Tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%
Chiều 9.11, với 447/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, Quốc hội xác định mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD.
Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thực hiện các đột phá chiến lược
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm 15 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.
Trong báo cáo dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực tế khi báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0-6,5% là khá cao, chỉ nên để ở mức thấp hơn (khoảng từ 5-6%).
Giải trình về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Trong đó, 3 động lực tăng trưởng về đầu tư (tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác.
Chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, để đạt được mục tiêu 6,5%, Chính phủ đưa ra các giải pháp tương đối toàn diện cho tới thời điểm này.
Vấn đề đặt ra bây giờ là phải tổ chức quá trình thực hiện ra làm sao để đạt được kết quả mong muốn.
“Tôi hy vọng, trong năm 2024, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp này ngay từ đầu năm. Các cấp, các ngành cũng phải thể hiện quyết tâm, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nghiệm để triển khai cho thật hiệu quả” - đại biểu Lâm nêu quan điểm.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH Trà Vinh) - đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù, chính sách thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.
Đồng thời xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi...
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình cũng cho rằng, cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng... Về giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận