Tin thế giới 3/8: Nga hạ lệnh "đuổi người" cảnh cáo láng giềng; nín thở chờ "đòn" của Mỹ và đồng minh với Iran; "trò chơi lâu dài" Ấn-Trung
Căng thẳng Nga-Mỹ, quan hệ Ấn-Trung, vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman, tình hình Afghanistan, Belarus là một số tin thế giới nổi bật.
Nga-Estonia: Nga hạ lệnh trục xuất, cảnh báo Talin đừng leo thang
Ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu tập Đại sứ Estonia tại Moscow Margus Laidre để đã trao công hàm về việc một nhân viên Đại sứ quán Estonia phải rời khỏi Nga "trong vòng bảy ngày theo nguyên tắc có đi có lại".
Moscow cũng cảnh báo Talin không nên leo thang tình hình: "Nếu không, Bộ Ngoại giao Nga sẽ đưa ra phản ứng quyết định và Talin sẽ phải chịu mọi trách nhiệm về sự xấu đi của quan hệ song phương".
Hồi tháng 7, Moscow đã trục xuất nhân viên lãnh sự Estonia ở St. Petersburg Mart Latte, vốn bị Cơ quan An ninh Nga bắt giữ khi đang nhận tài liệu mật. Talin sau đó đáp trả bằng việc trục xuất một nhà ngoại giao Nga. (TASS)
Ấn Độ-Trung Quốc: Trò chơi lâu dài
Gần đây, cựu Bí thư Đối ngoại (Thứ trưởng) Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale đã xuất bản cuốn sách mới với tiêu đề Trò chơi lâu dài: Cách Trung Quốc đàm phán với Ấn Độ, dự đoán có thể sẽ gây ra những tác động về chính trị và ngoại giao.
Cuốn sách của ông Gokhale bao gồm 6 chủ đề mà Ấn Độ và Trung Quốc đã đàm phán trong 75 năm qua - bắt đầu từ việc Ấn Độ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho đến vấn đề Tây Tạng, các vụ thử hạt nhân ở Pokhran, Sikkim, thỏa thuận hạt nhân Ấn-Mỹ và việc đưa tên Masood Azhar vào danh sách “khủng bố toàn cầu” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Một trong những tuyên bố thú vị nhất trong cuốn sách này là việc ông Gokhale nói rằng, Trung Quốc cố gắng "lợi dụng các đảng cánh tả ở Ấn Độ để phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Ấn-Mỹ".
Trên cương vị Vụ trưởng phụ trách Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Gokhale đã phụ trách giao thiệp với Trung Quốc từ năm 2007-2009, khi thỏa thuận trên đang được đàm phán và Ấn Độ nhận được quyền miễn trừ của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) sau khi Bắc Kinh nhượng bộ. (The Indian Express)
Mỹ-Philippines: Tổng thống Duterte nhắn Mỹ: Đừng quên chúng tôi!
Trong bài phát biểu hôm 2/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng, việc ông giữ lại Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) ký năm 1998 - cho phép hàng nghìn quân Mỹ tới Philippines thực hiện các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo - là hành động nhượng bộ để đổi lấy các liều vaccine ngừa Covid-19.
Nhà lãnh đạo Philippines nói: "Đó chỉ là cho đi và nhận lại. Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính phủ và người dân Mỹ vì đã không quên chúng tôi. Đừng quên chúng tôi, vì chúng tôi có cùng quan điểm (với Mỹ) về địa chính trị, đặc biệt là ở Đông Nam Á". (Bloomberg)
Vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman: Nín thở chờ 'đòn'
Ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại cam kết rằng, nước này cùng các đồng minh như Anh, Israel, Romania và các quốc gia khác sẽ có một “phản ứng tập thể” đối với Iran - quốc gia bị cáo buộc đứng đằng sau vụ tấn công tàu chở dầu Mercer Street của Israel.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tái khẳng định kết luận của nước này rằng, chủ mưu vụ tấn công là Iran và vụ việc là “mối đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và thương mại".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định Iran sẽ phải đối mặt với "những hậu quả từ hành vi mà họ đã thực hiện".
Hiện vẫn chưa rõ Mỹ, Anh và các quốc gia khác sẽ phản ứng theo cách thức nào đối với Iran. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố, Tehran sẽ đáp trả thích đáng trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh nước này, đồng thời bác các cáo buộc của phương Tây là vô căn cứ và sai trái. (Reuters)
Nga-Mỹ: Căng thẳng thị thực đeo bám
Ngày 2/8, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thông báo nhận được danh sách 24 nhà ngoại giao dự kiến sẽ phải rời khỏi Washington trước ngày 3/9, đồng thời bày tỏ thất vọng về điều mà ông gọi là "trục xuất" các nhà ngoại giao Moscow.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã miêu tả phát biểu của Đại sứ Antonov là không chuẩn xác, khẳng định nhân viên ngoại giao Nga đều biết thị thực của họ sẽ hết hạn sau 3 năm theo quy định siết chặt mới của Washington và họ hoàn toàn có thể xin gia hạn.
Ông Price cho biết thêm, Moscow đã buộc Washington phải sa thải gần 200 nhân viên người địa phương tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Nga do lệnh cấm mới về việc thuê nhân viên người Nga hoặc nước thứ ba có hiệu lực từ ngày 1/8. Hiện Đại sứ quán Mỹ tại Nga chỉ còn 120 nhân viên, mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Do thiếu nhân sự, cơ quan này sẽ ngừng cấp thị thực cho công dân Nga từ ngày 2/8 và khuyến cáo họ nên nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ từ các nước khác.
Tuy nhiên, Nga khẳng định không cấm Mỹ sử dụng đầy đủ chỉ tiêu 455 nhân viên cho Đại sứ quán tại Moscow nhưng mong muốn Washington sẽ sử dụng nhân viên là công dân Mỹ. (TASS)
Belarus: IOC điều tra về trường hợp vận động viên đào tẩu
Ngày 3/8, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo quyết định mở một cuộc điều tra chính thức về trường hợp của vận động viên người Belarus Krystsina Tsimanouskaya, người đã lên tiếng cầu cứu vì bị đội của cô ép hồi hương khi tham dự Olympic Tokyo cuối tuần qua.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn của IOC Mark Adams chỉ rõ, Ủy ban này đang đợi nhận được báo cáo về vụ việc từ Ủy ban Olympic Belarus vào cuối ngày 3/8, đồng thời khẳng định: "Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho vận động viên".
Trong khi đó, vận động viên Tsimanouskaya sẽ tới Ba Lan trong ngày 4/8, sau khi đã được Warsaw đồng ý cấp thị thực nhân đạo.
Trong một tin khác, cùng ngày, cảnh sát Ukraine đã phát hiện thi thể của nhà hoạt động Vitaly Shishov, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Ngôi nhà của người Belarus tại Ukraine, vốn được thông báo mất tích trước đó, tại một công viên ở thủ đô Kiev.
Thông cáo xác nhận: "Thi thể của công dân Belarus Vitaly Shishov được phát hiện bị treo cổ tại một công viên ở Kiev gần nơi cư trú của ông". Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với vụ án. (Reuters, AFP)
Tình hình Afghanistan: Nga sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại
Ngày 3/8, Vụ trưởng Vụ các thách thức và đe dọa mới thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Tarabrin cho biết, Moscow sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại về vấn đề Afghanistan theo cơ chế Troika (bao gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ), cũng như trong cơ chế Troika mở rộng với sự tham gia của Pakistan.
Liên quan việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, ông Tarabrin cho rằng, "rời khỏi Afghanistan, người Mỹ tuyên bố rằng: các sáng kiến chống ma túy của họ trên thực tế đã thất bại".
Theo nhà ngoại giao Nga này, khoảng 84% sản lượng thuốc phiện toàn cầu được sản xuất tại Afghanistan. Ông lưu ý thêm, trong những năm gần đây, quốc gia Nam Á này đã trở thành một phòng thí nghiệm methamphetamine (một chất kích thích thần kinh được sử dụng chủ yếu để tổng hợp ma túy) lớn.
Liên quan tình hình ở Afghanistan, ngày 2/8, Ngoại trưởng nước này Mohammad Haneef Atmar cho biết chính quyền Kabul sẵn sàng hợp tác với phong trào Hồi giáo Taliban, với điều kiện là Taliban phải chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.(Sputnik)
Tình hình Venezuela: Peru kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Venezuela
Ngày 2/8, phát biểu trên kênh truyền hình Canal N của Peru, Ngoại trưởng nước này Hector Bejar đã lên tiếng kêu gọi bình thường hóa quan hệ với nước Venezuela.
Ông Bejar khẳng định: “Chính sách của chúng tôi là phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và phong tỏa. Venezuela là một đất nước đang bị đẩy vào ngõ cụt. Cùng với các quốc gia châu Âu và châu Mỹ Latinh, chúng tôi sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về các xu hướng chính trị ở Venezuela mà không can thiệp vào chính sách nội bộ của họ”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Peru khẳng định, chính sách đối ngoại của nước này từ nay "sẽ dân chủ, dựa trên sự trung thực và bảo vệ quyền con người". (Sputnik)
Tàu chiến Đức sẽ đi vào Biển Đông
Ngày 3/8, tờ Sydney Morning Herald (SMH) dẫn thông báo từ Đức cho biết, tàu Bayern cùng 230 thành viên thủy thủ đoàn đã rời cảng Wilhelmshaven để thực hiện chuyến đi kéo dài một tháng qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong chuyến đi, tàu sẽ cập cảng các nước Australia, Guam, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ và bờ biển phía Đông châu Phi. Tàu dự kiến sẽ ghé thăm cảng Perth của Australia vào tháng 10 trước khi đi qua Biển Đông.
Theo SMH, với việc ghé thăm Thượng Hải, Trung Quốc, tàu chiến Đức sẽ không “gây phản cảm” với Bắc Kinh giống như các chuyến đi gần đây của các tàu Anh và Pháp qua Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyến đi của khinh hạm Đức qua khu vực Biển Đông vào cuối năm nay thể hiện lập trường của Đức về việc đề cao Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong các tranh chấp trên vùng biển này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận