menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Miên

Tin thế giới 4/5: Mỹ trinh sát Biển Đen; Trung Quốc liên tục bị chỉ trích vì các hành động trên biển; Phút ‘lỡ lời’ của Australia

Mỹ đưa máy bay tới Biển Đen, quốc tế chỉ trích Trung Quốc, tình hình Myanmar, Biển Đông... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.

Mỹ-Nga

Máy bay Mỹ trinh sát Biển Đen, mặc lệnh cấm của Nga

Ngày 4/5, hai máy bay trinh sát của Mỹ đã bay nhiều giờ liên tục gần biên giới trên không phận Biển Đen của Nga.

Cụ thể, máy bay trinh sát điện tử chiến lược RC-135W của Không quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ ngoài khơi bán đảo Crimea và khu vực Krasnodar.

Máy bay tuần tra chống ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ cũng bay khu vực này. Máy bay Poseidon đã tiến hành trinh sát gần biên giới Nga một ngày trước đó. (Sputnik)

Mỹ-Nga sẵn sàng thảo luận hòa bình

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova ngày 4/5 cho hay, các tín hiệu từ Mỹ cho thấy Washington đã sẵn sàng thảo luận về các vấn đề ổn định chiến lược và sẵn sàng đối thoại, nhưng sẽ gây áp lực lên hệ phòng thủ tên lửa của Nga.

Bà Zakharova nói: "Chúng tôi vẫn chưa biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ giải quyết các khía cạnh khác nhau của kiểm soát vũ khí như thế nào, bao gồm cả vấn đề chống tên lửa.

Tuy nhiên, chúng tôi đang ghi nhận các tín hiệu từ Washington cho thấy ý định về việc thảo luận các vấn đề ổn định chiến lược với chúng tôi ".

Tuy nhiên, Nga sẽ không đồng ý bất cứ điều gì nếu không bảo đảm đầy đủ các lợi ích của nước này. Nếu Mỹ cố gắng cùng Nga đạt được sự cân bằng lợi ích thì hai bên có thể đạt được sự đồng thuận. (TASS)

G7 sẽ thành lập mặt trận ứng phó Trung Quốc?

Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 4/5 đã thảo luận cách thành lập một mặt trận chung ứng phó với một Trung Quốc ngày càng quả quyết trong các cuộc hội đàm trực tiếp lần đầu tiên trong 2 năm qua với sự tham gia của các ngoại trưởng.

Ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một liên minh các nền dân chủ sâu sắc hơn, chủ nhà Anh đã mời các vị khách, trong đó có cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia tới hội đàm London trong 3 ngày. Sau tiệc chiêu đãi tối 3/5 tập trung bàn luận về các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, các ngoại trưởng đã có các cuộc hội đàm chính thức tại Lancaster House, một lâu đài ở West End.

G7 đã dành phiên họp đầu tiên ngày 5/4 để thảo luận về Trung Quốc vốn đang gia tăng quân sự và ảnh hưởng kinh tế, cũng như sẵn sàng dùng sức ảnh hưởng của mình ở trong nước và nước ngoài làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây. (AFP)

Mỹ nói Triều Tiên nên giảm căng thẳng qua ngoại giao

Ngày 4/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Triều Tiên nắm lấy cơ hội sử dụng giải pháp ngoại giao để tháo gỡ bế tắc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi nước này tổ chức tham vấn với các đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc về chính sách mới đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo giới, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, nước này đang bắt đầu thực hiện chính sách mới, chuẩn bị liên lạc với Triều Tiên để thảo luận các bước đi thực chất hướng tới phi hạt nhân hóa. Chính sách mới của Mỹ không gây thêm thù địch mà nhằm giảm căng thẳng với Triều Tiên. (Reuters)

Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines ‘đuổi’ tàu Trung Quốc khỏi Biển Đông

Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr vừa gọi Trung Quốc là “kẻ ngốc xấu xí”. Ông yêu cầu Trung Quốc rút tàu bè khỏi khu vực sát bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines hôm 3/5 ra thông cáo nói rằng “Trung Quốc không có quyền thực thi pháp luật trong khu vực này”.

Theo CNN, những bình luận thẳng thừng của ông Teodoro Locsin được đưa ra trong bối cảnh Manila liên tục có các động thái phản đối sự hiện diện bất hợp pháp của hàng trăm tàu ​​thuyền Trung Quốc ở các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông. (CNN)

Mỹ-Nhật phản đối Trung Quốc mạnh mẽ

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 3/5 tuyên bố, 2 nước sẽ “cực lực phản đối” bất kỳ ý đồ đơn phương nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Motegi và Blinken còn nhất trí tăng cường hợp tác trong việc xử lý những vấn đề liên quan Trung Quốc, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì ổn định và hòa bình ở Eo biển Đài Loan. (Kyodo)

Trung Quốc sẽ tiếp tục mang tàu sân bay ra Biển Đông?

Ngày 4/5, người phát ngôn Hải quân Trung Quốc, ông Gao Xiucheng tuyên bố, tàu sân bay Sơn Đông cùng lực lượng tấn công của hàng không mẫu hạm này đã hoàn tất các cuộc tập trận trên Biển Đông.

Nhưng ông Gao nói: "Chúng tôi hy vọng thế giới có thể nhìn nhận cuộc tập trận của hàng không mẫu hạm Sơn Đông dưới góc độ khách quan. Hải quân PLA sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tương tự theo kế hoạch thường niên trong tương lai". (Global Times)

Tình hình Myanmar

Bom giấu trong bưu kiện phát nổ, 5 người thiệt mạng

Một quả bom đặt trong bưu kiện đã phát nổ tại một ngôi nhà trong một làng ở phía tây Bago lúc 17h chiều 3/5. Vụ nổ giết chết nhà lập pháp của đảng Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, Myanmar Now dẫn nguồn tin địa phương cho biết.

Ba cảnh sát tham gia phong trào phản đối bạo lực của quân đội và một thường dân khác bị chết trong vụ nổ. Một cảnh sát khác tham gia phong trào cũng bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện.

Reuters không thể xác minh độc lập thông tin trên, trong khi phát ngôn viên quân đội Myanmar từ chối trả lời bình luận qua điện thoại. (Reuters)

Myanmar cáo buộc một nhà báo Nhật Bản đưa tin giả

Chính quyền quân quản Myanmar đã cáo buộc một nhà báo Nhật Bản theo luật "tin giả".

Theo đó, phóng viên người Nhật Bản Yuki Kitazumi đã bị bắt hôm 18/4 và bị buộc tội hôm 3/5 - đúng Ngày tự do báo chí thế giới, về việc lan truyền tin tức giả mạo.

Kitazumi là một trong 50 nhà báo hiện đang bị giam giữ tại Myanmar như một phần trong cuộc đàn áp của chính quyền quân quản đối với các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối cuộc đảo chính hồi tháng 2. (Kyodo)

Australia có thể rút lại việc phạt tù người nhập cảnh từ Ấn Độ

Australia tuần trước đã cấm nhập cảnh tất cả những người đến từ Ấn Độ, bao gồm cả công dân nước này, cho đến ngày 15/5, do những lo ngại trước sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia Nam Á. Canberra cũng cảnh báo những ai vi phạm sẽ phải đối mặt hình phạt tối đa 5 năm tù và nộp phạt tới 66.000 AUD (tương đương 51.122 USD).

Tuy nhiên, Thủ tướng Scott Morrison mới đây cho biết "rất khó có khả năng" người nhập cảnh từ Ấn Độ phải đối mặt với các hình phạt trên. “Tôi không nghĩ sẽ là điều công bằng nếu những hình phạt được đề xuất ở hình thức cực đoan nhất và có thể được áp dụng ở bất cứ đâu, nhưng đây là một cách để đảm bảo chúng ta có thể ngăn chặn virus corona quay trở lại". (Reuters)

Israel tiếp tục bế tắc chính trị

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện vẫn chưa thể thành lập chính phủ mới, trong khi thời hạn sẽ kết thúc vào đêm nay (4/5).

Dự kiến, Tổng thống Israel Reuven Rivlin sẽ trao cho thủ lĩnh phe đối lập, chủ tịch đảng Yesh Atid là ông Yair Lapid cơ hội tiếp theo để tập hợp một liên minh thành lập chính phủ mới.

Ông Rivlin cũng có thể gia hạn cho ông Netanyahu thêm hai tuần để thành lập chính phủ hoặc gửi ủy quyền cho quốc hội trong khoảng thời gian 21 ngày, sau đó vòng bầu cử thứ năm sẽ được tổ chức nếu một chính phủ không được thành lập trong thời gian đó. (Reuters)

Tổng thống Armenia bị kiện vì mang quốc tịch kép

Ngày 3/5, Văn phòng Tổng công tố Armenia đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra cáo buộc Tổng thống Armen Sarkisyan che giấu việc mang hai quốc tịch trước khi được bầu làm tổng thống, theo Điều 325 Khoản 1 Bộ luật Hình sự của nước này.

Cùng ngày, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Armenia, ông Ara Zograbyan cho biết, 53 luật sư đã nộp đơn kiện lên Cơ quan Điều tra đặc biệt của nước này liên quan tội danh che giấu sự thật về quốc tịch kép của Tổng thống Sarkisyan.

Các luật sư cho rằng ông Sarkisyan có quốc tịch Anh từ năm 2003 đến hết năm 2012. Trong khi đó, ông được bầu làm Tổng thống vào ngày 2/3/2018, do đó không đáp ứng tiêu chí đối với ứng cử viên cho chức vụ nguyên thủ quốc gia.

Các luật sư chỉ ra rằng, ông Sarkisyan chỉ có thể được bầu làm Tổng thống nếu từ bỏ quyền công dân Anh trước ngày 1/3/2012. Theo quy định, ứng viên phải là công dân Armenia trong 6 năm gần nhất trước khi ứng cử vào vị trí tổng thống. (TASS)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại