạm coi là hiện tượng thiên nga đen, một tai nạn rất ít khi xảy ra và chắc chắn vài năm tới nó sẽ không xuất hiện để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của TCB. Qua năm sau, TCB sẽ lấy lại phong độ, tìm lại đẳng cấp của chính mình như đã từng trước đó - phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi.

Nói một cách dễ hiểu, tai nạn liên quan đến VTP có thể (hoặc không) làm TCB mất đi vài ngàn tỉ nhưng qua năm sau mọi hoạt động kinh doanh sẽ trở về mức bình thường, lợi nhuận của TCB vẫn sẽ liên tục thiết lập những đỉnh cao mới. Nếu như vậy chẳng có lý do gì giá cổ phiếu TCB không thể phục hồi và từng bước lấy lại những gì đã mất.

Lợi nhuận năm 2023 của TCB ít nhất cũng phải vượt 25.000 tỉ - đây là con số khiêm tốn và hoàn toàn có thể cao hơn. Vốn chủ sở hữu sẽ chạm tới con số 140.000 tỉ - lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tư nhân và chỉ thua duy nhất ông lớn quốc doanh Vietcombank.

Các chỉ số định giá của TCB trở nên vô cùng hoàn hảo dưới lăng kính đầu tư của huyền thoại Buffett. Vốn hoá thị trường lúc này của TCB là 85 ngàn tỉ, tương ứng chỉ số PE vỏn vẹn 3 lần, PB 0,6 lần trong khi ROE tiệm cận 20%, hệ số an toàn vốn (CAR) gần 16%. Vô cùng hấp dẫn so với bình quân nhóm cổ phiếu ngân hàng của các nước trong khu vực - PE 10-13 lần, PB 0,8 - 1 lần, ROE 10% và CAR 18%).

Đôi khi của rẻ là của ôi nhưng với trường hợp TCB là rẻ thực sự, chỉ số định giá rẻ hơn, hấp dẫn hơn trong khi tiềm năng tăng trưởng còn rất rộng mở so với các nước trong khu vực. Ngành ngân hàng của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, tỉ lệ dân số tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn thấp và sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa. Khác xa so với ngành ngân hàng đã bão hoà, tỉ lệ dân số tiếp cận ngân hàng đã gần tới con số tối đa của các nước kia.

Tóm lại, định giá TCB quá rẻ, vô cùng hấp dẫn, một sự hoàn hảo nếu đứng trên góc độ đầu tư của huyền thoại Buffett bất chấp sự thật cay đắng là hoạt động kinh doanh của TCB vẫn ổn định, thương hiệu vững chắc và tiềm năng tăng trưởng rõ ràng. Chỉ một điều duy nhất còn lấn cấn, đó là giá cổ phiếu TCB vẫn tiếp tục giảm giá, bên bán nhiều như quân Nguyên, bán thẳng tay, bán một cách tàn nhẫn không thương tiếc.

Với bất động sản, một căn nhà đang rao bán với giá 6 tỉ, bất ngờ có thằng hàng xóm mới chuyển về nó hát hò inh tai nhức óc cả ngày lẫn đêm (một tai nạn thuộc dạng thiên nga đen). Chủ nhà chịu không nổi, không ngủ được mà cũng không thể đuổi thằng hàng xóm kia, thế là quyết định bán quách căn nhà với giá 2.4 tỉ, không thương lượng, miễn tiếp trung gian. Vậy chúng ta thử hỏi xem có người mua không. Đi ngay lúc này, ngay trong đêm và trả bằng tiền tươi thóc thật, tặng thêm 100 củ cho chủ nhà vi vu trời u để ngủ bù những ngày mất ngủ vì thằng hàng xóm đáng yêu kia.

Sự thú vị của thị trường chứng khoán chính là ở chỗ này, giá đỉnh của TCB là 60, giờ còn 24, cầm cổ phiếu dúi vào tay người mua nhưng lắc đầu nguầy nguậy, cứ như ai đó đang đưa bịch ma tuý cho mình vậy, thay vào đó thì bán đổ bán tháo, bán như phá mả, bán như chưa từng được bán, bán vì hết đam mê… vân vân và mây mây… hàng tỉ lý do để bán.

Công bằng mà nói, người mua hay bán đều có lý do của họ, đúng sai hạ hồi phân giải. Lúc giá cổ phiếu tăng đến đỉnh như hòn than hồng, chuyền từ người này sang người kia, ai là người cuối cùng sẽ bỏng tay. Ngược lại, lúc giá cổ phiếu giảm về đáy như viên kim cương thô, ai là người nhận ra, ai can đảm tin vào tiềm năng sẽ có cơ hội nhận về thành quả.

Kết luận đầu tư: mua đi chờ chi…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Csg Tuyen Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả