Tin thế giới 31/12: Phe ông Trump mâu thuẫn về kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử, Trung Đông chao đảo vì tiếng súng, thư của ông Putin gửi ông Biden
Bầu cử Mỹ 2020, eo biển Đài Loan, quan hệ Mỹ-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, khủng bố tại Yemen, đại dịch Covid-19... là những tin thế giới nổi bật 24h qua.
Hậu bầu cử Mỹ 2020
‘Tia sáng cuối đường hầm’ cho ông Trump?
Nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng minh có thêm một tia hi vọng mới khi thượng nghị sĩ Missouri Josh Hawley chính thức cam kết sẽ phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại phiên họp quốc hội ngày 6/1 tới.
Ông Hawley là thượng nghị sĩ đầu tiên cam kết thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri sau khi một nhóm hạ nghị sĩ Cộng hòa do ông Mo Brooks dẫn đầu lên kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử ở một số bang chiến trường trong phiên họp quốc hội ngày 6/1.
Theo thượng nghị sĩ bang Illinois Adam Kinzinger nói rằng "có tới 100" nghị sĩ của đảng Cộng hòa có thể thách thức kết quả cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã kêu gọi các thành viên trong đảng không tham gia vào nỗ lực của nhóm hạ nghị sĩ nhằm thách thức kết quả bầu cử. (Reuters/The Hill)
Ông Biden sẽ đảo ngược các ‘chính sách gây hại’ của ông Trump
Ngày 30/12, bà Jen Psaki, người phát ngôn ê kíp chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tuyên bố, chính quyền của ông Biden sẽ khẩn trương hành động khi nhậm chức vào ngày 20/1 để đảo ngược những ‘chính sách gây hại’ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Psaki nhấn mạnh: “Nhà Trắng của liên danh Biden-Harris sẽ đưa ra một thông báo nội bộ có hiệu lực vào chiều 20/1 theo giờ bờ Đông, theo đó sẽ chấm dứt hoặc đình chỉ những quy định nửa đêm”.
Cũng theo bà Psaki, ông Biden dự kiến sẽ công bố thêm các đề cử nhân sự cấp nội các trong tuần tới, đồng thời chỉ trích sự thiếu hợp tác của chính quyền Tổng thống Trump với ê kíp chuyển giao quyền lực. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ phái tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan
Ngày 31/12, Hải quân Mỹ xác nhận hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain và USS Curtis Wilbur thuộc lớp Arleigh Burke đã băng qua eo biển Đài Loan. Hải quân Mỹ cho biết việc các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S McCain và USS Curtis Wilbur "thực hiện một chuyến đi thường lệ qua eo biển Đài Loan vào ngày 31/12 là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế".
"Việc các tàu quá cảnh qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, ra khơi và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Đây là lần thứ mười ba Hải quân Mỹ triển khai tàu đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay và là lần thứ hai trong tháng này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tố cáo chuyến đi là "hành động khiêu khích" và "phô trương lực lượng" đồng thời cử thêm tàu chiến và máy bay Trung Quốc bám theo tàu của Mỹ. (Channel News Asia)
Mỹ-Nga
Tổng thống Nga Putin gửi thư cho ông Biden
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết thư cho Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden để chúc mừng năm mới, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng họ sẽ sớm làm việc cùng nhau để xây dựng mối quan hệ đã được cải thiện trên tinh thần bình đẳng.
Theo Điện Kremlin, trong thư gửi ông Biden, ông Putin nhấn mạnh đại dịch Covid-19 cùng những thách thức mà thế giới đối mặt trong năm qua đã khẳng định nhu cầu hợp tác quốc tế rộng rãi.
Ông Putin còn nói Nga và Mỹ có thể làm nhiều hơn để tăng cường ổn định và an ninh ở cấp khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga còn chúc Tổng thống Mỹ Donald Trump có sức khỏe tốt, tinh thần tốt và thịnh vượng cũng như chúc tất cả người dân Mỹ hạnh phúc và phát đạt. (RT)
Nga muốn cùng Mỹ tìm ra 'phương trình an ninh' mới
Ngày 30/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng soạn thảo một “phương trình an ninh” mới trong những cuộc đàm phán với Washington, trong đó sẽ tính đến mọi nhân tố ổn định chiến lược.
“Khi tình hình toàn cầu tiếp tục xấu đi, chúng tôi muốn Nga và Mỹ, (với vai trò là những quốc gia) chịu trách nhiệm đặc biệt đối với hoạt động duy trì an ninh quốc tế, ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một ‘phương trình an ninh’ mới - vốn sẽ tính đến mọi nhân tố ổn định chiến lược và công nghệ quân sự hiện đại” – ông Lavrov cho biết.
Khẳng định Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là công cụ luật pháp quốc tế cuối cùng để hạn chế tiềm năng tên lửa hạt nhân của 2 nước và làm cho những hoạt động trong lĩnh vực này có thể dự đoán và kiểm chứng được, ông Lavrov cho hay, Nga vẫn đang đợi chính quyền mới của Mỹ xác định cách tiếp cận với tương lai New START và những cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nói chung.
Ngoại trưởng Nga lưu ý: "Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng Hai năm sau. Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gia hạn hiệp ước này lên đến 5 năm mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”. (TASS)
Trung Đông
Tấn công táo tợn ở Yemen
Một vụ tấn công “đặc biệt nghiêm trọng” nhằm vào sân bay Aden, của Yemen đã xảy ra hôm 30/12, ngay khi 1 chuyến bay trở nhiều thành viên Nội các chính phủ mới của quốc gia Trung Đông này hạ cánh. Ít nhất 26 người thiệt mạng và 110 người bị thương trong vụ tấn công trên. Vụ việc được xem là hành động tấn công khủng bố, phá hoại những nỗ lực hòa bình cho Yemen.
Các hãng truyền thông khu vực cho biết, ít nhất 3 quả tên lửa đã rơi xuống 1 sảnh của sân bay, ngay sát chỗ đỗ của chiếc máy bay chở các quan chức chính phủ. Nhiều tiếng súng đã nổ ra sau đó. Sân bay hỗn loạn trong những làn đạn khói …
Những người thiệt mạng là dân thường, quan chức chính phủ, nhà báo và binh sĩ cùng 3 nhân viên của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Tuy nhiên, toàn bộ thành viên Nội các mới của Yemen trên chuyến bay đều được đảm bảo an toàn và được đưa về Phủ Tổng thống trong thành phố sau đó.
Tuy nhiên, sau vụ việc, giới chức Yemen còn cho biết, có 1 vụ nổ khác đã xảy ra gần Phủ Tổng thống – nơi các thành viên Nội các mới vừa được đưa về. Hãng tin Al-Arabiya cho biết, liên quân Arab sau đó đã bắn hạ một máy bay không người lái đang cố gắng tấn công Phủ Tổng thống. (Al-Arabiya)
Châu Âu
Mỹ áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ EU
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và EU tiếp tục tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho hoạt động chế tạo máy bay dân dụng của Boeing và Airbus.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xác nhận cơ quan này sẽ áp thuế bổ sung đối với các linh kiện chế tạo máy bay và một số loại vang không có gas, cũng như rượu cognac và các loại rượu mạnh khác nhập khẩu từ Pháp và Đức.
USTR cho biết các biện pháp thuế quan bổ sung nêu trên sẽ được sớm công bố, song không tiết lộ khi nào các mức thuế mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực. (AP)
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Ankara muốn nghiên cứu S-400 với Washington
Ngày 30/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara và Mỹ thành lập nhóm nghiên cứu chung về hệ thống S-400. Nhóm nghiên cứu được thành lập là kết quả đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Mỹ trong thời gian qua về thương vụ S-400 và những tác động của nó đến Mỹ và khối quân sự NATO.
Theo đó, Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien là hai người phụ trách chính trong việc điều phối công tác giữa hai nước. Ngoài ra Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ độc lập sử dụng hệ thống S-400 mà không tích hợp S-400 vào hệ thống phòng không của NATO.
Một số chuyên gia cho rằng, để giành lại máy bay chiến đấu F-35, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại gửi S-400 cho quân đội Mỹ để nghiên cứu chi tiết. Điều này đồng nghĩa với việc bán đứng bí mật quân sự của Nga.
Tuy nhiên, phía Nga cũng không quá lo sợ. Giám đốc cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Dmitry Shugaev khẳng định rằng: "Không thể sao chép hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph do vũ khí này được sản xuất với công nghệ cực tối tân của người Nga". (AFP)
Đại dịch Covid-19
Nga điều chế thuốc trị Covid-19, có thể hiệu quả 99%
Cơ quan Y tế và Sinh học Liên bang Nga (FMBA) thông báo về việc họ đang phát triển thuốc trị Covid-19. Nếu các thử nghiệm lâm sàng diễn ra thành công, đây có thể trở thành thuốc giải độc kháng virus trực tiếp đầu tiên trên thế giới nhằm cứu chữa những bệnh nhân Covid-19.
Người đứng đầu FMBA Veronika Skvortsova cho hay các nghiên cứu ban đầu mà cơ quan này thực hiện cho thấy loại thuốc trị Covid-19 hiện đang có hiệu quả trên 99%. Cơ chế hoạt động của thuốc sẽ là nhằm thẳng vào nguyên nhân gây ra bệnh Covid-19 và tiêu diệt mầm bệnh.
"Nếu thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc hiệu quả, nó sẽ trở thành loại thuốc kháng trực tiếp vi-rút SARS-CoV-2 an toàn, hiệu quả và chưa có phương thuốc nào tương tự trên thế giới", bà Skvortsova cho hay. (RT)
Trung Quốc phê duyệt vaccine Covid-19 đầu tiên
"Hôm qua, chính xác là đêm qua, chúng tôi đã phê duyệt vaccine do Viện Các sản phẩm Sinh học Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển phù hợp với luật pháp. Quá trình đánh giá cho thấy lợi ích của vaccine lớn hơn rủi ro. Vaccine vẫn sẽ tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 3", Chen Shifei, Cục phó Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết hôm 31/12.
Dựa trên dữ liệu tạm thời, Sinopharm cho biết vaccine Covid-19 của tập đoàn này đạt hiệu quả 79,34% trong việc phòng ngừa dịch bệnh, đủ an toàn để tiêm chủng. Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc yêu cầu các vaccine Covid-19 phải đạt được hiệu quả ở mức ít nhất 50% với khả năng miễn dịch kéo dài hơn 6 tháng mới được xem xét phê duyệt. (SCMP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận