menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Ngọc

Tin thế giới ngày 5/11: Hỗn loạn kết quả bầu cử Mỹ 2020, Thế giới nói gì về tương lai quan hệ với Mỹ, Nga muốn giành ưu thế tại Bắc Cực

Kết quả bầu cử Mỹ xuất hiện lỗi thống kê, Tình hình Belarus, Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ-Iran, Biển Đông,... là những tin thế giới nổi bật 24h qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Truyền thông phương Tây điều chỉnh kết quả bầu cử

Theo Reuters, một lỗi dữ liệu của Edison Research xảy ra đã khiến số phiếu kiểm đếm xong tại Arizona hôm 4/11 lên tới 98%, trong khi thực tế ước tính còn khoảng 14% số phiếu tại bang này đang được kiểm. Điều này khiến nhiều hãng đưa tin rằng, Tổng thống Trump đã thua tại Arizona, nơi ông bị ứng viên đảng Dân chủ Biden dẫn trước hơn 3 điểm phần trăm.

Do vậy, các hãng truyền thông Mỹ như CNN, NBCNew York Times ngày 5/11 đăng biểu đồ về kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 cho thấy, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden không được tính 11 phiếu đại cử tri của bang Arizona, do vậy hiện ông có tổng cộng 253 phiếu đại cử tri.

Trong khi đó, biểu đồ trên hãng Reuters lại cho thấy, ông Biden chỉ còn lại 243 phiếu đại cử tri, so với con số 264 phiếu đại cử tri mà ứng cử viên này có được hôm 4/11. Giới quan sát cho rằng ngoài 11 phiếu đại cử tri của bang Arizona mà ông Biden không được tính còn có 10 phiếu đại cử tri của bang Wisconsin.

Tuy nhiên, số liệu của hãng tin Fox News vẫn thể hiện ông Biden giành được 264 phiếu đại cử tri. Hãng tin này không sử dụng dữ liệu từ Edison. (Reuters/Fox News/CNN)

CẬP NHẬT KẾT QUẢ BẦU CỬ MỸ:

Ông Trump chuẩn bị cuộc chiến pháp lý

Khi đường tới chiến thắng của ông Joe Biden đang rộng hơn và ông Donald Trump đang hẹp dần, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đang theo đuổi một chiến thuật mà ông thường dựa vào: kiện tụng. Chiến dịch của ông đã phát động các cuộc chiến pháp lý tại vài bang chiến trường, kêu gọi kiểm phiếu lại ở Wisconsin và giờ đây đang cân nhắc các vụ kiện tiếp theo, cụ thể là tại Arizona và Nevada.

Trong khi đó, CNN cũng dẫn một nguồn thạo tin cho biết nếu kết quả bầu cử tại bang Georgia rất sít sao, chiến địch tranh cử của ông Trump sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại nếu ông thua cuộc. Tại Georgia, một ứng viên có thể yêu cầu kiểm phiếu lại nếu cách biệt chiến thắng chưa tới nửa phần trăm. (CNN/Guardian)

Ông Biden lập kỷ lục bầu cử

Dù kết quả kiểm phiếu vẫn đang diễn ra nhưng với trên 70 triệu phiếu bầu tính tới ngày 4/11 (giờ Mỹ), ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã lập kỷ lục giành nhiều phiếu nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Ông Joe Biden hiện đang hơn đối thủ Donald Trump gần 3,5 triệu phiếu phổ thông, lập kỷ lục ứng viên tổng thống nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Phát biểu trong sự kiện tại thành phố Wilmington, ông Biden nói: "Có vẻ như sau một đêm dài kiểm phiếu, rõ ràng rằng chúng tôi sẽ giành đủ các bang để đạt tới cột mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chiến thắng trong cuộc bầu cử. Tôi không ở đây để tuyên bố rằng mình đã giành chiến thắng. Tôi sẽ ở đây để thông báo khi quá trình kiểm phiếu hoàn tất. Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ là những người chiến thắng".

Bên cạnh đó, ông Biden cũng nhấn mạnh tới việc "mọi lá phiếu phải được kiểm". Đây được xem là tuyên bố trái ngược với quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Hiện chiến dịch tranh cử của nhà lãnh đạo này đã yêu cầu tòa án tạm dừng quá trình kiểm phiếu tại Michigan và Pennsylvania. (Reuters/Guardian)

Thế giới theo dõi chặt chẽ kết quả bầu cử Mỹ

Hàn Quốc: Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) sẽ tổ chức cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) vào chiều ngày 5/11 để thảo luận về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo đó, Tổng thống Moon Jae-in sẽ được báo cáo tóm tắt về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi ông chủ trì cuộc họp với các Bộ trưởng phụ trách vấn đề đối ngoại và quốc phòng. Tại cuộc họp, các quan chức sẽ thảo luận về phản ứng của Hàn Quốc trong quan hệ với Mỹ trong tương lai.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết, Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh gắn kết với Mỹ bất kể kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay ra sao. Cùng với đó, Seoul sẽ tích cực thảo luận với chính quyền sắp tới của Washington về vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)

Pháp: Ngày 5/11, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, ông tin tưởng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sẽ có kết quả tốt, đồng thời cho rằng các giá trị dân chủ vững chắc của Mỹ sẽ đảm bảo kết quả bầu cử chính xác.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Europe 1, ông Le Drian nói: “Tôi đặt niềm tin vào các cơ quan của Mỹ trong việc xác nhận kết quả cuộc bầu cử”. (AFP)

Trung Quốc: Khi được hỏi về cuộc bầu cử Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy nêu rõ: “Quan điểm của Trung Quốc về quan hệ song phương là rõ ràng và nhất quán. Dù còn những khác biệt, song hai nước cũng đã mở rộng các lợi ích chung và dư địa hợp tác... Chúng tôi hy vọng, chính phủ kế tiếp của Mỹ sẽ đáp ứng thỏa hiệp của Trung Quốc; củng cố các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng; tập trung vào cộng tác, quản trị sự khác biệt và thúc đẩy quan hệ song phương đi đúng hướng”. (Tân Hoa xã)
Australia: Thủ tướng Scott Morrison khẳng định Australia sẽ kiên nhẫn chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử.

“Tôi tin tưởng vào nền dân chủ và thể chế của Mỹ. Và điều tuyệt vời về thể chế và nền dân chủ đó là có thể ứng phó với bất kỳ thách thức nào xảy ra. Chúng tôi tôn trọng quyết định của người dân Mỹ trong nền dân chủ của họ. Chúng tôi sẽ kiên nhẫn và chờ đợi kết quả của tiến trình này. Tôi sẽ làm việc với Tổng thống Mỹ với tư cách là Thủ tướng của Australia”, ông Morrison cho biết. (ABC)

Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ

Pháp, Thổ Nhĩ Kỹ ‘dằn mặt’ nhau

Ngày 5/11, Pháp đã chỉ trích điều mà nước này xem là "các tuyên bố bạo lực" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đồng thời đưa ra khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Ankara.

Theo đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Hiện có một số tuyên bố bạo lực, thậm chí thù hận mà Tổng thống Erdogan thường đăng tải là không thể chấp nhận được".

Tổng thống Erdogan đang căng thẳng gay gắt với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về một số điểm nóng địa chính trị và gần đây nhất là cuộc chiến của Paris chống Hồi giáo cực đoan.

Trước đó, ngày 4/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết đưa ra hành động đáp trả cứng rắn đối với quyết định của Pháp giải tán một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ có tên là Grey Wolves, có liên quan tới một đồng minh hàng đầu của Tổng thống Erdogan.

Nhóm cực hữu nói trên được coi là một "nhánh" của đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (MHP) liên minh với đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan tại Quốc hội. (AFP)

Tình hình Belarus

EU nhất trí trừng phạt ông Lukashenko

Ngày 4/11, một nguồn tin cho biết, các đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói trừng phạt đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cùng 14 quan chức khác. Trong số các biện pháp trừng phạt này có việc phong tỏa các tài sản ở EU. Ngoài ra, những người trong danh sách cũng bị cấm nhập cảnh vào châu Âu.

Theo nhà báo Ricardo Jozwiak, người đưa tin về việc thông qua các lệnh trừng phạt, tuyên bố chính thức của các đại sứ EU sẽ được đưa ra vào ngày 6/11 tới.

Liên quan tình hình Belarus, cùng ngày, trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Lukashenko đã thảo luận về việc bắt đầu các cuộc đàm phán cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Belarus. (AFP/TASS)

Mỹ-Iran

Iran khoe hệ thống tên lửa đạn đạo mới

Đích thân tướng Hossein Salami, Tư lệnh IRGC ngày 4/11 đã công bố hệ thống khai hỏa tên lửa đạn đạo mới do IRGC tự chế tạo. Hệ thống này được mô tả là có khả năng phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm xa một cách tự động và thông minh.

“Việc chúng ta khai hỏa tên lửa sẽ khiến kẻ thù khiếp sợ. Sức mạnh tên lửa của chúng ta sẽ khiến kẻ thù phải rút lui”, tướng Hossein Salami nói. Ông cũng cho biết thêm, sức mạnh quân sự của Iran sẽ giúp nước này thể hiện bản lĩnh áp chế đối phương khi cần thiết.

Iran không tiết lộ thêm đặc tính kỹ thuật của hệ thống phóng tên lửa nói trên. Cách đây vài tuần, lực lượng này giới thiệu tên lửa đạn đạo mới Zolfaqar Basir có tầm bắn lên tới 700 km và được trang bị đầu dò quang học để tấn công mục tiêu với sai số nhỏ. (IRNA)

Liên minh châu Âu

​Các nền kinh tế EU hồi phục chậm hơn dự báo

Ngày 4/11, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cảnh báo, tốc độ hồi phục của các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) khỏi tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể chậm hơn so với dự báo trước đây vì tình hình dịch bệnh ở khu vực này hiện đang diễn biến phức tạp trở lại.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng kinh tế và tài chính của EU, ông Dombrovskis nêu rõ, những tháng sắp tới sẽ là giai đoạn đầy thách thức đối với tất cả các quốc gia EU, do đó điều quan trọng là các nước cần thảo luận và phối hợp các chính sách.

Ông nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt được một thỏa thuận trong nội bộ các thể chế của EU về kế hoạch hồi phục kinh tế trị giá 750 tỷ euro (879 tỷ USD), đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên EU chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch cải cách và đầu tư nhằm hỗ trợ phục hồi và chuyển đổi nền kinh tế. (AP)

Nga

Nga muốn giành ưu thế tại Bắc Cực

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga muốn giành lại “ưu thế” tại Bắc Cực và có kế hoạch đưa tàu phá băng trở lại để tăng cường sự hiện diện ở đây.

Phát biểu tại lễ ra mắt 1 loại tàu phá băng mới ở St.Peterburg, Tổng thống Nga Putin cam kết Nga sẽ tiếp tục hiện đại hóa hạm đội ở Bắc Cực:“Điều rõ ràng là chúng ta đã có đội tàu phá băng độc nhất, giữ vai trò đi đầu trong phát triển và nghiên cứu các vùng lãnh thổ Bắc Cực. Chúng ta phải tái xác nhận ưu thế này một cách kiên định. Chúng ta phải xây dựng vị thế, củng cố và hiện đại hóa đội tàu, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong đóng tàu phá băng và các tàu đẳng cấp khác”.

Nga đã tăng cường các nỗ lực nhằm khai thác các tuyến hàng hải, thúc đẩy tiềm năng thương mại ở khu vực này, bằng cách tăng cường vận chuyển hàng hóa ở Tuyến đường Biển Bắc, kết nối từ Murmansk của Nga đến eo biển Bering gần Alaska. (Reuters)

Biển Đông

Chiến hạm Trung Quốc xuất hiện ở cửa ngõ Biển Đông

Tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Trung Quốc mới xuất hiện ở cửa ngõ Biển Đông và gần khu vực đảo Đài Loan. Đây là thông tin mới được truyền thông Đài Loan công bố hôm 4/11. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định, khả năng tàu Type 075 đang tiến hành thêm một cuộc thử nghiệm hoạt động trên biển ở khu vực có nhiều yếu tố thách thức như Biển Đông.

Theo kênh SET News ở Đài Bắc, những bức ảnh xuất hiện gần đây trên truyền thông Trung Quốc cho thấy, tàu tấn công đổ bộ Type 075 đã xuất hiện gần một căn cứ của hải quân Trung Quốc ở thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam và là cửa ngõ tiến vào Biển Đông. Vị trí tàu Type 075 xuất hiện cũng rất gần đảo Đài Loan.

Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, chuyên gia quân sự Trung Quốc, ông Song Zhongping nhận định, tàu tấn công đổ bộ Type 075 cần trải qua thêm nhiều bài thử nghiệm trên biển. So với biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải, Biển Đông là vùng biển có cường độ gió và sóng mạnh hơn. (Global Times/SET News)

Biển Hoa Đông

Nhật Bản lo ngại dự luật mới của Trung Quốc

Dự thảo luật sửa đổi liên quan đến lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc, cho phép sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc vừa được công bố khiến Nhật Bản lo ngại.

Dự thảo qui định rõ trách nhiệm của cảnh sát biển, trong đó nêu rõ lực lượng này có quyền xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn thủy thủ đoàn, đồng thời được sử dụng vũ khí đối với các tàu không tuân theo mệnh lệnh trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc.

Nhật Bản quan ngại rằng, khi luật này được ban hành, các tàu đánh cá của Nhật Bản hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể sẽ bị đe dọa. Nhật Bản kiểm soát quần đảo Senkaku còn Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. (NHK).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại