Tin thế giới ngày 22/7: Mỹ-Trung ăn miếng trả miếng. Gửi Bắc Kinh thông điệp cứng rắn, "Bộ Tứ" tập trận, Iran-Iraq sát cánh bên nhau
Mỹ-Trung 'ăn miếng trả miếng', Mỹ và 3 quốc gia tập trận ở Ấn Độ-Thái Bình Dương... là các tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Mỹ-Trung Quốc
Căng thẳng quanh việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán, Bắc Kinh nổi giận
Ngày 22/7, trong tuyên bố gửi qua email, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus xác nhận: "Chúng tôi đã yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin riêng tư của người Mỹ".
Trước đó, cùng ngày, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston là "một hành động leo thang chưa từng có" và cảnh báo Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu Mỹ không rút lại quyết định trên.
Các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đã cân nhắc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán để đáp trả hành động của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, trước đó, ngày 21/7, theo hãng tin AFP, phát biểu tại một hội thảo an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác nhận đã có một số cuộc trao đổi với người đồng cấp bên phía Trung Quốc và bày tỏ hy vọng có thể thực hiện chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm.
Ông Esper nêu rõ, một trong những mục tiêu của chuyến thăm này là thiết lập các hệ thống cần thiết để trao đổi trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và củng cố lập trường cạnh tranh cởi mở trong hệ thống quốc tế. (Reuters)
'Tứ giác Kim cương' tập trận chung ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương
Ngày 22/7, hãng tin ABC của Australia đưa tin, 5 tàu chiến của nước này do tàu HMAS Canberra dẫn đầu đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Philippines cùng nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ và một tàu khu trục Nhật Bản trong môt cuộc "tập trận ba bên" để chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn hơn ở Hawaii - Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Hoạt động diễn tập diễn ra cùng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo Mỹ sẽ đẩy mạnh các thách thức đối với các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực.
Trong 2 ngày tới, hải quân 3 nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận khác nhau nhằm nâng cao khả năng tương tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước đó, tại Ấn Độ Dương, Mỹ và Ấn Độ cũng đã tổ chức tập trận chung dưới sự dẫn dắt của hàng không mẫu hạm của Washington, USS Nimitz.
Như vậy, cả 4 nước “Bộ Tứ” (Quad) đã tập trận gần như cùng lúc với nhau trên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng, đây là động thái nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc về các hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo Nikkei Asian Review, các nhà phân tích đang chú ý tới các diễn biến tiếp theo xem liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Australia tham gia vào cuộc tập trận Malabar vào cuối năm hay không. Trên thực tế, Australia từng tham gia cuộc tập trận này vào năm 2007 như một thành viên không chính thức. Vào năm 2018, Ấn Độ đã tạm loại tên Canberra ra khỏi cuộc tập trận nhằm tránh những suy đoán rằng họ đang lập một nhóm quân sự để đối đầu với Trung Quốc.
Một chuyên gia từ tổ chức Rand (Mỹ) nhận định, nếu cả 4 thành viên “Bộ Tứ” cùng thực hiện tập trận với nhau, đây sẽ là biểu tượng thể hiện sự quyết tâm thống nhất nhằm đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (ABC News, Nikkei Asian Review)
Bạn có thể quan tâm:
Anh-Mỹ
Anh thảo luận với Mỹ về thương mại và 5G
Trong khuôn khổ chuyến công du Anh, ngày 21/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Thông báo trên tài khoản Twitter của mình, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ông đã có chuyến thăm mang tính xây dựng với Thủ tướng Boris Johnson.
Theo ông Pompeo, mối quan hệ song phương lâu đời và vững mạnh giữa hai nước đã đặt nền tảng cho cuộc thảo luận thẳng thắn về nhiều vấn đề, từ viễn thông 5G cho đến cuộc thương lượng về một thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Anh.
Tuyên bố chính thức của Phố Downing cho biết, hai bên đã trao đổi về các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh toàn cầu cả hai cùng quan tâm, bao gồm quan hệ với Trung Quốc, Iran và tiến trình hòa bình Trung Đông.
Về tình hình Trung Quốc, Ngoại trưởng Pompeo cho hay, Mỹ ủng hộ các nước chống lại sức ép từ Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh có hành động "bắt nạt" các nước khác, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể xây dựng một liên minh nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc và phối hợp để Bắc Kinh hiểu được cách hành xử của họ không mang lại lợi ích cho chính họ".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đưa ra những yêu sách chủ quyền hàng hải phi lý, đe dọa các nước láng giềng, che giấu thông tin về đại dịch Covid-19. (Reuters)
Trung Đông
Syria: Đảng cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad giành chiến thắng
Ngày 21/7, Ủy ban Bầu cử Syria cho hay, đảng Baath cầm quyền ở nước này và các đảng liên minh đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngày 19/7 vừa qua.
Theo Ủy ban Bầu cử Syria, đảng Baath của đương kim Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh đã giành được 177 ghế trong tổng số 250 ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội thứ 3 tại Syria kể từ khi nội chiến bùng nổ năm 2011.
Người đứng đầu ủy ban trên, ông Samer Zamreeq cho biết, tỷ lệ cử tri đi bầu cử lần này là 33%, giảm sút so với tỷ lệ 57% của năm 2016.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh chính quyền Damascus đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ vốn trước đó rơi vào tay lực lượng phiến quân. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông hiện phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng cùng với việc bùng phát đại dịch Covid-19.
Ủy ban Bầu cử Syria cho biết, hơn 7.400 điểm bầu cử trên cả nước đã mở cửa để cử tri đến bỏ phiếu nhằm bầu ra 250 nghị sĩ Quốc hội. Đây là lần đầu tiên hoạt động bầu cử được tiến hành tại các khu vực Chính phủ giành lại kiểm soát, gồm khu vực Đông Ghouta ngoài thủ đô Damascus và phía Nam tỉnh Idlib .
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), Chính phủ Syria hiện đã kiểm soát 70% đất nước sau khi đánh bật các tay súng tại những khu vực trên.
Dự kiến, cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Syria sẽ diễn ra vào năm 2021 và các ứng cử viên phải được sự chấp thuận bằng văn bản của ít nhất 35 nghị sĩ Quốc hội. (AP)
Iran-Iraq 'sát cánh bên nhau'
Ngày 21/7, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Iran và Iraq mong muốn nâng kim ngạch thương mại song phương lên tới 20 tỷ USD trong tương lai gần.
Tổng thống Rouhani khẳng định, Tehran và Baghdad quyết tâm thực hiện các thỏa thuận đã ký kết trước đó, đặc biệt là tuyến đường sắt kết nối Shalamcheh (Iran) tới thành phố Basra (Iraq). Iran cũng sẵn sàng hợp tác với Iraq vì hòa bình và ổn định của quốc gia và khu vực.
Theo Tổng thống Rouhani, Iran sẽ sát cánh bên nhân dân Iraq trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết về thuốc men và vật tư y tế.
Trong khi đó, Thủ tướng Al-Kadhimi cho rằng, Iran và Iraq cần hợp tác và phối hợp đối phó với nhiều thách thức, như sự lây lan của đại dịch Covid-19 hay sự sụt giảm của giá dầu thô. Theo ông Al-Kadhimi, Iraq đã trở thành một thị trường lớn đối với các sản phẩm của Iran và nước ông sẽ giúp Iran vượt qua những thách thức về kinh tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Al-Kadhimi khẳng định, Baghdad sẽ không cho phép bất kỳ sự gây hấn nào đối với Iran đến từ lãnh thổ Iraq, đồng thời ám chỉ, Iraq không muốn trở thành chiến trường giữa hai "đối thủ" truyền kiếp Iran và Mỹ. (Tasnim, Aljazeera)
Covid-19
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp
Ngày 22/7, Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã thông qua việc kéo dài sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 1 tháng cho tới ngày 31/8. Sắc lệnh này sẽ là một công cụ quan trọng để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi quốc gia sang tình trạng bình thường mới cho đến khi có các luật khác.
CCSA cũng đã thông qua trên nguyên tắc giai đoạn 6 nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với một số nhóm người nước ngoài, nhưng đang chờ những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh từ các bộ liên quan trước khi công bố ngày áp dụng.
Cho tới nay, CCSA đã quyết định 4 nhóm người nước ngoài sẽ được phép vào Thái Lan là người nước ngoài tham gia các hội chợ thương mại ở Thái Lan (sẽ chỉ được phép ở lại cho đến khi hội chợ kết thúc); đoàn làm phim nước ngoài có lịch trình cụ thể để có thể kiểm soát; lao động di cư từ Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar làm việc trong ngành thực phẩm và xây dựng; và khách du lịch y tế.
Tất cả những người nước ngoài sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm Covid-19 trong vòng 3 ngày trước khi lên đường, có bảo hiểm y tế với hạn mức chi trả 100.000 USD, đặt chỗ cách ly tại cơ sở thay thế có đóng phí, tiếp cận một nhân viên liên lạc và sử dụng ứng dụng truy vết dịch bệnh ThaiChana.
Trong khi đó, Chính phủ sẽ cho phép người có thẻ đặc quyền Thái Lan (Thailand Elite Card) nhập cảnh với điều kiện họ phải tham gia cách ly 14 ngày tại một cơ sở cách ly thay thế có đóng phí. (Bangkok Post)
Hong Kong bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm 22/7 với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những khu vực công cộng trong nhà, gồm các khu thương mại và chợ. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần.
Trong khi đó, lệnh đóng cửa 12 loại địa điểm tập trung đông người như phòng tập thể dục và trung tâm giải trí cũng như lệnh cấm ăn uống tại các nhà hàng sau 18h sẽ kéo dài đến ngày 28/7.
Hiện trung tâm tài chính châu Á này đã siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội sau khi số các ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng trở lại và chính quyền cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 3.
Kể từ cuối tháng 1 vừa qua, Hong Kong ghi nhận hơn 2.000 người nhiễm Covid-19, trong đó 14 người tử vong. (Reuters)
Thủ đô Tokyo duy trì mức cảnh báo cao nhất
Thủ đô Tokyo tiếp tục duy trì cảnh báo dịch Covid-19 ở mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 mức độ.
Trong thời gian 1 tuần tính đến ngày 21/7, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 trung bình mỗi ngày tại Tokyo là 232,4 người, tăng 1,4 lần so với tuần trước đó và cao hơn thời điểm Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 4. Số bệnh nhân không rõ nguồn lây nhiễm trung bình mỗi ngày là 122,3 người, tăng 1,6 lần.
Tại cuộc họp báo ngày 22/7 về tình hình dịch bệnh, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo dịch Covid-19 tại Tokyo hiện đã lây sang nhóm đối tượng là những người trung niên, cao tuổi và nguồn lây nhiễm không chỉ dừng lại những người có liên quan đến các cửa hàng ăn uống, dịch vụ giải trí về đêm mà đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác như cơ sở chăm sóc sức khỏe, gia đình, nơi làm việc...
Các chuyên gia nhấn mạnh, về lâu dài, hệ thống y tế của Tokyo có thể rơi vào tình trạng quá tải. Theo thống kê, số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải nhập viện trong tuần gần nhất là 949 người, tăng 1,4 lần so với tuần trước đó. Số lượng bệnh nhân có triệu chứng nặng cũng có dấu hiệu gia tăng với 14 trường hợp, tăng gấp 2 lần.
Ngày 22/7, Tokyo tiếp tục ghi nhận 238 trường hợp nhiễm Covid-19, là ngày thứ hai liên tiếp thành phố thủ đô ghi nhận số bệnh nhân nhiều hơn 200 người và là ngày thứ 14 liên tiếp số bệnh nhân hơn 100 người. (Reuters).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận