Tin thế giới ngày 30/7: Mỹ sẵn sàng "chơi lớn" để đối phó Trung Quốc, Belarus nghi Nga can thiệp bầu cử, Bất ngờ Triều Tiên bắn tên lửa
Căng thẳng Mỹ-Trung, quan hệ Belarus-Nga, Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông và đại dịch Covid-19 là những tin thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ “chấp nhận rủi ro" để đối phó Trung Quốc
Trong bài phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Viện nghiên cứu Brookings về “chiến lược và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc”, bà Lisa Curtis, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã liệt kê các nước có vị trí giáp hoặc gần Trung Quốc mà Mỹ đang tăng cường mối quan hệ cả về kinh tế và quân sự, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Bhutan.
“Mỹ sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc và tôi nghĩ mỗi bên sẽ phải quen với định hướng mới này vì nó sẽ định hình chính sách của Mỹ trong khu vực”, bà Curtis nói.
Bà Curtis cho biết mối quan tâm của bà tập trung vào khu vực Trung Nam Á, đặc biệt là mối quan hệ đối tác “ngày càng sâu sắc” giữa Mỹ và Ấn Độ. Hai nước cùng chia sẻ cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, tự do và minh bạch, đồng thời đảm bảo rằng các nước khác ở khu vực Trung và Nam Á đều có thể bảo vệ chủ quyền.
“Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của chính quyền Trump bao trùm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kéo dài từ Nam Á cho tới bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ. Bắc Kinh coi chiến lược này là nỗ lực của Washington nhằm tập hợp các cường quốc trong khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Theo bà Curtis, xung đột biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ càng cho thấy rõ các nước trong khu vực không còn tin tưởng chiến lược thắt chặt quan hệ của Bắc Kinh. (SCMP)
Mỹ xem xét yêu cầu cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao Trung Quốc
Tờ Washington Times dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đề xuất yêu cầu giảm đáng kể số lượng các nhà ngoại giao Trung Quốc đang hoạt động ở nước này.
Theo nguồn tin, yêu cầu giảm số lượng các nhà ngoại giao Trung Quốc là để duy trì mức độ tương xứng về số lượng nhà ngoại giao giữa hai nước. Dự kiến, quyết định chính thức sẽ được công bố trong tuần này.
Quyết định cắt giảm số lượng các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm giảm gánh nặng cho Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), khi trong những tháng gần đây có tới gần 2.000 nhân viên của cơ quan này phải tham gia điều tra hoạt động của các điệp viên và đặc vụ Trung Quốc tại Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện có khoảng 245 nhà ngoại giao Trung Quốc được cấp phép làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington. Ngoài ra, nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng làm việc tại các lãnh sự quán ở New York, San Francisco, Los Angeles và Chicago. (Washington Times)
Mỹ-Đức
Mỹ tuyên bố rút 12.000 quân khỏi Đức
Ngày 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Mark Esper thông báo, Washington sẽ cắt giảm 11.900 binh sĩ nước này tại Đức, tái bố trí một số binh sĩ đến Italy và Bỉ.
Đây là sự thay đổi lớn về cách bố trí quân sự của Washington trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Esper nêu rõ, Lầu Năm Góc sẽ rút khoảng 6.400 binh sĩ đồn trú tại Đức về nước và điều chuyển gần 5.600 binh sĩ trong số 34.500 quân nhân Mỹ đồn trú tại Đức sang các nước khác thuộc NATO. Như vậy, tổng số binh sĩ hiện diện tại Đức sẽ còn khoảng 23.000 người.
Bộ trưởng Esper nhấn mạnh, mục đích chính của kế hoạch tái bố trí lực lượng Mỹ này là củng cố khu vực phía Đông Nam của NATO gần Biển Đen. Theo ông, một số binh sĩ có khả năng cũng được đưa đến Ba Lan và các nước Baltic nếu Warsaw nhất trí một thỏa thuận giữa hai bên. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng sẽ chuyển trụ sở chỉ huy từ Đức sang Bỉ nhằm tăng cường khả năng phối hợp với Bộ Tư lệnh NATO.
Nêu lý do về quyết định này, Tổng thống Donald Trump nói do Đức không trả đủ chi phí cho hoạt động bảo vệ: "Chúng ta không muốn trở thành kẻ khờ nữa... Chúng ta sẽ cắt giảm lực lượng vì Đức không thanh toán hóa đơn đầy đủ. Điều đó rất đơn giản". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lưu ý sẽ xem xét lại việc rút quân nếu Đức đồng ý chi thêm tiền cho Mỹ.
Phản ứng về quyết định này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen cho rằng động thái này sẽ chỉ làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Về phần mình, Thủ hiến bang Bayern Markus Söder cũng bày tỏ lấy làm tiếc về kế hoạch của Mỹ, nhận định kế hoạch sẽ tác động tới quan hệ Đức-Mỹ này không có lợi ích rõ ràng về mặt quân sự. (AFP/Yonhap)
Belarus-Nga
Belarus cáo buộc Nga can thiệp bầu cử
Ngày 29/7, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta dẫn nguồn một cảnh sát giấu tên cho biết, 32 "chiến binh của tổ chức bán quân sự Wagner Group" đã bị bắt giữ cách thủ đô Minsk không xa và một người nữa bị bắt giữ ở miền Nam vì lập kế hoạch gây bất ổn tình hình ở Belarus trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Những người này bị bắt giữ vào đêm rạng sáng 29/7.
Cùng ngày, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia. Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh: "Cần lập tức yêu cầu các cơ quan hữu quan Nga giải thích những gì đang diễn ra".
Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov tuyên bố, Nga chưa bao giờ có kế hoạch gây bất ổn ở Belarus, đồng minh thân cận nhất của Moscow.
“Thông tin các công dân Nga bị giam giữ ở đó đang được xác minh, kể cả thông tin họ có thể liên quan đến một công ty quân sự tư nhân”, ông Dzhabarov khẳng định.
Theo ông Dzhabarov, Nga và Belarus sẽ thành lập nhà nước liên minh và một phái đoàn Quốc hội Nga sẽ tới Minsk để giám sát cuộc bầu cử tổng thống: "Trong mọi trường hợp, Belarus sẽ vẫn là đồng minh thân cận nhất của chúng ta".
Bán đảo Triều Tiên
Bất ngờ việc Triều Tiên thử tên lửa từ tận đầu tháng 7
Ngày 30/7, các quan chức của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa hành trình chống hạm từ vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông hồi đầu tháng này như một phần của cuộc tập trận mùa Hè thường lệ.
Các hãng truyền thông biết đến cuộc thử nghiệm này hơi muộn vì cả chính quyền Hàn Quốc lẫn cơ quan truyền thông của Triều Tiên đều không công bố thông tin này.
Theo các quan chức Hàn Quốc, một tên lửa hạm đối hạm đã được bắn từ một con tàu ở vùng biển phía Đông vào ngày 6/7 và bay xa chưa tới 100km.
Người phát ngôn JCS, Đại tá Kim Jun-rak nêu rõ: "Chúng tôi coi đây là một phần của cuộc tập trận trên biển thường lệ của Triều Tiên. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của Triều Tiên và duy trì tư thế sẵn sàng chặt chẽ." Cuộc tập trận mùa Hè của Triều Tiên bắt đầu vào khoảng đầu tháng 7 và đang diễn ra. Chương trình mùa Hè này thường kéo dài cho đến khoảng tháng 8. (Yonhap)
Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên đối phó với dịch Covid-19
Tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young ngày 30/7 tái khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19 tại thành phố biên giới Kaesong hoặc bất cứ nơi nào khác tại đất nước Triều Tiên.
Tuyên bố của ông Lee In-young được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên cuối tuần qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phong tỏa thành phố Kaesong do xuất hiện thông tin về một người trở về từ Hàn Quốc nghi nhiễm virus SARS-CoV2.
Gần đây, Hàn Quốc liên tục đưa ra đề xuất phối hợp với Triều Tiên để đối phó với đại dịch Covid-19 song phía Triều Tiên đã không phản hồi đề nghị hợp tác từ phía Hàn Quốc, trong bối cảnh quan hệ liên Triều vốn đã căng thẳng lại tiếp tục xấu đi vì vấn đề rải truyền đơn chống phá chính quyền Bình Nhưỡng. (Yonhap)
Biển Hoa Đông
Bắc Kinh tuyên bổ chủ quyền quần đảo tranh chấp với Tokyo
Ngày 29/7, Bắc Kinh tuyên bố, quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý ở biển Hoa Đông và gọi là Senkaku là lãnh thổ của Trung Quốc và nước này có quyền tiến hành các hoạt động thực thi luật pháp ở khu vực này.
Trước đó cùng ngày, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Tướng Kevin Schneider đã lên tiếng khẳng định cam kết ủng hộ Nhật Bản đồng thời nhấn mạnh, quân đội Mỹ có thể hỗ trợ giám sát "hành động xâm phạm chưa từng có" của các tàu Trung Quốc vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, dự kiến có thể gia tăng sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển này.
Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 29/7, Trung tướng Schneider cho biết, Bắc Kinh "liên tục có các hành động gây hấn và thâm hiểm ở Biển Đông và biển Hoa Đông". Ông cũng chỉ ra các vụ xâm nhập "chưa có trong tiền lệ" vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku của các tàu Trung Quốc trong 100 đến 120 ngày qua, đồng thời khẳng định "Mỹ tuyệt đối không thay đổi cam kết của mình để hỗ trợ" Chính phủ Nhật Bản trong tình huống này.
Tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ, Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định ở khu vực, thay vì có những hành động không có lợi cho hòa bình và ổn định tại đây.
Trong khi đó, ngày 30/7, các nguồn tin ngoại giao cho biết, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shigeki Takizaki dự kiến sẽ tổ chức họp trực tuyến để thảo luận về tranh chấp này với Vụ trưởng Vụ các vấn đề biên giới và đại dương Hồng Lương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong ngày 31/7.
Cuộc hội đàm sắp tới được tổ chức theo đề xuất của Trung Quốc, dự kiến các nhà ngoại giao hai bên cũng có thể sẽ đề cập tới hoạt động khoan thăm dò khí đốt của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, một vấn đề tranh cãi lâu nay giữa hai nước, nguồn tin cho hay. (Reuters/NHK/Kyodo)
Đại dịch Covid-19
Nga sẽ cho ra mắt vaccine Covid-19 trong 2 tuần nữa
Nga dự kiến sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 vào giữa tháng 8 tới, bất chấp những lo ngại về sự an toàn, hiệu quả và nghi vấn đốt cháy giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển vaccine.
Trao đổi với CNN, các quan chức Nga cho biết họ đang chuẩn bị các khâu để phê duyệt vaccine Covid-19 do Viện Gamaleya có trụ sở tại thủ đô Moscow sáng chế vào ngày 10/8 hoặc sớm hơn.
Theo đó, vaccine này sẽ được cấp phép sử dụng trong cộng đồng và các nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm đầu tiên.
Bộ Y tế Nga chưa xác nhận ngày phê duyệt vaccine Covid-19 vào tháng 8. Cơ quan này cho biết nhân viên y tế tuyến đầu sẽ là những người đầu tiên được tiêm sau khi vaccine được phê duyệt đưa vào sử dụng cho cộng đồng.
Các nhà phê bình cho rằng việc thúc đẩy chế tạo vaccine diễn ra trong bối cảnh áp lực chính trị từ Điện Kremlin muốn thể hiện Nga là một lực lượng khoa học toàn cầu. (CNN).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận