menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Như Hoa

Tin thế giới ngày 1/9: Philippines nói không phải là "nước chư hầu"; thuyết âm mưu của ông Trump; căng thẳng Ấn-Trung cực kỳ nghiêm trọng

Philippines 'ngược' Mỹ, ông Trump tung thuyết âm mưu về đối thủ, căng thẳng Trung-Ấn, vaccine Covid-19 là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Philippines khẳng định không ngừng hợp tác với các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

Ngày 1/9, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết, Tổng thống Duterte sẽ không tạm dừng thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến các công ty, doanh nghiệp Trung Quốc đã bị phía Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt liên quan đến hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Ông Harry Roque khẳng định, Philippines không phải là "nước chư hầu" của quốc gia nào và sẽ đưa ra quyết định của riêng của Philippines để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Thông điệp trên được đưa ra trong bối cảnh ông Duterte hiện đang phải "chạy đua với thời gian" để có những bước tiến trong kế hoạch cải tổ cơ sở hạ tầng trị giá tới 180 tỷ USD của Philippines.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã kiến nghị chính phủ Philippines nên chấm dứt các thỏa thuận với những công ty hoặc cá nhân bị phía Mỹ trừng phạt nói trên. (Reuters)

Bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump tung 'thuyết âm mưu' về ông Biden

Ngày 31/8, trong cuộc trả lời phỏng vấn với người dẫn chương trình Laura Ingraham của đài Fox News, Tổng thống Trump nhận định, ông Biden đang không kiểm soát bất cứ thứ gì và có 'những người ở trong bóng tối' làm điều đó.

Cho rằng câu trả lời của ông Trump nghe giống “một thuyết âm mưu”, người dẫn chương trình đề nghị Tổng thống Mỹ đương nhiệm giải thích về khái niệm “trong bóng tối”, ông chủ Nhà Trắng nói: “Đó là những người mà bạn chưa bao giờ nghe tới".

Bên cạnh đó, ông Trump cũng cáo buộc có nhiều người đã lên kế hoạch “phá hoại nghiêm trọng” Đại hội Quốc gia đảng Cộng hòa hồi tuần trước. Khi được hỏi ai trả tiền cho những người mà ông chủ Nhà Trắng gọi là thành phần bất hảo, Tổng thống Trump nói rằng: “Khoản tiền đó đến từ những người giàu có kém thông minh mà không biết việc họ làm có thành công hay không”. (Politico)

Mỹ-Trung Quốc

Mỹ cân nhắc hạn chế sinh viên Trung Quốc, Bắc Kinh lên tiếng

Ngày 31/8, khi được hỏi về nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc hạn chế thị thực với các sinh viên và công dân Trung Quốc cũng như các vị trí nghiên cứu học thuật tại Mỹ sau khi nhiều người bị phát hiện làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết:

“Không phải tất cả sinh viên Trung Quốc ở đây đều làm việc cho, hoặc làm việc theo sự chỉ đạo của Trung Quốc, nhưng đây là điều Tổng thống Trump đang nghiêm túc xem xét. Tôi nghĩ các bạn sẽ được thấy thêm các biện pháp mới trong những tuần và những tháng sắp tới”.

Trong khi đó, cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Mỹ xâm phạm quyền hợp pháp của sinh viên Trung Quốc, đồng thời làm xấu đi quan hệ hợp tác về giáo dục - văn hóa giữa hai nước.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm, dừng biện minh cho hành động của họ, chấm dứt sự phân biệt đối xử với sinh viên Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc”, ông Triệu nhấn mạnh. (The Hill, Global Times, SCMP)

Mỹ muốn nâng tầm nhóm Quad thành NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ngày 31/8, trong một cuộc hội thảo trực tuyến bên lề Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ thường niên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho hay, Washington muốn chính thức hóa, nâng tầm quan hệ quốc phòng thân cận với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia (nhóm Quad), thành liên minh quân sự tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Biegun cho hay: "Chính phủ Mỹ muốn làm cầu nối để nhóm Quad và những quốc gia khác trong khu vực làm việc cùng nhau để trở thành lá chắn chống lại "thách thức tiềm tàng đến từ Trung Quốc", cũng như để tạo ra một khối dựa trên giá trị và lợi ích chung của các nước tham gia theo hướng thu hút thêm các nước khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thậm chí là trên toàn thế giới…

"Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các tổ chức đa phương mạnh mẽ. Họ không có bất cứ cấu trúc mạnh mẽ nào như NATO hay khối Liên minh châu Âu (EU)…Hãy nhớ rằng ngay cả NATO cũng từng khởi đầu với những kỳ vọng khá khiêm tốn và nhiều quốc gia ban đầu cũng từng chọn lập trường trung lập khi được mời tham gia tổ chức này", ông Biegun nói thêm.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý, việc nâng tầm một tổ chức như vậy "sẽ chỉ xảy ra nếu những quốc gia khác cũng có mức độ cam kết như Mỹ". (Japan Times)

Ấn Độ-Trung Quốc

Trung Quốc tố ngược Ấn Độ, tình hình thực tế nghiêm trọng hơn nhiều so với báo cáo

Người phát ngôn của quân đội Trung Quốc Trương Thủy Lợi tố các binh sĩ Ấn Độ vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực biên giới ngày 31/8, vi phạm sự đồng thuận đạt được sau các cuộc đàm phán ở nhiều cấp giữa hai nước và cố tình khiêu khích.

Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Động thái của phía Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở biên giới Trung-Ấn. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các hành động này và hối thúc Ấn Độ ngay lập tức rút những binh sĩ đã vượt qua đường LAC trái phép".

Trước đó, cùng ngày, Ấn Độ cho biết, binh sĩ nước này đã ngăn chặn Trung Quốc tiến hành hàng loạt các hoạt động quân sự gần biên giới tranh chấp ở khu vực Ladakh cuối tuần qua hòng thay đổi hiện trạng ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước. Vụ việc này xảy ra vài tháng sau vụ đụng độ gây thương vong nghiêm trọng nhất suốt 50 năm nay.

Một số chuyên gia Ấn Độ cho rằng, tình hình nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì đã được báo cáo.

Theo các chuyên gia, căng thẳng có vẻ sẽ bùng phát trở lại giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân đông dân nhất thế giới. Cả Bắc Kinh và New Delhi đều không thể hiện sự sẵn sàng rút lui sau cuộc đụng độ biên giới vào tháng 6.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, các chỉ huy quân sự địa phương của hai nước đã gặp nhau dọc theo biên giới tranh chấp trong ngày 31/8 để giải quyết các vấn đề liên quan. (New York Times, TTXVN)

Vấn đề Đài Loan

Bắc Kinh cảnh cáo Prague 'trả giá đắt', Czech triệu ngay Đại sứ Trung Quốc

Theo một thông cáo ngày 31/8 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị tuyên bố, Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil "phải trả giá đắt cho hành vi và đầu cơ chính trị thiển cận của mình" vì vi phạm nguyên tắc "Một Trung Quốc" khi thực hiện một chuyến thăm chính thức tới hòn đảo Đài Loan.

Ngay sau đó, theo hãng thông tấn Czech, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Martin Tlapa đã triệu Đại sứ Trung Quốc Chang Jianmin theo lệnh của Ngoại trưởng Tomas Petricek và thể hiện sự không đồng tình với tuyên bố của ông Vương Nghị.

Bộ Ngoại giao Czech nhấn mạnh, tuyên bố của ông Vương Nghị không phù hợp với các tiêu chuẩn giao tiếp ngoại giao giữa hai quốc gia có chủ quyền: "Theo Bộ Ngoại giao, quan hệ Czech-Trung Quốc nên tập trung vào một chương trình nghị sự tích cực và thiết thực trong tương lai".

Viết trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Petricek cho biết: "Tôi không muốn đợi cho đến khi trở về từ Slovenia, vì vậy Đại sứ Trung Quốc đã được triệu tập. Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là quá giới hạn, những lời lẽ như vậy không thuộc về quan hệ giữa hai nước có chủ quyền. Tôi yêu cầu họ giải thích và kêu gọi người Trung Quốc hạn chế những cảm xúc không thuộc về ngoại giao". (CTK)

Địa Trung Hải

Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hoạt động của tàu thăm dò, để ngỏ khả năng đối thoại với Hy Lạp

Ngày 31/8, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, tàu khảo sát Oruc Reis của nước này sẽ tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải tới ngày 12/9, một động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.

Trước đó, theo kế hoạch tàu này sẽ hoạt động tới ngày 1/9. Hoạt động thăm dò địa chấn là một phần công tác chuẩn bị cho khả năng thăm dò hydrocarbon. Thổ Nhĩ Kỳ đã thăm dò các nguồn hydrocarbon tại Biển Đen và phát hiện ra mỏ khí trữ lượng 320 tỷ m³.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho hay, sẽ tiến hành diễn tập quân sự ở ngoài khơi khu vực phía Tây Bắc Cyprus cho tới ngày 11/9.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara để ngỏ đối thoại với Hy Lạp nhằm giải quyết những bất đồng về các lợi ích và nguồn tài nguyên ở Địa Trung Hải miễn là Athens cũng đồng ý.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cũng cho hay, Hy Lạp đang cố chọc tức Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách thể hiện một thái độ thù địch. (Reuters)

Covid-19

Indonesia có thể tiêm vaccine Covid-19 đại trà vào tháng 1 tới

Ngày 31/8, Tổng thống Joko Widodo đã công bố mốc thời gian mới cho kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 đại trà và cho biết, hàng triệu công dân nước này có thể được tiêm vaccine vào tháng 1/2021. Trước đó, Chính phủ Indonesia cho hay, kế hoạch trên có thể sẽ được triển khai sớm nhất vào tháng 2 năm tới.

Phát biểu trước lãnh đạo các cơ quan báo chí quốc gia, Tổng thống Jokowi tiết lộ, Indonesia đã nhận được cam kết từ Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về việc cung cấp 30 triệu liều vaccine Covid-19 trong đợt đầu vào tháng 11 tới.

Theo ông Jokowi, tổng cộng 170 triệu người Indonesia sẽ được tiêm phòng vaccine Covid-19. Với hai liều cho mỗi người, tổng nhu cầu vaccine của cả nước là 340 triệu liều.

Loại vaccine này do Sinovac Biotech - công ty của Trung Quốc có thỏa thuận sản xuất chung với hãng dược phẩm nhà nước Bio Farma của Indonesia - phát triển và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, với sự tham gia của hơn 1.600 tình nguyện viên. Bên cạnh đó, một loại vaccine khác do công ty G42 do UAE phát triển với sự hợp tác của hãng Sinopharm của Trung Quốc.

Theo Tổng thống Jokowi, Chính phủ Indonesia sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và UAE để hãng Bio Farma sản xuất vaccine ở trong nước với sản lượng mục tiêu là 290 triệu liều.

Nhà lãnh đạo này cũng cho hay, chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đại trà sẽ mất khoảng một năm để hoàn tất và sẽ do Chính phủ tài trợ. Chương trình này sẽ được triển khai tại các trung tâm y tế và bệnh viện công trên cả nước. Tuy nhiên, những người muốn tiêm vaccine sớm hơn lịch trình sẽ phải trả tiền.

Ngoài vaccine nhập khẩu, Indonesia cũng đang phát triển một loại vaccine riêng có tên Merah Putih (đỏ và trắng - màu quốc kỳ của Indonesia). Dự án này thu hút nhiều cơ quan tham gia như Viện Sinh học phân tử Eijkman, Bộ Nghiên cứu và Công nghệ, Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ, và Viện Khoa học Indonesia (LIPI). (Jakarta Globe)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả