Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 12/1: Microsoft dự định rót 10 tỷ USD vào ChatGPT
Microsoft dự định rót 10 tỷ USD vào ChatGPT; iPhone 16 Pro sẽ có đột phá mới với Face ID?.... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 12/1/2023.
Microsoft dự định rót 10 tỷ USD vào ChatGPT
Sau khi đầu tư một tỷ USD vào OpenAI - công ty đứng sau ChatGPT - từ năm 2020, Microsoft đang xem xét chi thêm khoản tiền khổng lồ vào startup AI này. Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết OpenAI và Microsoft đã thảo luận trong nhiều tháng qua về thương vụ. Tập đoàn phần mềm cũng đã lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing nhằm cạnh tranh thị phần với Google Search.
Trong khi đó, The Verge cho biết Microsoft đã đưa mô hình ChatGPT vào công cụ Word trong một dự án thử nghiệm. Hãng đang tiếp tục tìm cách tích hợp siêu AI này vào công cụ phổ biến khác như PowerPoint và Outlook.
Công ty kỳ vọng ChatGPT sẽ giúp người dùng nhanh chóng có được thông tin họ cần mà không phải sử dụng từ khóa. Microsoft cũng đang tìm hiểu xem liệu mô hình AI này có thể đề xuất nội dung trả lời email hay tài liệu liên quan nhằm cải thiện khả năng soạn thảo cho người dùng.
Theo báo cáo, kết quả thử nghiệm tích hợp siêu AI vào bộ công cụ Office đã được trình bày cho CEO Microsoft Satya Nadella.
iPhone 16 Pro sẽ có đột phá mới với Face ID?
Face ID là công nghệ bảo mật thông minh được Apple triển khai từ iPhone X trở đi - dựa trên cảm biến thực tế ảo tăng cường (AR) giúp nhận diện khuôn mặt để mở khóa thiết bị.
Mới đây trang tin chuyên rò rỉ công nghệ MacRumors cho biết kể từ iPhone 16 Pro, Apple sẽ triển khai công nghệ Face ID nằm dưới và hòa trộn với màn hình và phần notch sẽ chỉ bao trọn camera.
Cần lưu ý rằng mặc dù những tin đồn về công nghệ dưới màn hình lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2022, nhưng iPhone 14 Pro và iPhone 15 không được kỳ vọng sẽ được trang bị chúng.
Báo cáo của MacRumors được cho là lấy nguồn từ nhà phân tích chuỗi cung ứng Ross Young, người đã từng chia sẻ vào năm 2022 rằng anh mong đợi iPhone 16 Pro sẽ đi kèm với Face ID dưới màn hình.
Lý do cho dự đoán này chưa từng xảy ra trước đây là việc các công nghệ dưới màn hình vẫn chưa có sẵn và mặc dù nhà sản xuất Trung Quốc ZTE đã thử nghiệm nó trên ZTE Axon 40 nhưng vẫn chưa phải là hoàn hảo.
Samsung cũng đã thử nghiệm với camera dưới màn hình trên Galaxy Z Fold 3, nhưng camera này vẫn khá lộ liễu và chỉ chụp được những bức ảnh 4 Megapixel.
Face ID rõ ràng là khác với camera selfie (tự sướng) truyền thống. Nó sử dụng camera hồng ngoại TrueDepth để lập bản đồ và phân tích khuôn mặt của bạn, và điều đó làm cho thách thức công nghệ trở nên khó khăn hơn.
Apple không thể cho ra đời những chiếc iPhone mà Face ID gặp khó khăn trong việc xác định khuôn mặt của bạn khi mở khóa điện thoại hay thanh toán.
Mục tiêu cuối cùng của Apple có thể mở rộng công nghệ dưới màn hình cho cả camera thông thường. Điều này nghĩa là trong tương lai những chiếc iPhone sẽ không còn notch.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ khi nào Apple sẽ làm được điều này, nhưng nhà phân tích chuỗi cung ứng Ross Young không mong đợi điều đó cho đến ít nhất là iPhone 18 Pro vào năm 2026.
AWS ra mắt dịch vụ hồ dữ liệu bảo mật
Tại sự kiện AWS re:Invent vừa diễn ra, Amazon Web Services (AWS) thuộc tập đoàn Amazon.com đã công bố Amazon Security Lake, một dịch vụ tự động tập trung dữ liệu bảo mật của tổ chức từ nguồn đám mây và tại chỗ vào một hồ dữ liệu chuyên biệt trong tài khoản AWS giúp khách hàng khai thác dữ liệu bảo mật nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Amazon Security Lake quản lý dữ liệu trong suốt vòng đời dữ liệu, với các cài đặt lưu trữ dữ liệu tùy chỉnh, chuyển đổi dữ liệu bảo mật nhận được sang định dạng Apache Parquet hiệu quả và phù hợp với tiêu chuẩn mở Open Cybersecurity Schema Framework (OCSF), giúp dễ dàng tự động chuẩn hóa dữ liệu bảo mật từ AWS, đồng thời kết hợp dữ liệu này với hàng chục nguồn dữ liệu bảo mật doanh nghiệp được tích hợp sẵn của bên thứ ba.
Các nhà phân tích và kỹ sư bảo mật có thể sử dụng Amazon Security Lake để tổng hợp, quản lý và tối ưu hóa khối lượng lớn dữ liệu log và sự kiện riêng biệt, cho phép phát hiện, điều tra và ứng phó với các mối đe dọa nhanh hơn, nhằm giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề tiềm ẩn, đồng thời tiếp tục sử dụng các công cụ phân tích ưa thích của họ.
Khách hàng muốn giám sát tốt hơn hoạt động an ninh bảo mật trong toàn bộ tổ chức để chủ động xác định các mối đe dọa và lỗ hổng tiềm ẩn, đánh giá cảnh báo bảo mật, phản ứng phù hợp và giúp ngăn chặn các sự cố bảo mật trong tương lai. Để làm được điều này, hầu hết các tổ chức khai thác dữ liệu log và dữ liệu sự kiện từ nhiều nguồn khác nhau (ví dụ: ứng dụng, tường lửa và hệ thống định danh) chạy trên đám mây và tại chỗ, mỗi nguồn có định dạng dữ liệu riêng và thường không tương thích.
Amazon Security Lake là một hồ dữ liệu bảo mật chuyên biệt, có thể được tạo ra chỉ trong vài bước, cho phép khách hàng tổng hợp, chuẩn hóa và lưu trữ dữ liệu để có thể ứng phó nhanh hơn trước các sự kiện bảo mật bằng các công cụ ưa thích quen thuộc. Sau khi thiết lập và kết nối với các nguồn dữ liệu được chọn, Amazon Security Lake sẽ tự động xây dựng một hồ dữ liệu bảo mật trong khu vực (region) do khách hàng lựa chọn, giúp khách hàng đáp ứng các yêu cầu tuân thủ về dữ liệu theo khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận