24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới ngày 10/9: Mỹ-Trung lời qua tiếng lại; Lộ video binh sĩ Ấn-Trung ‘tay bo’ tại biên giới

Mỹ-Trung, Ấn-Trung tiếp tục căng thẳng, Nhật Bản chỉ trích hoạt động trên biển của Trung Quốc, dịch Covid-19 là những tin thế giới nổi bật 24h qua.

Mỹ-Trung Quốc

Mỹ, Trung căng thẳng chuyện đăng bài của đại sứ Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 9/9 cho biết tờ Nhân dân Nhật báo đã từ chối xuất bản một bài báo thể hiện quan điểm của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, trong khi các quan chức Trung Quốc có thể đưa ra quan điểm của nước họ trên truyền thông Mỹ.

Bài viết của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad đề cập tới sự bất cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung, nhấn mạnh việc các công ty, nhà báo, nhà ngoại giao Mỹ bị phân biệt đối xử ở Trung Quốc.

Ông Pompeo cho biết thêm "trong khi các nhà báo Mỹ phải đối mặt với những hạn chế trong việc đưa tin và vào Trung Quốc, các nhân viên truyền thông quốc gia Trung Quốc từ lâu đã được hưởng quyền tiếp cận tự do ở Mỹ”.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 10/9 tuyên bố báo này có quyền quyết định nội dung đăng tải và đưa ra những cải chính cần thiết. Động thái này diễn ra sau khi Nhân dân Nhật báo từ chối xuất bản một bài báo thể hiện quan điểm của Đại sứ Mỹ. (Reuters)

Trung Quốc cáo buộc Mỹ phân biệt đối xử

Ngày 10/9, trong cuộc họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc Mỹ là hành động “vi phạm nhân quyền”, đồng thời nói Bắc Kinh có quyền đưa thêm ra các phản ứng sau khi Washington cho biết đã thu hồi thị thực của hơn 1.000 sinh viên Trung Quốc và các nghiên cứu sinh mà cho rằng có nguy cơ bảo mật.

Trước đó, ngày 9/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã thu hồi thị thực cấp cho trên 1.000 sinh viên và nhà nghiên cứu là công dân Trung Quốc.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ban hành sắc lệnh 10043, dừng cấp thị thực cho sinh viên cao học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng nhiều người trong số này "mưu toan đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và tìm kiếm thông tin hỗ trợ chương trình hiện đại hóa quân đội" của Trung Quốc. Washington cho rằng đây là những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nước này. (THX/Reuters)

Mỹ tiếp tục chỉ trích yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng Bộ trưởng Ngoại giao của 17 nước đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 10 (EAS), diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 9/9. Thông cáo cho biết, Ngoại trưởng Pompeo cùng “một số nước ASEAN và nhiều đối tác khác bày tỏ quan ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông”.

"Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại, Mỹ dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông vào năm 2016, coi các yêu sách hàng hải bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp", thông cáo cho biết thêm.

Trong thông cáo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cũng “nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với các nguyên tắc về sự minh bạch, cởi mở và tôn trọng luật pháp quốc tế”. "Những nguyên tắc này được chia sẻ trong tầm nhìn của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tầm nhìn của nhiều quốc gia thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á", thông cáo nêu rõ. (AP)

Ấn Độ-Trung Quốc

Ấn Độ tố lính Trung Quốc phóng xuồng cao tốc xâm nhập lãnh thổ

Hai chiếc xuồng máy cao tốc ở bờ Tây của hồ Pangong đã được binh sĩ Trung Quốc sử dụng để tiến vào phần lãnh thổ Ấn Độ đang kiểm soát. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị binh sĩ Ấn Độ phát hiện.

Theo các nguồn tin mật, khoảng 40 binh sĩ Trung Quốc nỗ lực băng qua địa điểm Finger 4 ở phía Đông của Ladakh trên 2 thuyền máy vào khoảng 17 giờ (giờ địa phương) ngày 8/9. Phát hiện binh sĩ Trung Quốc, binh sĩ Ấn Độ canh gác tại trạm giám sát ở Finger 3 lập tức báo động.

Trong một diễn biến khác, ngày 9/9, hàng chục xe quân sự Ấn Độ đã được truyền thông khu vực ghi nhận đang di chuyển hướng về phía khu vực Ladakh. Trung Quốc và Ấn Độ những ngày qua liên tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới tranh chấp. (DNA India)

Lộ video binh sĩ Trung-Ấn đánh lộn ở biên giới

Một đoạn video cho thấy cảnh quân đội Trung - Ấn đánh nhau bằng nắm đấm và gậy gộc, dường như ở khu vực biên giới tranh chấp, được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết đoạn video xuất hiện lần đầu tiên trên mạng hôm 8/9 đã được xác thực và nó được quay "cách đây vài tháng". Nguồn tin này cho biết các binh sĩ đã kiềm chế không sử dụng súng.

Đoạn video cho thấy các binh sĩ đụng độ gần một con sông. Đoạn video, có hàng triệu lượt xem, cũng cho thấy những binh sĩ Trung Quốc trang bị gậy gộc và khiên chống bạo động. Một số binh sĩ Ấn Độ mang súng trường trên lưng nhưng không bắn.

Hình ảnh mờ trong đoạn video cho thấy video được quay bằng điện thoại. (SCMP)

Lebanon

Cháy lớn tại cảng Beirut

Còn chưa kịp phục hồi sau vụ nổ kinh hoàng, một nguồn tin quân đội cho biết cháy đã xảy ra tại một kho chứa dầu động cơ và lốp xe, trong khu vực miễn thuế của cảng Beirut. Vụ cháy đá tạo thành một cột khói đen lớn bốc lên bầu trời thủ đô. Nhà chức trách cho biết đám cháy không có nguy cơ gây ra vụ nổ và cũng không có người bị thương. Chỉ có một số người cảm thấy khó thở do khỏi dầy đặc.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ việc. (Reuters)

Biển Hoa Đông

Nhật Bản chỉ trích hoạt động trên biển của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, Trung Quốc đã trở thành 'mối đe dọa an ninh' với Tokyo khi tìm cách quân sự hóa các vùng biển.

Bộ trưởng Kono đề cập 177 vụ “chạm trán” giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong 90 ngày vào mùa Xuân năm nay, khi Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản xuất kích để chặn các máy bay Trung Quốc tới gần không phận Nhật Bản. Hồi tháng 6, một tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện di chuyển gần lãnh hải của Nhật Bản.

Trung Quốc thường xuyên đưa tàu tuần duyên tới gần các đảo không có người ở tại biển Hoa Đông, bất chấp cảnh báo của Nhật Bản. Các hành động quân sự của Trung Quốc xung quanh không phận Nhật Bản buộc Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản phải triển khai máy bay chiến đấu để xua đuổi.

Bộ trưởng Kono cảnh báo nếu không được bảo vệ, Senkaku sẽ bị Trung Quốc quân sự hóa tương tự Biển Đông. (Kyodo News)

Đại dịch Covid-19

Tổng thống Trump thừa nhận hạ độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 nhằm tránh gây hoảng loạn

Tại một cuộc họp báo hôm 9/9 được tổ chức để Tổng thống Trump thông báo danh sách bổ sung các ứng viên tiềm năng của Tòa án Tối cao Mỹ, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Trump rằng liệu ông có thực sự khiến người Mỹ nhầm lẫn về mức độ của đại dịch hay không.

Tổng thống Trump đã trả lời rằng: "Để làm giảm sự hoảng loạn, có lẽ là như vậy".

"Chắc chắn tôi không khiến đất nước này hay thế giới rơi vào sự cuồng loạn. Chúng ta đều không muốn thể hiện sự hoảng loạn", ông Trump nhận định với báo giới.

"Chúng ta phải bình tĩnh. Hoảng loạn, sợ hãi hay kích động là những điều cuối cùng mới nghĩ tới. Chúng ta phải xem xét tình huống chúng ta trải qua". (CNN)

Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công trực tiếp não người

Một nghiên cứu công bố ngày 9/9 do nhà nghiên cứu miễn dịch Akiko Iwasaki của đại học Yale (Mỹ) dẫn đầu đã đặt ra giả thuyết rằng các triệu chứng như đau đầu, lú lẫn và mê sảng ở một số bệnh nhân Covid-19 có thể do virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào não người bệnh.

Nghiên cứu này vẫn còn ở giai đoạn sơ bộ nhưng được cho là đã cung cấp một số bằng chứng nhất định cho những phỏng đoán trước đó về việc virus corona có thể tấn công não người. Các kết quả chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 có thể nhân lên trong não người và sự xuất hiện của những virus này có thể khiến các tế bào não trở nên thiếu dưỡng khí.

Tuy nhiên, các bác sĩ hiện vẫn tin rằng các tác động thần kinh ở các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có thể do kết quả của một phản ứng miễn dịch có tên là cơn bão cytokine. Hội chứng này có thể gây viêm não chứ không phải là do virus corona trực tiếp tấn công não.

Nhà nghiên cứu Iwasaki và các cộng sự đã quyết định tiếp cận nhận định trên theo các hướng khác nhau và thu được kết quả rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm các tế bào thần kinh, sau đó chiếm quyền điều khiển tế bào thần kinh để tạo ra các bản sao của chính nó. (AFP)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả