Tin thế giới ngày 7/8: TikTok lâm "cơn sốc", quân Mỹ rầm rộ tiến vào Syria. Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ đăng ký cấp phép vào tuần sau ở Nga
TikTok 'gánh đòn' căng thẳng Mỹ-Trung, Biển Đông, vụ nổ ở Beirut, quan hệ Ai Cập-Libya, Covid-19 là một số sự kiện thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Mỹ-Trung Quốc
Tiktok dọa kiện lệnh cấm của Tổng thống Trump
Ngày 7/8, ứng dụng chia sẻ video TikTok cho biết, họ "bị sốc" trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh cấm các công ty nước này thực hiện bất kỳ giao dịch nào với ByteDance - tập đoàn Trung Quốc sở hữu ứng dụng này, có hiệu lực sau 45 ngày nữa.
Trong thông báo đăng trên trang mạng của mình, TikTok cho hay: "Chúng tôi sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể để đảm bảo pháp luật không bị bỏ qua và công ty của chúng tôi cũng như các khách hàng được đối xử công bằng". TikTok dọa sẽ khởi kiện lệnh cấm của ông Trump ra các tòa án Mỹ.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Bắc Kinh kiên quyết phản đối sắc lệnh của ông Trump cấm các công ty của Mỹ giao dịch với chủ sở hữu của hai ứng dụng Tiktok và Wechat.
Phát biểu với các phóng viên, ông Uông cho rằng, hành động của Mỹ có thể "không có cơ sở thực tế nào", đồng thời coi đó là "hành vi bôi nhọ ác ý và thao túng chính trị của Mỹ để duy trì sự thống trị của mình trong lĩnh vực công nghệ cao".
Ông Uông khẳng định, Bắc Kinh sẽ bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cũng trong ngày 7/8, Đài truyền hình TBS dẫn các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản giấu tên cho hay, Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản rằng, nếu Tokyo ban hành lệnh cấm đối với TikTok thì sẽ gây "ảnh hưởng lớn" tới quan hệ song phương.
Truyền thông địa phương trước đó đưa tin một nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã quyết định thúc đẩy các bước đi nhằm hạn chế ứng dụng TikTok do lo ngại dữ liệu có thể rơi vào tay Chính phủ Trung Quốc. Nhật Bản hiện chưa đưa ra bình luận về vụ việc. (Reuters, AFP, Kyodo)
Tình hình Syria
Đoàn quân xe lớn của Mỹ tiến vào Syria từ Iraq
AMN đưa tin, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã điều động tới 50 chiếc xe tải hạng nặng được hộ tống bởi 7 xe thiết giáp tiến vào một trong các căn cứ chủ chốt của họ ở tỉnh Al-Hasakah, Đông Bắc Syria từ quốc gia làng giềng Iraq.
Theo truyền thông, các xe quân sự Mỹ đã tiến vào Syria từ một trong những cửa khẩu mở trái phép. Theo ghi nhận, đoàn xe được ghi nhận là đã hành quân gần thành phố chiến lược Al-Qamishli ở phía Bắc Al-Hasakah trước khi tới điểm đến là Tal Tamr trên vùng nông thôn gần biên giới hành chính với tỉnh Al-Raqqa, Syria.
Đoàn xe được cho là chở theo vũ khí trang bị và hậu cần kỹ thuật để tiếp tế cho lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Biển Đông
Malaysia muốn vấn đề Biển Đông được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế
Ngày 6/8, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein khẳng định, các vấn đề liên quan tới Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trong thông báo đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Hishammuddin thông báo đã thảo luận vấn đề Biển Đông trong cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Mỹ Mike Pompeo, trong đó nhấn mạnh Biển Đông phải là vùng biển của hòa bình và thương mại.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đăng một đoạn tweet trong đó khẳng định: “Cuộc điện đàm hiệu quả với Ngoại trưởng Hishammuddin để thảo luận về lợi ích chung của chúng tôi ở Biển Đông. Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Malaysia của chúng tôi rất quan trọng trong việc giúp đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Trước đó, ngày 5/8 phát biểu trước Quốc hội Malaysia, ông Hishammuddin cho rằng Malaysia không nên bị vướng vào địa chính trị với các siêu cường và cần phải nỗ lực để tránh bất kỳ sự cố không mong muốn nào trên Biển Đông, bao gồm cả các cuộc đụng độ quân sự của bất kỳ bên nào. Ông nhấn mạnh Malaysia luôn cam kết giải quyết vấn đề Biển Đông một cách xây dựng thông qua các diễn đàn và kênh ngoại giao phù hợp. (Malaymail)
Mỹ-Iran
Mỹ thay Đặc phái viên về Iran
Ngày 6/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Đặc phái viên về Iran của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Brian Hook sẽ rời khỏi nhiệm sở và Đặc phái viên về Venezuela Elliott Abrams sẽ đảm nhiệm vị trí này.
Ngoại trưởng Pompeo không nêu lý do ông Hook từ chức. Hiện cũng chưa rõ ông Hook sẽ rời khỏi nhiệm sở vào thời điểm cụ thể nào nhưng thông báo của ông Pompeo diễn ra tại thời điểm quan trọng khi Mỹ đang gia tăng các nỗ lực gây sức ép lên Iran, đồng thời, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chuẩn bị bỏ phiếu vào tuần tới về nỗ lực của Mỹ kéo dài lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Iran. Một số nhà ngoại giao cho biết, bước đi của Mỹ không nhận được nhiều sự ủng hộ.
Nếu không thực hiện được việc kéo dài lệnh cấm vũ khí với Iran, Mỹ đe dọa sẽ khởi động việc áp đặt lại tất cả các trừng phạt của Liên hợp quốc theo một quá trình được gọi là "tái áp đặt" đã được thống nhất trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).
Một số nhà ngoại giao cho rằng, Mỹ có thể sẽ bắt đầu quá trình áp đặt lại trừng phạt Iran kể từ cuối tháng 8/2020. (Reuters)
Ai Cập và Hy Lạp ký thỏa thuận "lịch sử", Thổ Nhĩ Kỳ lập tức bác bỏ
Ngày 6/8, Ai Cập và Hy Lạp đã ký thỏa thuận phân định hàng hải nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias tại thủ đô Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết, thỏa thuận này nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có tại khu vực Đông Địa Trung Hải, đồng thời các điều khoản của thỏa thuận là phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Trên cơ sở đó, thỏa thuận sẽ cho phép Ai Cập và Hy Lạp hướng tới tối đa hóa những lợi ích từ các tài nguyên trên khu vực đặc quyền kinh tế của cả hai nước, đặc biệt là nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đầy tiềm năng.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập khẳng định, thỏa thuận mở đường cho hợp tác khu vực giữa Ai Cập và Hy Lạp trong lĩnh vực năng lượng, khi cả hai nước đều là thành viên của Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Cairo và Athens sẽ là trụ cột để duy trì an ninh và ổn định của khu vực Đông Địa Trung Hải và đối phó với những mối đe dọa từ các chính sách hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hy Lạp Dendias mô tả thỏa thuận này là “lịch sử” và được hiện thực hóa sau nhiều vòng đàm phán giữa hai nước. Tiến trình đàm phán EEZ giữa Ai Cập và Hy Lạp được khởi động từ 3 năm trước trong khuôn khổ chuyến thăm Athens của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi.
Ngay sau động thái của Ai Cập và Hy Lạp, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày ra tuyên bố khẳng định thỏa thuận phân định hàng hải nói trên nằm trong khu vực thềm lục địa của quốc gia này. Bên cạnh đó, phía Ankara coi thỏa thuận này là "vô giá trị", đồng thời vi phạm chủ quyền hàng hải của Libya.
Trước đó, tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) đã ký biên bản ghi nhớ về phân định và hợp tác hàng hải tại Biển Địa Trung Hải. (Politico)
Vụ nổ ở Beirut: Lebanon bắt giữ 16 người để điều tra
Ngày 6/8, hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNA) cho biết, giới chức nước này đã quyết định bắt giữ 16 cá nhân để điều tra vụ nổ nhà kho ở cảng Beirut làm rung chuyển thủ đô.
Theo Thẩm phán Fadi Akiki, một đại diện chính phủ tại tòa án quân sự, giới chức Lebanon cho đến nay đã thẩm vấn hơn 18 quan chức hải quan và phụ trách cảng Beirut chịu trách nhiệm hoặc có liên quan tới công tác bảo trì nhà kho chứa vật liệu nguy cơ cháy nổ cao. Hiện 16 người đã bị bắt giữ như một phần của công tác điều tra và tiến trình này vẫn đang được tiếp tục.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Lebanon đã quyết định đóng băng tài khoản của các quan chức hải quan và những người đứng đầu cảng Beirut. Ủy ban điều tra đặc biệt của ngân hàng trung ương về rửa tiền cho biết, quyết định này sẽ được chuyển tới tất cả các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Lebanon, công tố viên tòa án và người đứng đầu cơ quan ngân hàng.
Việc đóng băng tài khoản ngân hàng sẽ được áp dụng đối với các tài khoản có liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với Tổng Giám đốc Cảng Beirut Hassan Koraytem, Tổng Giám đốc Hải quan Liban Badri Daher và 5 người khác, trong đó có cả các cựu quan chức cảng và hải quan.
Vụ nổ nhà kho ở cảng Beirut vào đêm 4/8 đã khiến hơn 135 người thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương. Pháp đã kêu gọi điều tra quốc tế liên quan đến vụ nổ này. (Aljazeera)
Covid-19
Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới sẽ được đăng ký tại Nga vào ngày 12/8 tới
Ngày 7/8, Thứ trưởng Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết: "Ngày 12/8 sẽ đăng ký vaccine do Trung tâm Gamaleya phát triển. Hiện giờ đang diễn ra thử nghiệm giai đoạn cuối. Việc thử nghiệm là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi cần được đảm bảo là vaccine sẽ an toàn".
Ông Gridnev lưu ý, các chuyên gia sẽ có thể đánh giá hiệu quả của thuốc khi miễn dịch cộng đồng được hình thành.
Theo Thứ trưởng Nga, các tài liệu đăng ký vaccine của trung tâm Gamaleya, bao gồm dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng, đang được kiểm tra.
Cơ quan truyền thông của Bộ Y tế Nga cho biết. "Vấn đề đăng ký sẽ được quyết định dựa trên kết quả kiểm tra các tài liệu trên". (Sputnik)
WHO cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc về vaccine" không giúp đánh bại virus
Ngày 6/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chống lại "chủ nghĩa dân tộc về vaccine", cho rằng, các nước giàu sẽ có lợi ích nếu đảm bảo rằng bất kỳ loại vaccine nào có thể được sản xuất để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đều được chia sẻ cho toàn thế giới.
Theo Tổng Giám đốc WHO, "để thế giới có thể phục hồi nhanh hơn, phải cùng nhau phục hồi, vì đây là một thế giới toàn cầu hóa: các nền kinh tế đan xen vào nhau. Một phần thế giới hoặc một số ít quốc gia không thể là một thiên đường an toàn và phục hồi".
WHO cũng cho biết, có thể cần nhiều loại vaccine khác nhau để chiến đấu chống dịch Covid-19. Hiện, 26 "ứng viên" vaccine đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó 6 loại đã đến giai đoạn 3 thử nghiệm trên diện rộng.
Tuy nhiên, người phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO Michael Ryan cảnh báo: "Giai đoạn 3 không có nghĩa là đã gần đến đích, mà chỉ là lần đầu tiên loại vaccine này được đưa ra thử nghiệm trên diện rộng để kiểm chứng khả năng bảo vệ con người chống lại sự lây nhiễm tự nhiên".
Ông Ryan nhấn mạnh: "Không có gì đảm bảo rằng cả 6 loại vaccine trên sẽ đưa ra câu trả lời, và chúng ta có thể cần nhiều vaccine cùng lúc để thắng trong cuộc chiến chống dịch".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận