Tin thế giới ngày 8/9: Nga chuẩn bị đem quân sang Belarus; Trung Quốc bỗng muốn đối thoại với Mỹ; Ông Trump thẳng tay "dằn mặt" Lầu Năm Góc?
Tình hình Belarus, quan hệ Mỹ-Trung, mâu thuẫn nội bộ ở Mỹ, vụ đầu độc Navalny là một số tin thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.
Tình hình Belarus
Nga, Serbia đem quân đến Belarus tập trận chung
Ngày 8/9, hãng Thông tấn RIA của Nga dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, các lực lượng quân đội của Belarus, Nga và Serbia sẽ tham gia cuộc tập trận chung thường niên tại Belarus mang tên "Anh em Slav-2020".
Các lực lượng của Nga và Serbia sẽ tới Belarus từ ngày 10-15/9. Cuộc tập trận với sự tham gia của các binh sĩ của 3 nước với nội dung phối hợp hành động trong thực thi nhiệm vụ chống khủng bố.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Belarus đã bị rúng động bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra hàng ngày kể từ khi Tổng thống nước này Alexander Lukashenko tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng trước, mà phe đối lập cáo buộc là đã bị gian lận.
Trong một tin liên quan, cùng ngày, nhà chính trị đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya cho rằng, bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào trong tương lai đã được Tổng thống nước này Alexander Lukashenko nhất trí sẽ không nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Belarus được bầu một cách dân chủ.
Phát biểu với Ủy ban Hội đồng châu Âu từ văn phòng của mình ở Vilnius của Litva, bà Tsikhanouskaya nói rằng: "Ông Lukashenko không có bất kỳ sự hợp pháp nào với tư cách là tổng thống của đất nước chúng tôi. Ông ấy không còn đại diện cho Belarus nữa". (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc
Dù kêu gọi Mỹ đối thoại, Quan chức Ngoại giao Trung Quốc vẫn đổ hết 'lỗi lầm' cho Washington
Trong một bài viết đăng trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 7/9, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Lạc Ngọc Thành cho rằng: "Mỹ-Trung Quốc nên khôi phục và tái khởi động các cơ chế đối thoại ở tất cả các cấp và trên mọi lĩnh vực để đưa các vấn đề của chúng ta lên bàn đàm phán".
Theo ông này, thông qua việc thiết lập các cơ chế khác nhau, Mỹ-Trung Quốc "có thể quản lý rủi ro một cách hiệu quả để đảm bảo mối quan hệ song phương không vượt khỏi tầm kiểm soát và đi chệch hướng".
Bài viết của ông Lạc Ngọc Thành kêu gọi đối thoại an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm ngăn chặn những đánh giá sai lầm về chiến lược của hai bên, đồng thời tăng cường trao đổi giữa các viện nghiên cứu và truyền thông hai nước.
Bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho thấy sự “nhượng bộ” đáng kể so với những phát biểu cứng rắn của các nhà ngoại giao khác của nước này, tuy nhiên, bài viết của ông Lạc tiếp tục đổ lỗi hoàn toàn cho Mỹ là nguyên nhân khiến quan hệ song phương ngày càng xấu đi. (SCMP)
Mỹ-Trung căng thẳng xung quanh các phóng viên thường trú
Ngày 8/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cáo buộc Trung Quốc "đe dọa, quấy rối và trục xuất các nhà báo Mỹ và các nhà báo nước ngoài khác đi ngược lại nhiều thập kỷ".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo với Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh về những hạn chế mới với các phóng viên nước ngoài "bằng cách không cấp lại thẻ nhà báo và từ chối xử lý những đơn xin cấp thị thực của các nhà báo, những người đã bị trục xuất trước đó trong năm nay".
Theo bà Ortagus, Washington đã "không ngừng hành động" để thuyết phục Bắc Kinh cho phép các nhà báo Mỹ trở lại cường quốc châu Á.
Trước đó cùng ngày, Australia cũng đã buộc phải đưa 2 phóng viên thường trú cuối cùng của nước này tại Trung Quốc về nước, trong bối cảnh Bắc Kinh tiến hành thẩm vấn 2 người này và cho rằng, việc thẩm vấn 'tuân thủ luật pháp'. (AFP)
Mỹ
Ông Trump công khai chỉ trích Lầu Năm Góc lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức
Ngày 7/9, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, các quân nhân có thể yêu thích ông, tuy nhiên, “những người ở vị trí lãnh đạo ở Lầu Năm Góc thì có lẽ là không vì họ không muốn gì ngoài tham gia những cuộc chiến tranh để những công ty đang sản xuất bom, máy bay và mọi thứ khác cảm thấy hạnh phúc”.
Giới quan sát cho rằng, với việc cáo buộc Bộ Quốc phòng Mỹ muốn tham chiến để tăng lợi nhuận của các công ty vũ khí, ông Trump đã có động thái chỉ trích chưa từng có tiền lệ với đội ngũ lãnh đạo quân đội Mỹ.
Bình luận của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh một số quan chức quốc phòng nói với truyền thông Mỹ rằng quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang căng thẳng. Bộ Quốc phòng Mỹ chưa lên tiếng bình luận về các phát biểu này, trong khi đó, giới quan sát lo ngại, bình luận của ông Trump có thể gây ra tác động tiêu cực. (AP)
Ấn Độ-Trung Quốc
Ấn-Trung đổ lỗi cho nhau về căng thẳng mới ở biên giới
Ngày 8/9, Trung Quốc tố binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua ranh giới kiểm soát ở khu vực biên giới chung giữa hai nước một cách trái phép và nổ súng bắn chỉ thiên. Trước đó, cả hai bên đã tuân thủ một nghị định thư để tránh dùng súng ở khu vực biên giới nhạy cảm.
Tuy nhiên, phản bác lại tố cáo này, Ấn Độ nói rằng, chính binh sĩ Trung Quốc mới là bên nổ súng trước trong cuộc đối đầu mới nhất tại khu vực biên giới tranh chấp.
Động thái mới nhất này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hai bên đang phải tổ chức các cuộc đàm phán song phương tìm cách giảm leo thang. (Reuters)
Vụ sát hại Khashoggi
Tòa tuyên án tù, Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng, LHQ nói thiếu minh bạch
Hôm 7/9, truyền thông Saudi Arabia đưa tin, Tòa án Hình sự Riyadh đã tuyên phạt từ 7 đến 20 năm tù đối với 8 đối tượng liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi năm 2018.
Giám đốc truyền thông của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fahrettin Altun cho rằng, phán quyết của tòa không đáp ứng được những kỳ vọng của Ankara, đồng thời hối thúc Riyadh hợp tác với cuộc điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng, phiên tòa của Saudi Arabia xét xử vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi là thiếu minh bạch và không quy rõ trách nhiệm giải trình về tội ác này.
Người phát ngôn LHQ Rupert Colville lưu ý, LHQ phản đối án tử hình. Tuy nhiên, phát biểu họp báo tại Geneva, ông Colville nói: "Đây là vụ việc mà không có sự minh bạch thỏa đáng trong tiến trình xét xử, những người chịu trách nhiệm phải bị truy tố và tuyên án tương ứng với tội ác này... Toàn bộ vấn đề ở đây là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong vụ này". (Reuters, AFP)
Đầu độc Navalny
Thủ lĩnh đối lập Navalny dần tỉnh, Anh triệu Đại sứ Nga, LHQ kêu gọi Moscow điều tra độc lập
Ngày 7/9, các bác sĩ của bệnh viện Charite ở Đức cho biết, sức khỏe của thủ lĩnh đối lập Nga Aleksei Navalny đã cải thiện đáng kể. Ông Navalny dần thoát khỏi tình trạng hôn mê nhân tạo và bắt đầu phản ứng với tín hiệu từ những người khác.
Các bác sĩ cho biết hiện vẫn chưa thể loại trừ hậu quả lâu dài của vụ việc đối với sức khỏe của ông Navalny.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, Chính phủ nước này đã triệu Đại sứ Nga để bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước vụ đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Raab viết: “Hành vi sử dụng một loại vũ khí hóa học bị cấm là hoàn toàn không thể chấp nhận được và Nga phải tổ chức một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch”.
Trong khi đó, ngày 8/9, Cao ủy Nhân quyền của LHQ, bà Michelle Bachelet, kêu gọi Moscow cần thực hiện hoặc hợp tác điều tra một cách "kỹ lưỡng, minh bạch, độc lập và công bằng" về vụ việc nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny bị tấn công bằng chất độc thần kinh.
Trong một tuyên bố, bà Bachelet nói: "Những vụ việc đầu độc, hay những hình thức khác nhằm ám sát các công dân hoặc cựu công dân Nga ở trong lãnh thổ Nga hoặc nước khác trong suốt hai thập kỷ qua là rất đáng quan ngại. Đó là trách nhiệm của chính quyền Nga trong việc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện để tìm ra kẻ chịu trách nhiệm cho hành động phạm tội này - một tội phạm rất nghiêm trọng xảy ra trên đất Nga". (AFP)
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dậy sóng vì vụ Navalny
Ngày 8/9, Interfax đưa tin Điện Kremlin khẳng định không cần tiến hành các cuộc thảo luận chính trị về dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố không loại trừ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án này liên quan tới cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc chính trị gia đối lập Nga Navalny.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cũng cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án thương mại và "nên nằm ngoài chính trị", đồng thời khẳng định, tình hình liên quan thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny không được ảnh hưởng đến dự án này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nga đề cập thêm, Mỹ đang chống lại Dòng chảy phương Bắc 2 một cách nhất quán và có hệ thống, hy vọng các nước châu Âu sẽ có đủ bản lĩnh để tuyên bố về lợi ích quốc gia của họ, không rơi vào "vị thế chư hầu" đối với Mỹ.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn phản đối dự án và đã ký lệnh áp đặt trừng phạt đối với dự án này hồi tháng 12/2019, nói rằng ông sẽ ủng hộ việc dừng xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt nếu Đức muốn. Tổng thống Trump nói rằng ông không có bằng chứng về việc Nga liên quan đến vụ "đầu độc" ông Navalny, song cũng không có lý do gì để nghi ngờ kết luận của các chuyên gia Đức. (Reuters, Sputnik)
Địa Trung Hải
Nga sẵn sàng làm trung gian đàm phán Cyprus-Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 8/9, trong cuộc gặp với Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng giúp làm trung gian trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh căng thẳng bùng nổ liên quan đến hoạt động thăm dò năng lượng ở Địa Trung Hải.
Ông Lavrov nhấn mạnh: "Do lo ngại về quan hệ của Cyprus với Thổ Nhĩ Kỳ nên chúng tôi sẵn sàng xúc tiến đối thoại, thực sự trên cơ sở lợi ích đôi bên và tìm ra các quyết định công bằng dựa trên luật pháp quốc tế".
Thổ Nhĩ Kỳ đang tranh cãi về quyền của Cyprus trong việc thăm dò khí đốt ở Địa Trung Hải liên quan đến một hòn đảo mà Ankara cho rằng một số khu vực nằm trong thềm lục địa của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quyền đối với bất cứ kết quả thăm dò nào. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận