menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Tin thế giới ngày 11/9: Trung Quốc trả đũa Mỹ, Nga mong Trung - Ấn hạ nhiệt, Thổ Nhĩ Kỳ lên án tuyên bố EU về Địa Trung Hải

Trung Quốc trả đũa Mỹ, Nga mong Trung – Ấn hạ nhiệt, Thổ Nhĩ Kỳ lên án tuyên bố của EU về Địa Trung Hải là một số tin thế giới đáng chú ý ngày 11/9.

Trung Quốc áp đặt hạn chế với nhân viên của Đại sứ quán Mỹ

Ngày 11/9, Trung Quốc cho biết đã áp đặt các hạn chế với các nhân viên thuộc Đại sứ quán Mỹ và các lãnh sự của nước tại Đại lục và Đặc khu Hành chính Hong Kong, động thái đáp trả các biện pháp của Washington đã thông báo hồi đầu tháng này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu cụ thể các biện pháp đã áp đặt mà chỉ cho biết đó là động thái trả đũa.

Tuần trước, Washington thông báo sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Kinh phải nhận được sự thông qua của Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tới thăm các trường đại học hay tổ chức các sự kiện văn hóa với sự tham gia của hơn 50 người ngoài các khu vực phái bộ.

Cùng ngày, Bắc Kinh đã phủ nhận nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sau khi tập đoàn công nghệ Mỹ Microsoft cho biết họ đã tránh được các vụ tấn công mạng từ các nhóm nước ngoài - kể cả từ Trung Quốc - nhằm vào chiến dịch tranh cử của cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Bầu cử tổng thống Mỹ là vấn đề nội bộ của Mỹ. Chúng tôi không được lợi gì khi can thiệp vào vấn đề này, và chúng tôi sẽ không bao giờ can thiệp vào vấn đề đó”.

Microsoft cảnh báo họ đã phát hiện âm mưu can thiệp bầu cử từ nước ngoài, trong đó có Nga, Iran và “Zirconium” có trụ sở tại Trung Quốc, vốn nhằm vào những người liên quan chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden, ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, phía Trung Quốc né tránh cáo buộc này, đồng thời lên án Microsoft vì đã “bịa đặt” và “gây rối”. (Reuters/AFP)

Nga đánh giá cao nỗ lực giảm căng thẳng của Trung Quốc và Ấn Độ

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 11/9 cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã đưa ra một quyết định sáng suốt về việc "hạ nhiệt" những căng thẳng ở biên giới Himalaya tranh chấp giữa 2 nước này.

Về cáo buộc trước đó cho rằng Nga can thiệp bầu cử nước ngoài, Người Phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ không tìm cách can thiệp vào các quá trình bầu cử của các nước khác trên thế giới cũng như đã không làm vậy trong quá khứ. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Microsoft tiết lộ các tin tặc có liên hệ với Moscow nằm trong số những đối tượng cố gắng do thám các chính trị gia Mỹ, trong đó có những người liên quan tới cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Về Belarus, ông Peskov thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin lên kế hoạch tổ chức “một cuộc họp làm việc” với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko vào ngày 14/9 tới. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo không dự định ký kết văn kiện nào.

Về vụ nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny, ông Peskov cho biết Nga có thể đưa ra những yêu cầu cung cấp thêm thông tin với Đức, nơi ông Navalny đang được điều trị sau khi rơi vào tình trạng nguy kịch và đã được chuyển bằng máy bay từ Siberia hồi tháng trước. Cũng theo ông Peskov, không có cuộc đối thoại nào giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel được sắp xếp liên quan tới vụ việc này.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi Nga phải có nhiều hành động hơn để làm sáng tỏ vụ việc này. Còn người phát ngôn của chính phủ Đức tiết lộ Berlin không nhận được yêu cầu từ Moscow gửi các nhà điều tra tới Đức. (Reuters)

Nhật Bản: Thủ tướng Abe từng lên kế hoạch thay đổi chính sách quân sự

Nhiều tháng trước khi công bố quyết định từ chức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ấp ủ ý định thay đổi chính sách, qua đó có thể lần đầu tiên cho phép quân đội Nhật Bản thực hiện các chiến dịch trên bộ trong lãnh thổ nước khác.

Theo các nguồn tin, Thủ tướng Abe từng chỉ thị cho các nhà hoạch định chính sách quốc phòng cấp cao hồi tháng sáu vừa qua phối hợp với đề xuất của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho quân đội, trong đó bao gồm khả năng thay đổi chính sách để cho phép tấn công trên bộ. Quyền Tổng thư ký đảng LDP - bà Tomomi Inada nói: “Tôi không nghĩ sẽ có phản đối mạnh mẽ ở LDP. Hướng đi này sẽ không thay đổi kể cả trong trường hợp có Thủ tướng mới”.

Nếu được chính phủ mới của Nhật Bản thông qua, chính sách mới sẽ đánh dấu sự thay đổi quan trọng nhất về trạng thái của quân đội Nhật Bản kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Nó cũng phản ánh nỗ lực thúc đẩy lâu nay của Thủ tướng Abe cho quân đội Nhật Bản, cũng như thể hiện quan ngại ngày càng sâu sắc của Tokyo trước ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. (Reuters)

Chuyên gia: Ông Trump có thể dùng vấn đề Triều Tiên để tái cử

Chuyên gia phân tích Jeong Seong-yoon thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ngày 11/9 nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dùng vấn đề Triều Tiên để thúc đẩy các cơ hội tái tranh cử của mình, và Bình Nhưỡng cũng có thể lựa chọn một thỏa thuận với ông Trump trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Khi nêu vấn đề này trong một báo cáo về tương lai mối quan hệ Triều - Mỹ, nhà phân tích Jeong Seong-yoon nói rằng một năm tiếp theo sẽ là giai đoạn then chốt quyết định vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Khi ám chỉ tới Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới, báo cáo có đoạn viết: “Ông Trump có thể lợi dụng vấn đề Triều Tiên để khôi phục những lá phiếu ủng hộ, trong khi Triều Tiên cũng có thể quyết định rằng đi đến một thỏa thuận với ông Trump tốt hơn là với chính quyền Biden. Đó là cơ sở chính đằng sau dự đoán về cái gọi là Điều Ngạc nhiên tháng Mười.”

Cũng theo báo cáo, cùng với cuộc bầu cử Mỹ, dịch bệnh Covid-19 sẽ là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên và các mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. (Yonhap)

Thổ Nhĩ Kỳ lên án tuyên bố chung của các nước EU Địa Trung Hải

Ngày 11/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án một tuyên bố của các nước ở khu vực Địa Trung Hải thuộc Liên minh châu Âu (EU), cho rằng những tuyên bố này không công bằng và “khác xa thực tế” song Ankara sẽ vẫn để ngỏ các cuộc hội đàm vô điều kiện với Hy Lạp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy tuyên bố Hy Lạp cần “ngồi vào bàn đàm phán một cách vô điều kiện với Thổ Nhĩ Kỳ” để đạt được một đối thoại và hợp tác trong khu vực cũng như Athens cần rút các tàu quân sự của nước này khỏi khu vực quanh tàu khảo sát Oruc Reis của Ankara để giảm căng thẳng.

Trước đó một ngày, trong một tuyên bố chung, 6 nước EU ở khu vực Địa Trung Hải cho biết khối này sẽ lập ra một danh sách các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Hy Lạp vào cuối tháng này trừ khi nước này đàm phán để giải quyết tranh cãi với Hy Lạp và Cyprus. (Reuters)

Đức sẵn sàng tiếp nhận trẻ vị thành niên từ trại tị nạn của Hy Lạp

Ngày 11/9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết nước này dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng từ 100-150 trẻ vị thành niên từ trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp.

Phát biểu tại họp báo chung với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritas Shinas, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết ngoài Đức, 9 nước thành viên EU khác cũng đã nhất trí sẵn sàng tiếp nhận khoảng 400 trẻ vị thành niên, trong đó Pháp thông báo cũng tiếp nhận từ 100-150 trẻ. Ông cho biết thêm đàm phán vẫn được tiến hành với các nước thành viên khác về việc hỗ trợ tiếp nhận người tị nạn đang gặp khó khăn do mất nơi ở sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vừa qua tại trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Hiện một số quốc gia như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đã tuyên bố từ chối tiếp nhận người tị nạn.

Trong khi đó về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban EU Margaritas Shinas nhận định vụ hỏa hoạn tại trại tị nạn Moria vừa qua đã đặt ra tính cấp bách cho khối này trong việc cải cách chính sách di cư. Ông nhấn mạnh: "Thảm họa Moria đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và cũng là lời cảnh tỉnh nhắc nhở tất cả chúng ta về những gì cần phải thay đổi ở châu Âu". Ông Shinas cũng xác nhận EC dự kiến sẽ công bố các đề xuất về một hiệp ước mới cho vấn đề di cư và tị nạn vào ngày 30/9 tới. Theo đó, hiệp ước mới sẽ đề ra các biện pháp quản lý đối với toàn bộ tuyến đường di cư, từ các nước xuất phát và quá cảnh đến các nước tiếp nhận trong EU.

Trước đó hôm 10/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí rằng các nước EU sẽ tiếp nhận khoảng 400 trẻ vị thành niên từ trại tị Moria vừa bị hỏa hoạn ở Hy Lạp. Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi các nước thành viên EU cần thể hiện trách nhiệm chung nhiều hơn đối với chính sách di cư. Tình hình tại trại Moria đang rất tồi tệ khi hầu như toàn bộ trại tị nạn đã bị thiêu rụi. Nơi đây được xây dựng tạm cho khoảng 3.000 người, song thực tế có tới trên 12.000 người tị nạn cư trú. Theo giới chức Hy Lạp, nguyên nhân rất có thể do chính người tị nạn ở đây gây ra. (AFP)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại