Tin thế giới 4/2: Nga-Trung nồng ấm, phương Tây lo ngại; Mỹ-Hàn nhất trí chiến lược về Triều Tiên; Bà Aung San Syu Kyi sẽ bị án tù 3 năm?
Chính biến tại Myanmar, New START, quan hệ Mỹ-Iran, Mỹ-Hàn Quốc, vấn đề Biển Đông, Eo biển Đài Loan... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
Mỹ-Hàn Quốc: Nhất trí đề ra chiến lược ‘toàn diện chung’ về Triều Tiên
Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết hai nhà lãnh đạo Hàn - Mỹ đã nhất trí hợp tác vì mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa và mang lại hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Biden đã cam kết hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu trên, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là hai nước đồng minh phải giữ vững lập trường về vấn đề này.
Về quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Mỹ tái khẳng định quan hệ đồng minh suốt 7 thập kỷ qua là chìa khóa để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc với Nhật Bản cũng như việc tăng cường quan hệ đối tác an ninh ba bên. (Yonhap)
Mỹ-Australia: Phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai tuần sau khi ông Biden nhậm chức.
Ông Morrison cho biết trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về các vấn đề bao gồm khôi phục hậu Covid-19, biến đổi khí hậu và các vấn đề khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Morrison một lần nữa mời Tổng thống Biden tới thăm Australia trong năm nay để kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh Hiệp ước an ninh giữa Australia-New Zealand-Mỹ (ANZUS).
Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cách giải quyết một số thách thức, trong đó có việc đối phó với Trung Quốc và phối hợp nhằm quy trách nhiệm cho những người gây ra cuộc đảo chính ở Myanmar. (Reuters/ABC)
Chính biến tại Myanmar: Bà Aung San Syu Kyi đối mặt với án tù 3 năm, Mỹ cân nhắc trừng phạt
Cảnh sát Myanmar đệ trình cáo buộc rằng bà Aung San Suu Kyi đã vi phạm luật xuất nhập khẩu của nước này, và đề nghị tiếp tục bắt giam bà đến ngày 15/2.
Với cáo buộc trên, bà Aung San Suu Kyi có thể đối mặt án tù lên tới 3 năm, theo New York Times.
Trong quá trình này, họ tìm thấy những bộ đàm được cho là nhập khẩu trái phép và sử dụng bất hợp pháp. Văn bản này cũng cho biết cựu Tổng thống Win Myint bị buộc tội vi phạm luật phòng chống thiên tai.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/2, chính phủ Mỹ cho biết hiện nước này đang cân nhắc chuyện trừng phạt Myanmar và coi việc giải quyết cuộc chính biến là ưu tiên của Mỹ.
Việc quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến đã vấp phải sự lên án dữ dội từ cộng đồng quốc tế.
Các ngoại trưởng G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật và Mỹ đã ra một tuyên bố chung, bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Myanmar và kêu gọi nước này ngay lập tức thả những người bị bắt.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cam kết sẽ huy động đủ sức ép từ cộng đồng quốc tế lên quân đội Myanmar “để đảm bảo rằng cuộc chính biến này sẽ thất bại”. (Reuters/AP/AFP)
Mỹ-Iran: Toà án Công lý Quốc tế quyết xử vụ Iran kiện Mỹ
Ngày 3/2, các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) - tòa án cao nhất của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia - ra phán quyết nêu rõ, họ có thể xét xử vụ kiện của Iran đối với Mỹ.
Với vụ kiện này, Iran đang nỗ lực tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran.
Đa số trong nhóm 16 thẩm phán cho rằng ICJ có thẩm quyền xét xử vụ kiện nêu trên.
Phản ứng trước phán quyết này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng ngày ca ngợi đây là một “chiến thắng pháp lý" của Tehran.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ, Mỹ "thất vọng khi tòa án không chấp nhận những lập luận pháp lý" mà Mỹ đưa ra trước đó cho rằng vụ kiện mà Iran đưa ra nằm ngoài thẩm quyền của tòa án. (Reuters)
Iran hân hoan khi Iraq đòi bắt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
Gặp người đồng cấp Iraq, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hoan nghênh tòa án Iraq đã ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Donald Trump vì vụ ám sát tướng Qassem Soleimani hồi ngày 3/1/2020.
Ông Zarif có phát ngôn này trong buổi tiếp Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein tại Tehran hôm 3/2. Cũng theo ông, "chấm dứt sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ trong khu vực sẽ là cách phản ứng tốt nhất đối với hành động khủng bố này (ám sát tướng Soleimani)". (AP)
New START chính thức được gia hạn thêm 5 năm
Ngày 3/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, nước này đã gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm 5 năm.
Ông Blinken nhấn mạnh: "Việc gia hạn Hiệp ước New START đảm bảo chúng ta có những giới hạn có thể xác minh đối với các ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa), SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) và máy bay ném bom hạng nặng của Nga cho đến ngày 5/2/2026".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã xác nhận thông tin trên, khẳng định, cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga và Mỹ hôm 26/1 vừa qua có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy việc hai nước gia hạn Hiệp ước.
Ngoài ra, thông báo cho biết thêm, Nga sẵn sàng tiếp tục duy trì đối thoại xây dựng với Mỹ để đạt được kết quả mới, vốn tăng cường cho ổn định chiến lược thế giới. (Reuters)
Phương Tây lo ngại khi quan hệ Nga-Trung ngày một ‘nồng ấm’
Hãng tin Reuters hôm 3/2 dẫn lời một tướng lĩnh quân sự hàng đầu NATO cho biết Mỹ và các đồng minh châu Âu bày tỏ quan ngại về về sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Nga trên một số lĩnh vực chung.
Cụ thể, Tư lệnh Tối cao NATO Tod Wolters nói rằng việc hợp tác ngày càng gia tăng giữa Nga và Trung Quốc “thực sự cho thấy sự nổi trội của một mối quan hệ đối tác đặc biệt”. Ông nhấn mạnh, sự tiến triển này có thể gây tổn hại cho châu Âu và các quốc gia xung quanh, vì vậy NATO hết sức thận trọng. (Reuters)
Vấn đề Biển Đông: Mỹ rút tàu sân bay khỏi vùng Vịnh, điều sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz đã được điều động từ Bộ Chỉ huy Trung tâm ở Trung Đông sang khu vực Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc thông báo hôm 2/2.
Điều này đồng nghĩa USS Nimitz sắp tới sẽ hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới ở Biển Đông.
Động thái trên của Lầu Năm Góc được xem là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden muốn hạ nhiệt căng thẳng với Iran, song sẽ tiếp tục hướng tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump nhằm vào Trung Quốc.
Thư ký báo chí Nhà Trắng John F Kirby hiện vẫn chưa tiết lộ lịch trình tiếp theo của USS Nimitz tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Hindustan Times)
Eo biển Đài Loan: Chính quyền Joe Biden có động thái đầu tiên
Ngày 4/2, hãng tin CNN dẫn lời người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, ông Joe Keiley cho biết, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S McCain, đang neo đậu tại Nhật, tới Eo biển Đài Loan.
Diễn biến này đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan, dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Qua thông báo, người phát ngôn Hải quân Mỹ, Trung úy Joe Keiley khẳng định, tàu USS John S McCain thực hiện hoạt động đi lại thường lệ, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Động thái trên của Mỹ tiếp tục gợi mở chính sách ngoại giao của tân Tổng thống Mỹ trong vấn đề Đài Loan và chính sách Một Trung Quốc. Thay vì chiến lược mềm mỏng và thân thiện hơn mà Trung Quốc trông đợi từ chính quyền mới của Mỹ, ông Biden cùng đội ngũ của mình lại phát ra những tín hiệu ngoại giao cứng rắn. (CNN)
Na Uy cho Mỹ triển khai máy bay chiến đấu trên lãnh thổ
Na Uy đã trao cho Mỹ quyền triển khai nhóm máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer trên lãnh thổ nước này, điều sẽ khiến căng thẳng gia tăng giữa NATO và Nga.
Tại căn cứ không quân Erlan của Mỹ ở Na Uy gần biên giới Nga hiện có 3 máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer, tuy nhiên, một số nguồn tin khác cho biết, một nhóm 6 máy bay Mỹ đang hiện diện trên đất Na Uy có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, việc Lầu Năm Góc triển khai một số máy bay chiến đấu ở đây không phải để tiến hành tập trận thông thường mà là để gây áp lực lên Nga, điều này buộc Moscow phải lưu tâm. (Avia-pro).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận