menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Hảo

Tin thế giới 31/8: Nga nói về tình hình Belarus, đồn đoán quanh sức khỏe của ông Trump, Czech-Trung Quốc căng nhau

Tình hình Belarus, căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan, sức khỏe của ông Trump... là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Tình hình Belarus

Điện Kremlin nói tình hình tại Belarus đã được kiểm soát

Ngày 31/8, Điện Kremlin cho biết, tình hình tại quốc gia láng giềng Belarus đã được kiểm soát và Nga nhận thấy không cần cử các lực lượng tới hỗ trợ Tổng thống Alexander Lukashenko, người đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi tại quốc gia Đông Âu này.

Phát biểu họp báo với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các lực lượng an ninh Belarus và ban lãnh đạo quốc gia này đang kiểm soát tình hình theo cách mà ông đánh giá là "khá đảm bảo".

Ông Peskov nói thêm, nếu được đề nghị, Moscow sẵn sàng hỗ trợ Belarus - một đồng minh thân cận của Nga, trong việc sửa đổi hiến pháp.

Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Điện Kremlin đã thành lập một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm để hỗ trợ ông Lukashenko theo yêu cầu của ông này, song nói rằng lực lượng này sẽ không được triển khai nếu tình trạng bất ổn được kiểm soát. Ngày 30/8, hai nhà lãnh đạo Nga-Belarus cũng đã nhất trí gặp nhau tại thủ đô Moscow của Nga trong thời gian tới.

Trong khi đó, cùng ngày, phát ngôn viên của phe đối lập tại Belarus cho biết, lãnh đạo phe này Sviatlana Tsikhanouskaya sẽ phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào thứ Sáu (4/9) tới.

Reuters trích dẫn nguồn tin trên cho biết, bà Sviatlana Tsikhanouskaya sẽ phát biểu trưc tuyến theo lời mời của Estonia, hiện đang là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Bà Sviatlana Tsikhanouskaya là ứng cử viên Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 9/8 tại Belarus mà những người ủng hộ cho rằng bà đã thắng cử. (Reuters)

Nhật Bản

Cuộc đua vào ghế Thủ tướng Nhật Bản đang nóng dần

Cuộc đua vào vị trí Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản thay thế Thủ tướng Abe Shinzo đang nóng dần lên dù phải đến ngày 1/9 tới, LDP mới tiến hành cuộc họp để quyết định thời điểm và cách thức tổ chức bỏ phiếu.

Các ứng cử viên tiềm năng đang đẩy mạnh vận động để tìm kiếm sự ủng hộ của các phe phái trong nội bộ LDP trước khi ra tranh cử.

Cho đến thời điểm này, ít nhất 4 chính trị gia đã bày tỏ ý định sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử được dự đoán là rất quyết liệt gồm: cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida - người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu LDP; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba; Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga - cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Abe; và cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Seiko Noda.

Để trở thành ứng cử viên chức Chủ tịch LDP, mỗi chính trị gia phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 20 nghị sĩ Quốc hội thành viên LDP. Dự kiến, cuộc bỏ phiếu Chủ tịch đảng LDP diễn ra vào ngày 14/9 tới với sự tham gia của 535 thành viên, gồm 394 nghị sĩ cùng với 3 đại diện của mỗi đảng bộ cấp tỉnh (tổng cộng 141 người) bởi các thành viên cấp cao trong đảng lo ngại sẽ xuất hiện khoảng trống quyền lực nếu kéo dài thời gian bầu người thay thế Thủ tướng Abe.

Theo kênh truyền hình NHK, LDP cầm quyền có kế hoạch tổ chức một phiên họp bất thường của Quốc hội vào ngày 17/9 tới nhằm bầu ra Thủ tướng mới sau khi cuộc bỏ phiếu Chủ tịch của đảng này kết thúc. (TTXVN)

Nhật Bản trấn an đồng minh Mỹ sau khi ông Abe Shinzo từ chức

Ngày 31/8, theo Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Akihiro Nishimura, Thủ tướng Abe Shinzo đã khẳng định với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, liên minh giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì cho dù nhà lãnh đạo này rời nhiệm sở.

Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Nishimura nói: “Ông Abe muốn Tổng thống Trump an tâm vì chính sách củng cố liên minh Mỹ-Nhật sẽ không thay đổi”.

Ông Akihiro Nishimura cũng tiết lộ, Thủ tướng Abe muốn Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong bối cảnh Tokyo vạch ra một chiến lược phòng thủ tên lửa mới.

Trước đó, hồi tháng 7, Nhật Bản đã tiến một bước hướng tới việc sở hữu vũ khí có thể tấn công Triều Tiên, sau khi một ủy ban thuộc đảng cầm quyền thông qua những đề xuất liên quan tới khả năng này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo. (Reuters)

Bầu cử Mỹ 2020

Đồn đoán quanh vấn đề sức khỏe của Tổng thống Trump

Vừa qua, sau khi chấp nhận đề cử trở thành ứng viên Tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa tại Đại hội đảng toàn quốc ngày 27/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới New Hampshire, tiểu bang ở Đông Bắc nước Mỹ để vận động tranh cử.

Tuy nhiên, một video về sự kiện được đăng tải cho thấy, ông Trump đã gặp sự cố khi bước lên bục để phát biểu với cử tri. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng mất thăng bằng trong vài giây khi bước lên bậc thang, nhưng đã khéo léo thực hiện động tác chỉ tay khỏe khoắn để thể hiện rằng mọi chuyện vẫn ổn và sau đó có bài phát biểu như mọi khi.

Sau khi đoạn video được đăng tải và thu hút hàng triệu lượt người xem, cộng đồng mạng tỏ ra quan ngại về tình trạng sức khỏe của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm, đồng thời đưa ra hàng loạt bằng chứng chứng tỏ "phần cơ thể bên phải của ông Trump có vấn đề".

Một số người còn chỉ ra rằng, ông Trump đôi lúc bị vấp khi nói chuyện và gặp khó khăn khi sử dụng từ ngữ, đồng thời nhận định "có thể bán cầu não trái của ông Trump đang gặp một số vấn đề". Được biết, bán cầu trái điều khiển phần cơ thể bên phải và chịu trách nhiệm cho việc sử dụng ngôn ngữ.

Ngay sau khi đoạn video được đăng tải, dòng hashtag #TrumpIsNotWell trở thành một trong những từ khóa được quan tâm nhất Twitter trong khoảng thời gian cuối tuần.

Những dấu hiệu về sức khỏe của ông Trump xuất hiện ngay trước giai đoạn của cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới và có thể điều này sẽ khiến ông Trump gặp một số bất lợi trước đối thủ nặng ký là ông Joe Biden. Cả hai ông đều từng chỉ trích đối phương có trí nhớ không tốt.

Chủ tịch Thượng viện Czech thăm Đài Loan (Trung Quốc)

Ngày 29/8, Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil đã bắt đầu chuyến thăm Đài Loan kéo dài đến ngày 5/9.

Tại cuộc họp báo trước chuyến thăm, ông Vystrcil cho biết kỳ vọng chuyến đi sẽ thành công, giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai bên. Ông Vystrcil cũng cho biết, chuyến thăm này nhận được nhiều phản ứng tích cực hơn là tiêu cực.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Czech và các thành viên Chính phủ, bao gồm Thủ tướng Andrej Babis (Đảng ANO) lên tiếng phản đối chuyến thăm này. Người phát ngôn của ông Zeman nói rằng, chuyến thăm đi ngược lại chính sách nhất quán của Liên minh châu Âu (EU) và sẽ có tác động tiêu cực đối với các công ty của Czech.

Tuy vậy, có khoảng 70 chính khách của Nghị viện châu Âu, Mỹ, Canada và Australia ra tuyên bố ủng hộ chuyến thăm, đồng thời lên án sức ép của Trung Quốc nhằm cản trở chuyến thăm này.

Về phần mình, theo một thông cáo ngày 31/8 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị tuyên bố, Chủ tịch Thượng viện Vystrcil sẽ "trả giá rất đắt" vì vi phạm nguyên tắc "Một Trung Quốc" khi thực hiện chuyến thăm chính thức tới hòn đảo Đài Loan.

Phản ứng lại đe dọa này, Bộ trưởng Ngoại giao Czech Tomas Petricek cùng ngày thông báo ông sẽ triệu Đại sứ Trung Quốc tại Prague và nhấn mạnh: "Tôi mong đợi phía Trung Quốc giải thích những lời lẽ đó. Tất nhiên chuyến đi đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng những lời lẽ này đã đi quá xa". (Global Times, Reuters)

Tình hình Syria

Syria thành lập Chính phủ mới

Theo hãng tin nhà nước SANA, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chỉ thị thành lập một Chính phủ mới ngày 30/8, trong đó giữ nguyên một số vị trí bộ trưởng hàng đầu.

Nội các Syria gồm Thủ tướng Hussein Arnous và 29 bộ trưởng. Các bộ trưởng được duy trì chức vụ bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ali Abdullah Ayyoub, Ngoại trưởng Walid al-Moallem và Bộ trưởng Nội vụ Mohammad Khaled al-Rahmoun.

Ngày 11/6, ông Assad đã cách chức cựu Thủ tướng Emad Khamis và bổ nhiệm ông Arnous - Bộ trưởng Tài nguyên nước - làm quyền Thủ tướng. Ngày 25/8, Tổng thống Assad đã chỉ thị ông Arnous thành lập Chính phủ mới.

Theo luật pháp Syria, Chính phủ mới được thành lập sau khi cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng 7. (THX)

Tình hình Sudan

Chính phủ Sudan ký thỏa thuận hòa bình lịch sử với 5 nhóm nổi dậy

Ngày 31/8, Chính phủ Sudan đã ký thỏa thuận hòa bình với 5 nhóm nổi dậy chủ chốt tại quốc gia này, một bước quan trọng trong mục tiêu của ban lãnh đạo chuyển tiếp muốn giải quyết các cuộc xung đột dân sự "thâm căn cố đế".

Trong số các nhóm nổi dậy đã tham gia ký thỏa thuận này có Phong trào Công lý và Bình đẳng (JEM), Quân đội Giải phóng Sudan (SLA) của chính khách Minni Minawi - cả hai đều ở phía Tây Darfur, và Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan-Bắc(SPLM-N) do Malik Agar lãnh đạo, hiện diện ở Nam Kordofan và Blue Nile.

Thỏa thuận sẽ bao gồm các vấn đề chính như an ninh, quyền sở hữu đất đai, chuyển đổi tư pháp, chia sẻ quyền lực và sự trở lại của những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng đề cập đến việc sáp nhập chiến binh của phiến quân vào quân đội quốc gia.

Tuy nhiên, 2 nhóm nổi dậy chủ chốt, gồm một bộ phận của Phong trào Giải phóng Sudan, do Abdelwahid Nour lãnh đạo và một nhánh của Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan-North (SPLM-N), do Abdelaziz al-Hilu đứng đầu đã từ chối tham gia thoả thuận. Lý do dẫn đến 2 nhóm phiến quân không tham gia ký kết chưa được làm rõ. (Reuters)

Tình hình Lebanon

Lộ diện ứng cử viên nặng ký cho vị trí Thủ tướng

Trong cuộc gặp với Tổng thống Lebanon Michel Aoun, các nghị sỹ thuộc phong trào Hezbollah dòng Shi'ite được Iran hậu thuẫn ngày 31/8 đã đề cử ông Mustapha Adib, Đại sứ Lebanon tại Đức làm Thủ tướng tiếp theo.

Ông Mohamed Raad, người đứng đầu nhóm nghị sỹ trên, khẳng định: "Nhóm đã thông báo cho Tổng thống Aoun về thỏa thuận đề cử ông Adib và chúng tôi bày tỏ sự sẵn sàng trong việc hợp tác hiệu quả hơn".

Trước đó, cùng ngày, cựu Thủ tướng Saad al-Hariri, lãnh đạo Đảng Phong trào Tương lai, chính trị gia có uy tín theo dòng Sunni tại Lebanon, cũng đã đề cử ông Mustapha Adib làm Thủ tướng.

Theo hệ thống giáo phái và phân chia quyền lực ở Lebanon, vị trí Thủ tướng phải là người Hồi giáo dòng Sunni. Chính phủ do ông Hassan Diab lãnh đạo đã từ chức vào đầu tháng này sau vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut khiến khoảng 190 người thiệt mạng.

Dự kiến, Tổng thống Michel Aoun sẽ được đề nghị chỉ định ứng cử viên có mức độ ủng hộ cao nhất trong số các nghị sĩ tại cuộc tham vấn giữa các phe phái chính trị ở Lebanon về vị trí Thủ tướng vào ngày hôm nay (31/8). Ngay sau khi vị trí Thủ tướng được chỉ định, quá trình thành lập Chính phủ mới sẽ được xúc tiến. (Reuters)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại