Tin thế giới 7/12: Ông Trump định "chơi quả chốt" kịch tính; Truyền thông Trung Quốc khiêu khích Australia; Nhật Bản chinh phục châu Phi
Ông Trump tính toán kế hoạch mới, Trung Quốc tiếp tục khiêu khích Australia, Anh dọa rút khỏi đàm phán Brexit là một số tin thế giới nổi bật.
Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump lên kế hoạch kịch tính vào ngày rời Nhà Trắng
Trang tin Axios dẫn nguồn thạo tin ngày 6/12 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc rời Nhà Trắng vào ngày 20/1, ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông và cũng là ngày Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, theo một cách đầy kịch tính.
Theo đó, ông dự định sẽ rời Nhà Trắng bằng trực thăng Marine One và chuyên cơ Không Lực Một để đến Florida, phát biểu trước những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở sân bay. Tại buổi phát biểu này, ông Trump có thể tuyên bố kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024.
Hiện chiến dịch của ông Trump từ chối bình luận về các thông tin trên. (Fox News)
Giới chức Georgia "cãi lời" ông Trump
Ngày 6/12, Thống đốc bang Georgia Brian Kemp và Tổng thống Donald Trump có cuộc nói chuyện qua điện thoại, trong đó ông chủ Nhà Trắng đề nghị lãnh đạo bang này lập tức triệu tập một cuộc họp để thuyết phục các nhà lập pháp ở Georgia lật ngược chiến thắng của ông Joe Biden.
"Tôi đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, tôi đã vận động cho ông ấy và rất tiếc là ông ấy không chiến thắng ở bang Georgia. Vì vậy, vào ngày 20/1, ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46. Hiến pháp vẫn được thực thi. Đây vẫn là nước Mỹ", Phó Thống đốc Georgia khẳng định
Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger cũng cho biết, ông không tin rằng sẽ diễn ra cuộc họp đặc biệt của cơ quan lập pháp bang để đảo ngược kết quả bầu cử bởi Georgia "chưa bao giờ phát hiện ra sự gian lận mang tính hệ thống đủ để đảo ngược kết quả bầu cử" tại bang này.(The Hill, Guardian)
Mỹ-Trung Quốc
Trung Quốc dọa phản đòn nếu Mỹ "kiên quyết đi con đường sai lầm"
Ngày 7/12, sau khi truyền thông đưa tin Mỹ chuẩn bị trừng phạt loạt quan chức Trung Quốc liên quan tới Hong Kong, Bắc Kinh tuyên bố kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường sai lầm, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đáp trả kiên quyết để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình. (Reuters)
Tình hình Iran
Anh, Pháp, Đức lên án tuyên bố của Iran về làm giàu uranium
Ngày 7/12, Pháp, Anh và Đức ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tuyên bố của Iran rằng, nước này có kế hoạch lắp đặt hàng trăm máy ly tâm tiên tiến để làm giàu uranium tại nhà máy dưới lòng đất và luật quốc hội có thể mở rộng chương trình hạt nhân của nước này.
Trong một tuyên bố chung, 3 cường quốc châu Âu nói trên nhấn mạnh: "Nếu Iran nghiêm túc về việc bảo vệ không gian ngoại giao, Tehran phải không được thực hiện các bước như thế".
Theo tài liệu mật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran có kế hoạch lắp đặt thêm ba cụm máy ly tâm IR-2m tiên tiến tại nhà máy hạt nhân Natanz dưới lòng đất, vốn được xây dựng để chống chịu được các cuộc không kích.
Trong bức thư đề ngày 2/12, Iran đã thông báo tới IAEA rằng đơn vị điều hành Nhà máy làm giàu nhiên liệu (FEP) tại Natanz dự định lắp đặt ba cụm máy ly tâm IR-2m tại đây. Động thái này được cho là sẽ làm gia tăng áp lực đối với Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Joe Biden. (Reuters)
Trung Quốc-Australia
Sau quan chức, đến báo Trung Quốc đăng ảnh châm thêm căng thẳng với Australia
Ngày 6/12, Thời báo Hoàn cầu, kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, đăng một bức tranh biếm họa có hình một con chuột túi đứng trong bóng của một con đại bàng với lời bình luận: "Rõ ràng là Australia đã trở thành con tốt trong chính sách khu vực của Mỹ những năm gần đây, đặc biệt là trong thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump nắm quyền".
Theo News.com.au, con chuột túi trong bức tranh ám chỉ Australia trong khi con đại bàng là biểu tượng của nước Mỹ. Động thái của truyền thông Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Canberra đang gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực thương mại và ngoại giao trong nhiều tháng qua.
Đi kèm bức tranh biếm họa là bài viết mà Thời báo Hoàn cầu chỉ trích Australia.
Tuần trước, Australia đã chỉ trích phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vì đăng tải một bức ảnh bị chỉnh sửa lên mạng xã hội, trong đó có hình ảnh một quân nhân Australia kề dao vào cổ một đứa bé người Afghanistan. (News.com.au)
Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt bò Australia
Ngày 7/12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng thông báo chính thức trên trang web riêng cho hay, nước này ngừng tiếp nhận đơn và đăng ký xuất khẩu thịt bò từ Meramist Pty Ltd từ ngày 7/12.
Tuy nhiên, thông báo không nêu lý do đình chỉ hoạt động thương mại này. (Reuters)
Nga-NATO
Nga tăng quân, đối phó NATO tăng cường lực lượng ở gần biên giới
Ngày 7/12, Tư lệnh Hạm đội Baltic, Đô đốc Alexander Nosatov cho biết, Nga sẽ tăng cường thêm một sư đoàn bộ binh cơ giới cho Hạm đội Baltic để đối phó với việc NATO tăng cường các lực lượng gần biên giới Nga ở khu vực cực Tây Kaliningrad.
Trước đó, một vài tiểu đoàn thiết giáp, tiểu đoàn chiến thuật đa quốc gia và các đơn vị tấn công khác của lực lượng NATO đã đến gần biên giới đất liền vùng lãnh thổ cực Tây Kaliningrad của Nga. (TASS)
Đông Địa Trung Hải
Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm "thể thức cùng thắng" trong tranh chấp khí đốt với Hy Lạp
Ngày 7/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, có thể tìm thấy "thể thức cùng thắng" trong tranh chấp với Hy Lạp liên quan các nguồn tài nguyên dưới biển, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc trừng phạt Ankara trước thềm một hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi tất cả các nước láng giềng ở Địa Trung Hải, đặc biệt là Hy Lạp không xem vấn đề này là cuộc chơi được-mất. Tôi tin rằng có thể tìm ra một thể thức cùng thắng tôn trọng quyền của mọi người".
Ông một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi các bên tham gia đàm phán, trong đó có cả cộng hòa ly khai ở miền Bắc Cyprus vốn chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.
Tuy nhiên, Hy Lạp hiện vẫn kiên định quan điểm rằng Thổ Nhĩ Kỳ - ứng viên gia nhập EU - phải dừng hoạt động thăm dò trước khi có thể bắt đầu thương lượng. (AFP)
Nhật Bản-châu Phi
Nhật Bản cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Phi
Truyền thông Nhật Bản đưa tin, Ngoại trưởng nước này Motegi Toshimitsu sẽ bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Phi gồm Tunisia, Mozambique, Nam Phi và Mauritius từ ngày 8/12 nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn và khẳng định sự ủng hộ ý tưởng về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại khu vực mà Trung Quốc đã thiết lập vị thế vững chắc.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsu đến châu Phi kể từ khi nhậm chức vào tháng 9/2019. (Nikkei Asia)
Bầu cử Quốc hội Venezuela
Liên minh cầm quyền của Tổng thống Maduro thắng lớn
Rạng sáng ngày 7/12 theo giờ địa phương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE) thông báo, Khối Yêu nước Vĩ đại - liên minh các đảng cánh tả do đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền đứng đầu - đã giành được 67,6% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 6/12.
Chủ tịch CNE Indira Alfonzo cho biết, có khoảng 5,2 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, tương đương 31% tổng số cử tri đủ tư cách bầu cử, trong đó Khối Yêu nước Vĩ đại nhận được hơn 3,5 triệu phiếu bầu và liên minh đối lập nhận được 944.665 phiếu. Kết quả trên không thể thay đổi vì 82,35% số phiếu bầu đã được kiểm. (Anadolu)
Brexit
Thủ tướng Anh dọa sẵn sàng rút khỏi đàm phán Brexit
Ngày 7/12, theo tờ The Sun, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra quan điểm với EU rằng, ông "sẽ không thay đổi, cam kết duy trì quan điểm của mình trước các yêu cầu Brexit phút chót từ Pháp".
Tờ The Sun nêu rõ: "Văn phòng của ông Johnson cho biết, Thủ tướng sẽ kết thúc đàm phán nếu EU không chịu lay chuyển trước những yêu cầu 'thái quá' của họ".
Trong một diễn biến khác, một quan chức ngoại giao EU cho hay, vẫn chưa thể biết liệu hai bên sẽ đạt được thỏa thuận trước thời hạn 31/12.
Cũng theo quan chức trên, cuộc bỏ phiếu về dự luật thị trường nội địa và dự luật tài chính vào ngày 10/12 sẽ tác động xấu đến các cuộc đàm phán giữa hai bên. (Reuters)
Vũ khí
Mỹ, Trung Quốc thống lĩnh thị trường vũ khí toàn cầu năm 2019
Ngày 7/12, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo cho thấy, các công ty Mỹ và Trung Quốc đã thống lĩnh thị trường vũ khí toàn cầu năm 2019, trong khi khu vực Trung Đông lần đầu tiên có mặt trong danh sách 25 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.
Theo SIPRI, ngành công nghiệp vũ khí Mỹ chiếm 61% doanh thu của 25 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới (Top 25), dẫn trước khá xa so với 15,7% của Trung Quốc.
Tổng doanh thu của Top 25 trong năm 2019 tăng 8,5% lên mức 361 tỷ USD, gấp 50 lần ngân sách hàng năm dành cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bà Lucie Beraud-Sudreau, Giám đốc chương trình vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI cho biết, Mỹ đã thống lĩnh thị trường vũ khí toàn cầu trong nhiều thập kỷ, song trong trường hợp của Trung Quốc - nơi doanh thu của các công ty nước này đã tăng khoảng 5 lần trong năm ngoái, “sự gia tăng này tương ứng với hoạt động triển khai những cuộc cải cách nhằm hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang được thực hiện từ năm 2015”.
Tại châu Âu, bà Beraud-Sudreau nhận định, dù có chút phân tán nhưng nếu gộp các công ty ở khu vực này lại với nhau thì quy mô tương đương các nhà sản xuất của Mỹ và Trung Quốc. (AFP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận