24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Việt Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới 30/8: Kabul thành "hố lửa", khủng bố được "tháo chốt"? Mỹ vội tập hợp lực lượng; mở màn "đấu trường" tìm kiếm Thủ tướng Đức

Tình hình Afghanistan, Trung Quốc đề nghị quốc tế hướng dẫn Taliban, cuộc đua tìm kiếm Thủ tướng mới của Đức,... là một số tin thế giới nổi bật.

Tin thế giới 30/8: Kabul thành "hố lửa", khủng bố được "tháo chốt"? Mỹ vội tập hợp lực lượng; mở màn "đấu trường" tìm kiếm Thủ tướng Đức
Vòng tranh luận đầu tiên giữa 3 ứng viên Thủ tướng Đức diễn ra ngày 29/8. (Nguồn: AP)

Kabul thành khu vực bị tên lửa 'quần thảo', khủng bố đã được 'tháo chốt'?

Thủ đô của Afghanistan và sân bay quốc tế Hamid Kazai liên tiếp hứng chịu những đòn tấn công từ cả Mỹ lẫn một lực lượng chưa xác định kể từ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến gần 200 người thiệt mạng ở sân bay Kabul ngày 26/8.

Ngày 29/8, Mỹ tuyên bố tiến hành không kích vào một chiếc xe ở Kabul nhằm loại trừ mối đe dọa "sắp xảy ra" do ISIS-K, một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan, gây ra.

Vài giờ trước, Mỹ xác nhận nhiều rocket đã nã vào sân bay Kabul, tuy nhiên đã bị hệ thống phòng thủ C-RAM được lắp đặt tại sân bay đánh chặn. Washington cho rằng, ISIS-K tiến hành vụ tấn công này.

Mỹ và các quốc gia phương Tây vẫn cảnh giác cao độ, đồng thời nhận định, khả năng sẽ diễn ra các cuộc tấn công khủng bố khác.

Sau đòn không kích bất ngờ của Mỹ ở thủ đô Kabul, Taliban lên án hành động không báo trước này "không phải là một điều đúng đắn"

Lực lượng này tuyên bố: "Taliban có thể loại bỏ bất kỳ mối nguy hiểm nào ở Afghanistan. Nếu bất kỳ ai, kể cả Mỹ, phát hiện một vấn đề trên lãnh thổ của chúng tôi, thì họ phải cung cấp cho chúng tôi thông tin để Taliban có thể giải quyết vấn đề đó”. (Reuters, Sputnik)

Taliban tuyên bố sẽ sớm 'nắm' hoàn toàn sân bay Kabul

Al Jazeera dẫn một nguồn tin Taliban cho biết, lực lượng này sẽ kiểm soát hoàn toàn sân bay Kabul vào ngày 31/8 sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan.

Nguồn tin cho biết, Taliban đã tham vấn với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar về việc hỗ trợ kỹ thuật để vận hành sân bay này, song cho tới nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào

Trước đó, theo một tuyên bố chung do nhiều nước đồng loạt công bố, Taliban đảm bảo với khoảng 100 quốc gia rằng, phong trào này sẽ tiếp tục cho phép người nước ngoài và các công dân Afghanistan có giấy tờ hợp lệ rời khỏi quốc gia Nam Á theo một cách thức "an toàn và trật tự", ngay cả sau thời hạn chót để Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi nước này vào ngày 31/8. (Sputnik)

Mỹ tập hợp lực lượng tìm phương án ứng phó tình hình Afghanistan

Ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các ngoại trưởng của một số nước "đối tác then chốt" sẽ họp trực tuyến vào ngày 30/8 (giờ Mỹ) để thảo luận các bước đi tiếp theo tại Afghanistan, trong bối cảnh chiến dịch di tản người khỏi quốc gia Tây Nam Á này bước vào những ngày cuối cùng.

Tuyên bố của bộ trên nêu rõ, tham dự hội nghị do Mỹ đăng cai tổ chức dự kiến có các đại diện của Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những người tham dự sẽ thảo luận về "một cách tiếp cận phù hợp cho những ngày và tuần tới".

Tuyên bố cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ phát biểu sau cuộc họp để cập nhật về những nỗ lực gần đây của Washington tại Afghanistan. (Reuters)

Điện Kremlin: Còn quá sớm để thay đổi quan điểm của Nga về Taliban

Ngày 30/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện còn quá sớm để điều chỉnh quan điểm của Nga về Taliban.

Phát biểu trước báo giới, ông Peskov khẳng định: “Tổng thống Vladimir Putin và Bộ Ngoại giao đã nói Nga sẽ xem xét những động thái đầu tiên của giới lãnh đạo ở Afghanistan. Đừng quên rằng cơ cấu lãnh đạo ở Afghanistan thậm chí vẫn chưa được xây dựng”.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho hay, các cuộc sơ tán công dân nước ngoài và người dân Afghanistan vẫn đang được tiếp tục. (Sputnik)

Trung Quốc muốn thế giới 'chìa tay' với Taliban?

Ngày 29/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trao đổi quan điểm về tình hình Afghanistan và quan hệ Trung-Mỹ.

Ngoại trưởng Vương Nghị nhận định, tình hình ở Afghanistan đã có những thay đổi cơ bản và tất cả các bên cần phải liên lạc với Taliban cũng như "tích cực hướng dẫn" lực lượng này, đồng thời, quốc tế phải đảm bảo cung cấp cho Afghanistan những hỗ trợ khẩn cấp về mọi mặt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, hai nhà ngoại giao đã nói về "tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế yêu cầu Taliban chịu trách nhiệm về các cam kết công khai mà họ đã đưa ra liên quan đến 'hành lang an toàn' và tự do đi lại cho người Afghanistan và công dân nước ngoài."

Về quan hệ song phương, nhà ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng, đối thoại tốt hơn đối đầu và hợp tác tốt hơn xung đột, đồng thời cho biết, Bắc Kinh kiên quyết phản đối cái gọi là báo cáo điều tra về nguồn gốc Covid-19 do cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra.

Đáp lại, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Washington không muốn đổ lỗi cho bất kỳ nước nào về nguồn gốc của Covid-19 và lưu ý Mỹ sẵn sàng giữ liên lạc với Trung Quốc về vấn đề này. (THX, Reuters)

Israel-Palestine: Thủ tướng Israel bác khả năng đàm phán với Palestine

Ngày 30/8, truyền thông đưa tin, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã bác khả năng Israel và Palestine tiến tới một cuộc đàm phán hòa bình mới.

Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz có cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Dải Gaza. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa một quan chức Israel và nhà lãnh đạo Palestine trong nhiều năm.

Báo chí chính thống tại Israel dẫn một “nguồn tin thân cận với Thủ tướng” khẳng định: “Sẽ không có một tiến trình ngoại giao nào với Palestine”.

Tại cuộc gặp giữa ông Bennett với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/8, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhắc lại quan điểm về giải pháp “hai nhà nước” và “tầm quan trọng của việc cải thiện cuộc sống của người Palestine”.

Tuy nhiên, hiện chính phủ liên minh của ông Bennett đang đứng trước những mâu thuẫn nội bộ sâu sắc về việc có nối lại tiến trình hòa đàm với Palestine hay không. (Reuters)

Bầu cử Đức: Các ứng viên Thủ tướng bước vào vòng tranh luận đầu tiên

Tối 29/8, 3 ứng viên Thủ tướng Đức gồm Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Armin Laschet, đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, đại diện cho đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Chủ tịch đảng Xanh là bà Annalena Baerbock đã có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.

Đây là cuộc tranh luận đầu tiên giữa 3 ứng cử viên khi chỉ còn gần 4 tuần nữa là đến ngày tổng tuyển cử nhằm tìm ra người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel.

Trong suốt cuộc tranh luận kéo dài gần 2 giờ trên kênh truyền hình RTLN-TV, các ứng cử viên đã tranh luận về một loạt vấn đề đang được quan tâm, bao gồm vấn đề Afghanistan, đại dịch Covid-19..

Trong quá trình tranh luận, ông Laschet tỏ ra là ứng cử viên năng nổ nhất, đôi khi thiếu kiên nhẫn, trong khi ông Scholz lại là người kiệm lời nhất, tuy vậy, ứng viên SPD lại đang chiếm ưu thế trước hai đối thủ còn lại. (AFP)

Iran có tân Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử

Ngày 29/8, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã bổ nhiệm ông Mohammad Eslami, 64 tuổi, một kỹ sư dân sự, làm Giám đốc mới cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) thay thế ông Ali Akbar Salehi, một nhà khoa học hạt nhân từng tốt nghiệp tại Mỹ.

Tân Giám đốc AEOI không có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, từng là Bộ trưởng Vận tải và Phát triển đô thị dưới thời Tổng thống Hassan Rouhani và có mối liên hệ chặt chẽ với Bộ Quốc phòng nước này.

Năm 2008, ông Eslami bị Liên hợp quốc áp đặt trừng phạt với lý do "liên quan trực tiếp hoặc hỗ trợ các hoạt động phổ biến hạt nhân nhạy cảm của Iran hoặc phát triển các hệ thống phóng vũ khí hạt nhân".

Tại thời điểm đó, ông Eslami là người đứng đầu Viện Nghiên cứu và Huấn luyện Công nghiệp Quốc phòng của Iran. (Fars News)

Loạt động thái mới từ Triều Tiên trước chuyến thăm Mỹ của đặc phái viên Hàn Quốc

Ngày 29/8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Triều Tiên được cho là đã mở lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon để sản xuất plutonium, loại vật liệu có thể giúp nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra thông cáo cho biết, nước này lên án Hàn Quốc và Mỹ tổ chức cuộc tập trận quân sự chung mùa Hè mới đây, đồng thời cam kết tăng cường khả năng "răn đe hạt nhân" đủ mạnh để đối phó và loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài.

Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 29/8, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Noh Kyu-duk bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Mỹ.

Theo các chuyên gia, ông Noh Kyu-duk sẽ tập trung thảo luận về các dự án nhân đạo liên Triều một cách cụ thể hơn. Ngoài ra, hai bên cũng có thể chia sẻ ý kiến về việc Mỹ đưa ra biện pháp giảm nhẹ trừng phạt một phần, đổi lại Triều Tiên từng bước tiến tới phi hạt nhân hóa.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Noh Kyu-duk có kế hoạch gặp gỡ các quan chức Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và những quan chức khác để thảo luận tiếp về các nội dung mà ông đã thảo luận với ông Sung Kim ở Seoul. (Yonhap).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả