Tin thế giới ngày 23/7: "Bấp bênh" quan hệ Mỹ-Trung, Bóng đá cũng là nạn nhân của cạnh tranh chiến lược, Thông tin về vaccine Covid-19
Nổi bật căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), Giao tranh Azerbaijan-Armenia và đại dịch Covid-19 là các tin thế giới nổi bật 24 giờ
Trả đũa Mỹ, Trung Quốc ngắm tới Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô
Giới chuyên gia nhận định, Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô có tầm quan trọng chiến lược do phụ trách khu vực Tây Nam Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh và khu tự trị Tây Tạng. Nếu thành hiện thực, việc đóng của TLSQ Mỹ ở Thành Đô sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó, ngày 22/7, trong tuyên bố gửi qua email, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus xác nhận: "Chúng tôi đã yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin riêng tư của người Mỹ".
Trung Quốc lên tiếng chỉ trích việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston là "một hành động leo thang chưa từng có" và cảnh báo Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu Mỹ không rút lại quyết định trên.
Ban đầu, theo Reuters, Trung Quốc đã cân nhắc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán để đáp trả hành động của Mỹ. Thế nhưng, do Mỹ đã sơ tán các nhân viên tại đây trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nên việc đóng cửa TLSQ tại đây sẽ không phải là biện pháp đủ mạnh mẽ. (SCMP)
Mỹ có thể đóng cửa thêm các phái bộ ngoại giao Trung Quốc
Ngày 22/7, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ "có thể" đóng cửa thêm nhiều phái bộ ngoại giao khác của Trung Quốc tại Mỹ "bất cứ lúc nào".
Đề cập tới vụ cháy trong sân của TLSQ Trung Quốc tại Houston, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi đoán là họ đốt các tài liệu, đốt giấy tờ và tôi tự hỏi những giấy tờ đó là về cái gì”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn NY Times ngày 22/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cho biết lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội nước này.
"Quân đội Trung Quốc đã gửi sinh viên cả công khai lẫn âm thầm tới các trường đại học Mỹ để học những thứ có thể thúc đẩy lợi thế chiến tranh của họ", ông Stilwell nói và thêm rằng tất cả hoạt động này được hỗ trợ bởi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Ông Stilwell cũng cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây tham gia vào các hoạt động đáng ngờ tại sân bay quốc tế Houston, nơi họ đưa công dân Trung Quốc lên các chuyến bay hồi hương giữa đại dịch Covid-19.
Về phần mình, ngày 22/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ lên tiếng chỉ trích quyết định đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại Houston, coi đây động thái có thể gây tổn hại quan hệ song phương. Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ lập tức rút lại quyết định này.
Về phía lãnh sự quán Trung Quốc tại Houton, ông Cai Wei - Tổng lãnh sự tỏ ra ngạc nhiên và cho biết chưa từng nghĩ sẽ bị đối xử như vậy. Ông không phản bác chuyện đốt tài liệu, nói rằng các khu phức hợp ngoại giao của nhiều nước khác cũng thường đốt tài liệu nội bộ của họ trước khi rời đi.
Về các cáo buộc hoạt động đáng ngờ, Tổng lãnh sự Cai cho biết ông và nhân viên của mình chỉ đơn giản là hộ tống một số sinh viên Trung Quốc lên một chuyến bay được thuê trọn chuyến. Ông Cai nói đã cho các sinh viên khẩu trang và hướng dẫn họ cách ly khi đến Trung Quốc (Reuters/NY Times)
Mỹ nghi ngờ nhà khoa học Trung Quốc trốn trong Lãnh sự quán ở San Francisco
Ngày 23/7, CNN đưa tin, các công tố viên Mỹ thông báo họ đang tìm kiếm một nhà khoa học bị cáo buộc gian lận visa, người mà họ cho rằng đã trốn trong Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.
Các công tố viên cáo buộc Tang Juan, một nhà nghiên cứu về sinh học đã nói dối rằng cô không có liên hệ với quân đội Trung Quốc để nhập cảnh vào Mỹ và tránh bị bắt bằng cách trốn trong cơ quan ngoại giao này.
Theo hồ sơ tòa án, cô Tang bị buộc tội ngày 26/6 về việc gian lận visa. Các công tố viên cho biết, Tang đã che giấu mối liên hệ của cô với quân đội Trung Quốc trong đơn xin cấp thị thực song các điều tra viên đã "phát hiện ra những bức ảnh cô mặc quân phục của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)" và việc cô từng là nhà nghiên cứu của Đại học Quân Y thứ 4 (FMMU) (Reuters)
Đức lên kế hoạch đáp trả luật an ninh quốc gia của Trung Quốc
Ngày 22/7, phát biểu trong chuyến thăm Anh, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố trong trường hợp cần thiết, Berlin sẽ đáp trả luật an ninh quốc gia vừa được Trung Quốc áp đặt tại Hong Kong mà không phụ thuộc vào các thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Maas nhấn mạnh, Đức muốn có được sự đồng thuận từ nhiều nước châu Âu về cách thức đáp trả Trung Quốc và Berlin chắc chắn sẽ thực hiện những đề xuất đã trao đổi trước đó với Paris. (Reuters)
Anh thông báo chính sách nhập cư cho người Hong Kong
Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel thông báo, người dân Hong Kong có thị thực công dân hải ngoại của Anh sẽ có thể nộp đơn xin cấp quốc tịch Anh, bắt đầu từ tháng 1/2021. Quyết định này của London có thể cho phép gần 3 triệu cư dân Hong Kong định cư ở Anh - động thái diễn ra sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong - thuộc địa trước đây của Anh.
Phản ứng với động thái này, Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho rằng, chính sách này của Anh là sự vi phạm luật pháp quốc tế và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh, Anh đưa ra quyết định trên bất chấp sự phản đối từ Bắc Kinh và Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu London không rút lại quyết định.
Cơ quan ngoại giao Trung Quốc này cho rằng, động thái của Anh "vi phạm nghiêm trọng các cam kết của chính Anh, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế". (Reuters)
Trung Quốc ngừng phát sóng giải Ngoại hạng Anh
Giữa lúc xích mích với Anh xung quanh vấn đề Huawei và vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) đã chính thức ngừng phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League).
Theo đó, tối ngày 22/7, trận đấu giữa Liverpool và Chelsea đã không được chiếu trên sóng CCTV theo kế hoạch. Ngoài ra, các trận đấu của vòng cuối Premier League cũng không nằm trong lịch phát sóng của CCTV.
Năm ngoái, CCTV dừng đưa tin về giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) sau khi một quan chức giải có tuyên bố ủng hộ những người biểu tình Hong Kong. (Bloomberg)
Liên hợp quốc hối thúc Azerbaijan và Armenia hòa đàm
Ngày 22/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Azerbaijan và Armenia có hành động giảm căng thẳng "hoàn toàn và ngay lập tức", nhanh chóng quay lại đối thoại sau các vụ đụng độ gần đây trên tuyến biên giới giữa hai quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây này.
Theo người phát ngôn của LHQ, ông Guterres đã đưa ra lời kêu gọi trên trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Trong các cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo LHQ đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới chung, đồng thời yêu cầu hai nước kiềm chế những hành động và tuyên bố mang tính khiêu khích.
Ông Guterres bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước trên. Ông hy vọng lãnh đạo Azerbaijan và Armenia tiếp tục hợp tác hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột lâu dài liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. (Reuters)
Nghiên cứu vaccine Covid-19 có nhiều kết quả tích cực
Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan ngày 22/7 cho biết, giới nghiên cứu quốc tế đang đạt được những bước tiến đầy khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vaccine phòng Covid-19 với một số ít người được thử nghiệm ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2021 mới có thể xác định được khi nào những liều vaccine đầu tiên được chính thức đưa vào sử dụng.
Ông cho biết, các nhà nghiên cứu đã đạt được kết quả đầy hứa hẹn khi một số mẫu vaccine hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và không có mẫu nào thất bại. Những kết quả này sẽ là tiền đề tích cực hướng tơi vaccine phòng Covid-19 được sản xuất hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.
Theo ông Ryan, WHO đang nỗ lực để để đảm bảo việc phân bổ vaccine được thực hiện công bằng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thực tế là trong khi chờ đợi có được một loại vaccine hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, số bệnh nhân trên toàn thế giới không ngừng gia tăng.
Cùng ngày, hai tập đoàn sản xuất dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ và BioNTech của Đức cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ chi 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do hai tập đoàn bào chế nếu sản phẩm chứng tỏ độ an toàn và hữu hiệu.
Tính đến ngày 15/7, WHO đã có 23 vaccine tiến hành thử nghiệm trên cơ thể con người và khoảng 140 sản phẩm khác đưa vào phát triển tiền lâm sàng. Trên quy mô toàn cầu, trong số 19 loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng nhất, mới chỉ có 2 loại vaccine, gồm vaccine của công ty công nghệ Sinopharm của Trung Quốc và vaccine của công ty AstraZeneca và trường Đại học Oxford, đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Một loại vaccine khác do công ty Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc phát triển dự kiến sẽ là vaccine thứ ba kết thúc việc thử nghiệm giai đoạn ba vào cuối tháng này. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận