24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Hạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới 5/4: Ukraine tự "nổ" về sức mạnh, Nga tuyên bố điều tồi tệ; Thảm sát kinh hoàng ở Ấn Độ; Biển Đông vẫn dậy sóng

Cập nhật căng thẳng Nga-Ukraine, Biển Đông, tình hình Myanmar, quan hệ Nga-NATO, eo biển Đài Loan... là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Nga-Ukraine

Điện Kremlin giải thích về hoạt động quân sự của Nga gần Ukraine

Ngày 5/4, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định, các hoạt động quân sự của Nga gần biên giới chung với Ukraine không gây ra mối đe dọa nào đối với quốc gia láng giềng hay bất kỳ nước nào khác, đồng thời nhấn mạnh, Moscow có quyền điều quân trong đất nước của mình khi thấy phù hợp.

Ông Peskov khẳng định, Nga luôn luôn chuẩn bị cho các phương án bảo vệ an ninh của nước này và quân đội Nga di chuyển trong lãnh thổ nước này theo hướng mà Moscow cho là cần thiết để đảm bảo an ninh của đất nước. (Reuters)

Ukraine trừng phạt hàng loạt thực thể của Nga

Ngày 4/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phê chuẩn các lệnh trừng phạt của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đối với Cơ quan Liên bang phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập, người Nga ở nước ngoài và Hợp tác nhân đạo quốc tế của Nga, công ty Volga-Dnepr và 77 doanh nghiệp khác.

Khi được hỏi liệu Moscow có trả đũa hay không, ông Peskov lưu ý: "Chúng tôi có thể sẽ sớm tới mức độ tương tác với Ukraine - nơi sẽ chẳng còn chỗ cho quá trình tương hỗ. Chúng tôi sẽ cắt đứt mọi thứ ở đó, đó là điều tồi tệ". (TASS)

Ukraine 'nổ' sức mạnh, tự nhận là 'tiền đồn phía đông' của NATO

Mới đây, trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay, Bộ trưởng bộ này Andriy Taran đã gọi nước cộng hòa này là “tiền đồn hùng mạnh ở sườn phía đông” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cảm ơn sự hỗ trợ của các nước trong liên minh.

Trong khi đó, hôm 4/4, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Ruslan Khomchak đã gọi nước này là "lá chắn thực sự" của các nước châu Âu và cho rằng, nước này có khả năng tăng cường sức mạnh quân sự tổng hợp của tất cả các quốc gia thành viên của liên minh.

Crimea cảnh báo Ukraine: Đừng đánh thức Gấu Nga

Mới đây, ông Roman Chegrinets, Đồng chủ tịch Hội đồng các dân tộc Slav thuộc khu vực Crimea vừa nhắc nhở NATO và Ukraine về kết cục thảm khốc của các động thái quân sự chống Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow với Kiev và các nước phương Tây leo thang.

Theo ông Chegrinets, lịch sử đã có nhiều bài học cho Ukraine, tuy nhiên, "những nhân vật đại diện cho nền ngoại giao Ukraine không rút ra được điều gì', vậy hãy để cuộc sống dạy cho họ bài học".

Trước tuyên bố của Ukraine rằng, cuộc tập trận Defender Europe 2021 với NATO là điều cần thiết để diễn tập cho một cuộc chiến với Nga, ông Chegrinets đã nhắc nhở: "Những kẻ khiêu khích đừng nên đánh thức Gấu Nga. Nó sẽ bảo vệ cái hang của mình đến cùng và đồng thời nó cũng có thể lập lại trật tự trong khu rừng lân cận". (RIA Novosti)

Nga cáo buộc NATO kích động chạy đua vũ trang toàn cầu

Ngày 4/4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, ngân sách quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục tăng tới 7,4% trong năm 2020 và chính sách này đang kích động cuộc chạy đua vũ trang trên toàn cầu.

Bài viết của bộ trên đi kèm với đồ họa cho thấy ngân sách quốc phòng của NATO năm 2020 lên đến 1,09 nghìn tỷ USD, trong khi ngân sách quốc phòng của Nga chỉ là 50 tỷ USD.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, ngân sách quốc phòng toàn cầu đã tăng từ mức 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2019 lên 1,93 nghìn tỷ USD trong năm 2020. (TASS)

Nga gia hạn các biện pháp làm chậm đường truyền của Twitter

Hãng thông tấn RIA đưa tin, Cơ quan giám sát thông tin và truyền thông Roskomnadzor của Nga cho biết sẽ gia hạn các biện pháp làm giảm tốc độ đường truyền của mạng xã hội Twitter đến ngày 15/5.

Tuy nhiên, Roskomnadzor cũng nói rằng, công ty truyền thông xã hội của Mỹ đã xóa nội dung bị cấm ở Nga với tốc độ nhanh hơn trước đó. (Reuters)

Tổng thống Afghanistan chuẩn bị công bố đề xuất hòa bình mới

Ngày 5/4, các nguồn tin quan chức Afghanistan cho biết, Tổng thống nước này Ashraf Ghani dự kiến trình bày kế hoạch hòa bình ba giai đoạn mới tại hội nghị chưa được ấn định thời gian do Liên hợp quốc bảo trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham dự của đại diện Mỹ, Nga và các nước khác trong khu vực.

Kế hoạch này bao gồm việc đạt được một thỏa thuận chính trị với Taliban và công bố ngừng bắn dưới sự giám sát quốc tế. Tiếp theo là tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mà Taliban có thể tham gia để thành lập “chính phủ hòa bình”.

Đề xuất này được đưa ra sau khi Mỹ - với sự ủng hộ của Nga và các bên liên quan khác - cho biết nước này muốn thấy có một chính phủ lâm thời có sự tham gia của Taliban. (AFP)

Philippines cảnh báo Biển Đông dậy sóng

Ngày 5/4, Trợ lý Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng, việc hàng trăm tàu Trung Quốc hiện diện trong thời gian dài của các tàu cá Trung Quốc ở gần bãi Đá Ba Đầu ở cụm đào Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa có dấu hiệu "bành trướng", là động thái không được hoan nghênh và “có thể châm ngòi xung đột mà cả hai nước đều không mong muốn”.

Cũng theo quan chức trên, Philippines không "mù quáng" khi đánh giá các hành động hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc với việc vi phạm luật pháp quốc tế. (Reuters)

Mỹ-Hàn Quốc nhất trí "trên nguyên tắc" về hội nghị thượng đỉnh ở Washington

Ngày 5/4, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon thông báo, Seoul và Washington đã đạt được thỏa thuận "trên nguyên tắc" về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington sớm nhất có thể.

Cố vấn Suh đã đưa ra thông báo trên khi sau khi trở về Seoul từ cuộc họp 3 bên với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản lần lượt là Jake Sullivan và Shigeru Kitamura tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, bang Maryland. (Yonhap)

Tình hình Myanmar: Tập đoàn Hàn Quốc cân nhắc rút khỏi Myanmar

Ngày 5/4, các nguồn thạo tin cho biết, POSCO C&C - công ty con của Tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) tại Myanmar - đang cố gắng bán 70% cổ phần trong liên doanh với Myanmar Economic Holdings Ltd (MEHL) hoặc mua lại 30% cổ phần của đối tác, hiện vẫn chưa được định giá. MEHL nằm trong số các thực thể quân sự của Myanmar bị Mỹ và Anh trừng phạt gần đây.

Liên quan tình hình Myanmar, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Quốc vương kiêm Thủ tướng Brunei Haji Hassanal Bolkiah đã nhất trí để lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gặp gỡ và thảo luận về vấn đề này.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự hỗ trợ của ASEAN đối với Myanmar, đồng thời nêu rõ “mối quan tâm lớn nhất của ASEAN là Myanmar giải quyết cuộc khủng hoảng và ổn định tình hình”.

Các nhà lãnh đạo kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và theo đuổi biện pháp đối thoại mang tính xây dựng và nhanh chóng ổn định tình hình, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của người dân Myanma vì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. (Reuters)

Hàn Quốc-Nhật Bản: Seoul bác tuyên bố mới của Tokyo đối với quần đảo Dokdo/Takeshima

Ngày 5/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thẳng thừng bác bỏ yêu sách lãnh thổ mới của Nhật Bản đối với quần đảo Dokdo ở cực Đông của nước này mà Tokyo gọi là Takeshima.

Phát biểu họp báo thường kỳ khi trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung-chan, nói: "Tôi nghĩ không cần giải thích thêm, Dokdo là lãnh thổ cố hữu của Hàn Quốc theo lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc giữ vững lập trường như vậy". (Yonhap)

Nhật Bản-Đức chuẩn bị tổ chức Đối thoại chiến lược 2+2 vào giữa tháng 4

Ngày 5/4, báo Yomiuri Shimbun dẫn nguồn từ quan chức trong chính phủ Nhật Bản tiết lộ, nước này và Đức đang chuẩn bị cho Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng (2+2) vào trung tuần tháng 4 theo hình thức trực tuyến.

Nội dung trọng tâm dự kiến thảo luận trong đối thoại lần này là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và hướng tới hiện thực hóa một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". (Reuters)

Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Mỹ trong vấn đề Đài Loan

Hãng tin Jiji Press dẫn lời Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định tình hình liên quan tới Đài Loan là “quan trọng đối với Nhật Bản”.

Ông nói: "Điều quan trọng đối với Nhật Bản và Mỹ là hợp tác với nhau và duy trì sự răn đe để tạo ra một môi trường mà ở đó Đài Loan và Trung Quốc có thể tìm ra giải pháp hòa bình”.

Theo Jiji Press, các vấn đề liên quan tới Đài Loan sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington vào ngày 16/4 tới.

Ấn Độ: Hàng trăm phiến quân phục kích, ít nhất 22 nhân viên an ninh thiệt mạng

Truyền thông cho hay, ít nhất 400 phiến quân Naxalite đã phục kích các nhân viên an ninh đang triển khai một chiến dịch truy quét đặc biệt ở bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ, khiến ít nhất 22 nhân viên an ninh thiệt mạng và 30 người khác bị thương.

Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất do lực lượng nổi dậy cực đoan này thực hiện trong năm nay.

Các phiến quân sử dụng súng máy hạng nhẹ (LMG) và các thiết bị nổ tự chế (IED) để thực hiện cuộc phục kích kéo dài. Khoảng 10-12 phiến quân bị tiêu diệt trong giao tranh. (Reuters)

Chính biến Jordan: cựu Thái tử Hamza phản đối các yêu cầu từ phía quân đội

Theo hãng tin Reuters, trong đoạn ghi âm công bố ngày 5/4, Hoàng thân Jordan, cựu Thái tử Hamza bin al Hussein tuyên bố sẽ không tuân theo yêu cầu của quân đội về việc không được ra ngoài, đăng bài trên trang Twitter, chỉ được phép gặp gia đình chứ không được liên lạc với người khác sau khi ông bị quản thúc tại gia.

Ngày 4/4 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Jordan Ayman Al Safadi cáo buộc Hoàng thân Hamza bin al Hussein đã câu kết với lực lượng nước ngoài khiến tình hình trong nước trở nên bất ổn, cho biết, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra trong thời gian dài về những cáo buộc này. (Reuters)

Bầu cử Israel: Cựu đồng minh của ông Netanyahu tự đề cử vào vị trí Thủ tướng

Ngày 5/4, trong cuộc tham vấn của Tổng thống Israel Reuven Rivlin với đại diện của 13 đảng có mặt trong Quốc hội khóa 24 về vấn đề thành lập chính phủ mới, cựu đồng minh cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Naftali Bennett của đảng Yamina, đã tự đề cử vào vị trí Thủ tướng.

Đảng Yamina sở hữu 7 ghế ở Quốc hội, dù khó có thể thành lập liên minh cầm quyền, nhưng hiện có tầm ảnh hưởng giữa hai nhóm ủng hộ và phản đối Thủ tướng Netanyahu, tuy nhiên, đã từ chối chọn phe.

Ông Bennett hy vọng có thể trở thành một ứng cử viên "cân bằng", người có thể hàn gắn những chia rẽ sâu sắc giữa các phe đối địch.

Cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu đã phải ra hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng theo yêu cầu của thẩm phán. (Reuters)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả