Tin thế giới 9/10: Tình hình sức khỏe của ông Trump, Nga không ngại "chơi lớn" với bất kỳ ai, Triều Tiên sẽ ra mắt tên lửa mới?
Ông Trump chưa phục hồi hoàn toàn, Nga sẵn sàng 'đấu tay đôi' nếu bị trừng phạt, vấn đề Biển Đông... là những tin thế giới nổi bật 24h qua.
Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump có thể tham gia các hoạt động công khai từ ngày 10/10
Ngày 8/10, bác sĩ của Nhà Trắng, ông Sean Conley thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có thể nối lại 'các cuộc giao thiệp công khai' từ ngày 10/10, nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã phản ứng 'cực kỳ tốt' đối với việc điều trị Covid-19.
Mặc dù có thông tin tích cực về việc điều trị Covid-19 của người đứng đầu Nhà Trắng như trên, tuy nhiên, theo Sputnik đưa tin, ngày 8/10, đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông báo, ông Trump đã đồng ý lùi 2 cuộc tranh luận còn lại với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tới ngày 22 và 29/10.
Trước đó, thông tin trên tờ Al Jazeera cho biết, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ứng viên Tổng thống Joe Biden cho biết đã phản hồi lại đề xuất của đội ngũ tranh cử của ông Trump về việc dời cuộc tranh luận tiếp theo vào ngày 22/10 thay vì ngày 15/10 như kế hoạch ban đầu. (AFP/Sputnik)
Ông Trump vẫn ho khi phỏng vấn
Tối 8/10, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện cuộc phỏng vấn qua điện thoại kéo dài 30 phút với người dẫn chương trình Sean Hannity của kênh Fox News. Cuộc phỏng vấn diễn ra gần 1 tuần sau khi ông Trump thông báo mắc Covid-19.
Sau vài phút phỏng vấn, khi trao đổi về các cuộc tranh luận tổng thống, ông Trump bắt đầu nói giọng khàn và phải hắng giọng. Sau vài giây im lặng, Tổng thống nói “xin lỗi” và tiếp tục nói.
Sau khi trả lời phỏng vấn khoảng 19 phút, trong lúc đang chỉ trích hình thức bỏ phiếu qua thư, ông Trump tiếp tục hắng giọng và ho. Ông chủ Nhà Trắng sau đó vẫn trao đổi tiếp qua điện thoại.
Trong 30 phút phỏng vấn, ông Trump được nghe thấy ho 2 lần, trong đó 1 lần dường như ông đã tắt tiếng điện thoại. (Daily Mail)
Chuyên gia lý giải việc ông Trump phục hồi ‘thần tốc’
Bác sĩ Anthony Fauci , chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ và cũng là thành viên ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của chính phủ Mỹ, nhận định, liệu pháp kháng thể của Regeneron có thể đã giúp Tổng thống Donald Trump phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Fauci cũng phản bác bình luận của ông Trump khẳng định liệu pháp kháng thể đó hiện giờ có thể coi là phương pháp điều trị hiệu quả Covid-19. Ông cho rằng, chỉ riêng trường hợp của Tổng thống Trump không đủ để chứng minh điều đó.
Ông Fauci cảnh báo, tình huống đảo ngược vẫn có thể xảy ra nghĩa là tình trạng sức khỏe của ông Trump có thể xấu đi so với hiện tại. “Các bạn có thể thấy Tổng thống trông có vẻ khỏe mạnh. Nhưng một trong những vấn đề mà chúng ta phải nhận thức được là khi mắc Covid-19, bạn trông có vẻ khỏe hơn nhưng sau 5 đến 8 ngày, tình hình có thể đảo chiều. Đảo chiều nghĩa là bạn sẽ lại cảm thấy không ổn. Điều này không chắc chắn xảy ra nhưng cũng cần lưu tâm”, ông Fauci nói. (Forbes)
Vấn đề Biển Đông
Canada hối thúc NATO theo dõi Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan đã tham dự hội nghị trực tuyến do Diễn đàn GLOBSEC có trụ sở ở Slovakia tổ chức. Bộ trưởng Sajjan cho rằng NATO cần “theo dõi” các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, vì những hành động này đang “gây quan ngại một cách rõ ràng”.
Ông Sajjan cũng cáo buộc Trung Quốc thực hiện “ngoại giao con tin” khi bắt giữ 2 công dân Canada để trả đũa vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu ở Vancouver năm 2018.
Theo ông Sajjan, các hành động trên đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về “tham vọng thực sự” của Trung Quốc.
“Đây là những điều mà chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi và chúng ta cần theo dõi trong phạm vi NATO”, Bộ trưởng Canada nhấn mạnh. (Hindustan Times)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Nga kêu gọi hòa giải, Armenia, Azerbaijan đồng ý dự hòa đàm
Ngày 9/10, Nga cho biết Armenia và Azerbaijan đã đồng ý nhóm họp ở Moscow để đàm phán về việc chấm dứt giao tranh ở Nagorny-Karabakh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Baku và Yerevan đã xác nhận tham gia đàm phán ở Moscow". Bà cho biết thêm, “các công tác chuẩn bị tích cực đang được tiến hành, theo đó cuộc đàm phán được dự kiến diễn ra vào cuối ngày 9/10 và có sự tham gia của ngoại trưởng hai nước".
Lời kêu gọi trên được Tổng thống Putin đưa ra sau khi cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia diễn ra trong gần hai tuần qua mà dường như không có hồi kết. (AFP)
Tình hình Belarus
Bulgaria, CH. Czech và Slovakia triệu hồi đại sứ tại Minsk
Ngày 8/10, Bulgaria, CH. Czech và Slovakia thông báo triệu hồi đại sứ các nước này ở Belarus, trước tình hình Belarus vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
Trong thông báo mới trên trang Twitter, Ngoại trưởng Slovakia Ivan Korcok cho biết, đã triệu đại sứ tại Belarus về nước để tham vấn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CH. Czech Zuzana Stichova cũng xác nhận đại sứ nước này tại Belarus sẽ trở về nước để tham vấn trong khoảng 1 tuần. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Bulgaria thông báo Đại sứ tại Minsk đã được yêu cầu sớm trở về nước.
Động thái trên đưa ra một ngày sau khi Estonia và Latvia cho biết sẽ triệu hồi các đại sứ tại Belarus. Lítva và Ba Lan cũng có động thái tương tự hồi đầu tuần, sau khi Belarus triệu hồi đại sứ tại các quốc gia này. (DW)
Bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên chuẩn bị duyệt binh lớn nhất lịch sử
Trang mạng 38 North chuyên theo dõi hoạt động của Triều Tiên ngày 9/10 cho biết, những hình ảnh vệ tinh cho thấy, cuộc duyệt binh của Triều Tiên sẽ có sự góp mặt của hàng nghìn binh sĩ, dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un.
Cuộc duyệt binh phô diễn năng lực quân sự của Triều Tiên sẽ có sự tham gia của các loại xe tăng và xe bọc thép, đặc biệt là sự xuất hiện của loại vũ khí mới được cho là tên lửa tầm xa có khả năng chạm tới đất Mỹ.
Các nguồn tin quân đội Hàn Quốc hôm 9/10 cũng cho biết, Triều Tiên đã có dấu hiệu chuẩn bị trình làng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới trong cuộc duyệt binh dự kiến diễn ra vào ngày 10/10 để kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động nước này.
Hiện, phía Seoul và Washington đang phối hợp theo dõi chặt chẽ các diễn biến mới của Bình Nhưỡng liên quan đến cuộc duyệt binh này. (38 North)
Biểu tình ở Kyrgyzstan
Tổng thống Kyrgyzstan sẵn sàng từ chức
Ngày 9/10, Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov tuyên bố ông sẵn sàng từ chức khi Nội các mới được bổ nhiệm, nhằm chấm dứt khoảng trống quyền lực ở quốc gia Trung Á đang rơi vào bất ổn này.
Trong tuyên bố, Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov nêu rõ, ông sẽ rời khỏi cương vị này, sau khi đã ấn định được ngày bầu cử, ổn định trật tự đất nước, bổ nhiệm hợp pháp những người đứng đầu các cơ quan điều hành đất nước.
Ông nhấn mạnh, cần phải sớm lập lại trật tự tại Kyrgyzstan và việc thực thi luật pháp phải đảm bảo giúp các nghị sĩ có thể tổ chức phiên họp. (THX)
Thủ tướng Kyrgyzstan từ chức
Trong một tuyên bố, văn phòng Tổng thống Kyrgyzstan thông báo Tổng thống Sooronbai Jeenbekov ngày 9/10 đã phê chuẩn đơn xin từ chức của Thủ tướng Kubatbek Boronov và ký lệnh cách chức nội các nước này.
Các nghị sĩ Kyrgyzstan cho biết, Thủ tướng Boronov có ý định từ chức sau khi các nhóm đối lập ngày 6/10 chiếm đóng các tòa nhà chính phủ trong một động thái nhằm hưởng ứng các cuộc biểu tình liên quan tới cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi vốn đã bị hủy bỏ kết quả. (Reuters)
Vụ đầu độc Navalny
Nga sẵn sàng 'đấu tay đôi' với Đức và Pháp nếu bị áp đặt trừng phạt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga sẵn sàng đưa ra phản ứng tương xứng nếu Đức và Pháp áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến vụ đầu độc Navalny.
Bà Zakharova nói: “Các biện pháp trừng phạt, hạn chế, danh sách ngăn chặn trong quan hệ quốc tế luôn dẫn đến các biện pháp đáp trả qua lại".
Bên cạnh đó, bà Zakharova cũng lưu ý rằng, không có bằng chứng rõ ràng nào được đưa ra về vụ ông Navalny, các cáo buộc phải được căn cứ trên sự thật. Theo nhà ngoại giao này, phương Tây không quan tâm đến bản chất của vấn đề mà chỉ lấy đó làm cái cớ để áp đặt các lệnh trừng phạt.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: "Đồng hồ sinh học của phương Tây khiến họ khao khát (áp đặt) các biện pháp trừng phạt mới đối với đất nước chúng ta; họ cần một cái cớ, một động cơ, một câu chuyện nào đó". (TASS)
Vaccine Covid-19
Nga hé lộ giá vaccine Covid-19, sẽ rẻ hơn vaccine của phương Tây
Igor Artemyev, người đứng đầu Cơ quan Chống độc quyền Liên bang Nga (FAS), cho biết vaccine Covid-19 của Nga sẽ có giá thấp hơn 1.000 Ruble (khoảng 13 USD). Mặc dù đây là mức giá thấp theo tiêu chuẩn của phương Tây, song FAS cho rằng, mức giá hiện tại của vaccine Nga vẫn cao.
“Chúng tôi hiểu rằng, giá (vaccine Nga) hiện vẫn khá cao. Vaccine mới được sản xuất theo từng lô tương đối nhỏ và họ cần vốn để mở rộng sản xuất”, lãnh đạo FAS cho biết.
Giá vaccine Covid-19 của Nga được cho là rẻ hơn các nước phương Tây. Hồi tháng 8, Moderna, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mỹ, cho biết vaccine của công ty này sẽ có giá từ 32-37 USD/liều. Trong khi đó, giá vaccine Covid-19 của tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer có giá khoảng 20 USD. (RT)
Tổ chức thương mại thế giới (WTO)
WTO sẽ có nữ Tổng Giám đốc đầu tiên
Người phát ngôn WTO thông báo, cơ quan này sẽ có nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử 25 năm thành lập.
Ngày 8/10, đại diện WTO có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ) cho biết, hiện còn 2 nữ ứng cử viên đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc chạy đua trở thành tân Tổng Giám đốc WTO vào cuối năm nay, gồm bà Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria) và bà Yoo Myung-hee (Hàn Quốc).
Ứng viên Okonjo-Iweala của Nigeria là nữ Bộ trưởng Tài chính và cũng là nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước này, bà từng là giám đốc nhiều chương trình của Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch GAVI - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.
Còn bà Yoo Myung-hee là nữ Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của Hàn Quốc, từng là quan chức đặc trách hồ sơ Tổ chức Thương mại Thế giới ở Bộ Thương mại Hàn Quốc hồi năm 1995 và là người chỉ đạo các cuộc thương thuyết về các thỏa thuận thương mại tự do, nhất là với Trung Quốc. Bà là Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc giai đoạn 2007-2010. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận