Tin thế giới ngày 23/10: Tranh luận Trump-Biden kết thúc, Trung Quốc "đanh thép" với Mỹ, Nga-Trung Quốc có thể liên minh quân sự?
Tranh luận Trump-Biden, Bầu cử Mỹ 2020, Armenia-Azerbaijan, Mỹ-Trung Quốc, Nga-Trung Quốc,... là một số sự kiện thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Bầu cử Mỹ 2020
Kết thúc vòng tranh luận Trump-Biden lần cuối cùng
Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tối 22/10 (giờ địa phương) đã hoàn thành buổi tranh luận cuối cùng trong không khí ôn hòa hơn, có trật tự hơn so với cuộc tranh luận đầu tiên, mặc dù cuộc tranh luận vẫn thể hiện quan điểm cá nhân rõ rệt.
Cuộc tranh luận cuối cùng giữa Tổng thống Trump và ông Biden diễn ra tại Đại học Belmont, TP. Nashville, bang Tennessee. Tuy hai ứng viên vẫn bày tỏ quan điểm khác biệt của mình và công kích lẫn nhau trong các chủ đề, nhưng cuộc tranh luận được cho là ít bị gián đoạn hơn nhiều so với cuộc tranh luận đầu tiên, các ứng viên cũng kiên nhẫn hơn trong các câu trả lời của họ, chờ đợi để đề nghị khi được điều phối Welker mời phát biểu. (The Hill)
Diễn biến chính của cuộc tranh luận:
Số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục
Dù còn hơn một tuần nữa mới đến Ngày Bầu cử, song số phiếu bầu cử được cử tri bỏ phiếu sớm đã đạt gần 90% mức bỏ phiếu sớm so với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tỷ lệ cho thấy tổng số người Mỹ bỏ phiếu sớm năm nay có thể đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Tính đến chiều 22/10, có tới 34 triệu người đã tiến hành bỏ phiếu bầu qua đường bưu điện, cao hơn rất nhiều so với con số 14,5 triệu người tiến hành bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bầu cử.
Phân tích trên của Washington Post cho thấy, một số tiểu bang miền Nam và Đông Bắc như Alabama, Mississippi và Virginia, số lượng phiếu được bỏ sớm đã vượt mức được ghi nhận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Trong khi đó, số liệu của U.S. Elections Project tính đến chiều ngày 22/10 cho thấy, 48,5 triệu cử tri đã tiến hành bỏ phiếu, đạt 34,5% so với tổng số cử tri đã đi bầu trong cả cuộc bầu cử năm 2016. (Washington Post)
Bà Barrett "sáng đường" trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao
Ngày 22/10, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã nhất trí với đề cử của Tổng thống Donald Trump chọn bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao nước này, trong bối cảnh phe Dân chủ tẩy chay cuộc bỏ phiếu với lý do quá gần ngày bầu cử 3/11.
Với 12 phiếu ủng hộ và 0 phiếu chống, toàn bộ các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử, trong khi 10 nghị sĩ Dân chủ đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
Kết quả này sẽ tạo cơ sở cho Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao vào ngày 26/10 tới. (USA Today)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Giao tranh ở Nagorno-Karabakh khiến 5 nghìn người thiệt mạng
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng khoảng 5.000 người đã thiệt mạng từ khi đợt giao tranh mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra ở Nagorno-Karabakh, trong đó mỗi bên có hơn 2.000 người chết.
Số liệu trên do Nga tổng hợp Lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh thông báo 874 binh sĩ và 37 dân thường thiệt mạng vì giao tranh. Azerbaijan thông báo 61 người dân qua đời vì pháo kích, nhưng không tiết lộ thương vong quân sự. (Reuters)
Azerbaijan đồng ý triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nagorno-Karabakh
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 22/10 cho biết, Baku không phản đối ý tưởng triển khai các quan sát viên và lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực Karabakh về nguyên tắc, nhưng nhấn mạnh Baku sẽ đưa ra các điều kiện riêng.
Tổng thống Azerbaijan cũng nhắc lại việc Baku từ chối tổ chức bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào về nền độc lập của Karabakh. Bên cạnh đó, ông tuyên bố sẽ không loại trừ điều mà ông xem là "tự trị văn hóa" dành cho người thiểu số Armenia ở khu vực miền núi Nagorno-Karabakh.
Nhà lãnh đạo Baku đồng thời cho biết thêm, một cuộc gặp thưởng định có thể sớm được tổ chức giữa ông và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại thủ đô Moscow của Nga để thảo luận về tranh chấp Karabakh. (Nikkei)
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng sâu sắc về vấn đề Nagorno-Karabakh
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin), Dmitry Peskov mới cho biết, Nga đang làm mọi thứ để có thể tìm ra 1 giải pháp cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.
Tuy nhiên, ông Peskov khẳng định, hiện cách tiếp cận của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hậu thuẫn mạnh cho Azerbaijan, vẫn còn nhiều khác biệt.
Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngần ngại công khai sự ủng hộ của mình với Azerbaijan; khẳng định vấn đề Nagorno-Karabakh có thể giải quyết bằng vũ lực, tức quân sự.
Trong khi quan điểm của Nga là sẽ không có giải pháp quân sự nào, vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng 1 giải pháp chính trị và ngoại giao.
Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Putin luôn coi Armenia và Azerbaijan là những đối tác đặc biệt, gắn bó với 2 quốc gia này trong nhiều thập kỷ. (TASS)
Mỹ-Trung Quốc
Trung Quốc cảnh báo Mỹ, nói sẵn sàng chiến đấu
Phát biểu từ Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 23/10, ông Tập Cận Bình cho rằng cuộc chiến “chống lại sự xâm lược của Mỹ” từ năm 1950 đến năm 1953 cho thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc trước đế quốc Mỹ.
“Người dân Trung Quốc hiểu rằng, phải chiến đấu để ngăn chặn cuộc xâm lược bằng vũ lực, giành lấy hòa bình. Chúng tôi cũng không sợ bất kể mối đe dọa nào, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, “bất kỳ quốc gia nào và bất kỳ quân đội nào, cho dù họ từng hùng mạnh đến đâu” - ám chỉ Mỹ, sẽ thất bại nếu có những hành động đi ngược lại với cộng đồng quốc tế. (SCMP)
Ấn Độ-Trung Quốc
Ấn Độ sắp triển khai tên lửa chống tăng mới đến biên giới giáp Trung Quốc
Tên lửa chống tăng NAG do Ấn Độ mới chế tạo đã sẵn sàng để triển khai ở một số khu vực, trong đó có vùng Ladakh gần Trung Quốc.
“Cuộc thử nghiệm cuối cùng đối với tên lửa chống tăng dẫn đường NAG thế hệ thứ ba đã được thực hiện lúc 6h45 ngày 22/10 tại trường bắn Pokhran. Tên lửa thử nghiệm đã được tích hợp đầu đạn thật, trong khi mục tiêu xe tăng đặt ở khoảng cách được chỉ định”, trang Defenseworld trích thông cáo được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) đăng tải trên Twitter.
Một số cơ quan truyền thông Ấn Độ dẫn lời chính phủ nước này nói rằng, tên lửa NAG (Nghĩa là ‘rắn hổ mang’ trong tiếng Ấn Độ) đã hoàn thành 10 cuộc thử nghiệm, và hiện sẵn sàng để triển khai ở một số khu vực, chẳng hạn như Ladakh. (Defenseworld)
Nga-Trung Quốc
Nga nói Trung Quốc và Đức đang hướng tới vị thế cường quốc
Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/10 nói rằng thời kỳ Mỹ và Nga quyết định những vấn đề quan trọng nhất của thế giới đã là quá khứ và nay Trung Quốc cùng Đức đang hướng tới vị thế cường quốc, về cả khía cạnh chính trị và kinh tế.
Ông Putin nói nếu Washington không chuẩn bị thảo luận các vấn đề toàn cầu với Moscow thì Nga sẽ phải trao đổi với những quốc gia khác. (Sputnik)
Khả năng liên minh quân sự Nga-Trung Quốc?
Tại cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận Valdai được tổ chức hôm 22/10, ông Putin nói rằng Nga sẽ buộc phải hành động để đáp trả việc Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng Nga và Trung Quốc không cần xây dựng một liên minh quân sự, nhưng về mặt lý thuyết thì điều này có thể hình dung được.
"Có thể hình dung mọi thứ, nhưng chúng tôi luôn xuất phát từ thực tế là quan hệ của hai nước đã đạt đến mức độ tương tác và tin cậy, nên chúng tôi không cần đến điều đó. Nhưng về mặt lý thuyết, có thể hình dung ra điều này một cách rõ ràng" - nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Theo ông Putin, hợp tác với Nga trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật làm tăng khả năng quốc phòng của Trung Quốc và hiện nay quan hệ giữa hai nước Nga - Trung đã đạt mức cao chưa từng có. (Sputnik)
Brexit
Anh, Nhật ký Hiệp định Thương mại tự do hậu Brexit
Ngày 23/10, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản và Anh đã ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương để mở đường cho thỏa thuận này có hiệu lực vào đầu năm 2021 nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước sau khi giai đoạn chuyển tiếp Anh rời Liên minh châu Âu (EU) kết thúc.
Anh đã phải đàm phán với Nhật Bản về thỏa thuận này vì Hiệp định Thương mại Tự do Nhật Bản-EU (JEFTA) hiện nay sẽ không có hiệu lực đối với Anh sau khi giai đoạn chuyển tiếp của Brexit kết thúc vào cuối tháng 12/2020.
Sau khi thỏa thuận trên có hiệu lực, Anh sẽ ngay lập tức bỏ thuế nhập khẩu đối với toa tàu điện và phụ tùng ô tô của Nhật Bản, đồng thời giảm dần thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô của Nhật Bản về 0% vào năm 2026, giống như JEFTA.
Về phần mình, Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Anh xuống bằng mức áp dụng với EU theo JEFTA. Tuy nhiên, liên quan tới thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, thỏa thuận này cấm các chính phủ yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ các thuật toán được sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu mã hóa. (BBC)
Đại dịch Covid-19
Số ca nhiễm mới tăng kinh hoàng ở châu Âu
Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm Covid-19 của châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong 10 ngày, lần đầu tiên vượt qua mức 200.000 ca nhiễm mới/ngày vào hôm 22/10. Đến hiện tại, châu Âu chiếm gần 19% tổng số ca nhiễm trên thế giới và khoảng 22% tổng số ca tử vong.
Trước đó, lần đầu tiên châu Âu vượt mức 100.000 ca nhiễm/ngày vào ngày 12-10. Đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 của châu Âu là khoảng 7,8 triệu ca và 247.000 người tử vong. Các nước như Italy, Áo, Croatia, Slovenia và Bosnia cũng có số ca nhiễm mới trong 1 ngày tăng kỷ lục hôm 22-10.
Khu vực châu Âu đang có nhiều ca nhiễm mới hơn Ấn Độ, Brazil và Mỹ cộng lại. Một phần của sự thay đổi này là do các cuộc xét nghiệm được tiến hành nhiều hơn so với làn sóng Covid-19 thứ nhất. (Reuters)
Nga bắt đầu thử nghiệm vaccine thứ 3 phòng Covid-19
Loại vaccine Covid-19 thứ 3 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các chế phẩm sinh học miễn dịch Chumakov có trụ sở tại Novosibirsk phát triển. Kết quả thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ được công bố vào khoảng giữa tháng 12 tới. (Sputnik)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận