Tin thế giới 28/5: Nga thất vọng về Mỹ, một mực "bênh" Belarus; Mỹ quyết ‘chơi lớn’ trước Trung Quốc; Ngòi nổ Armenia-Azerbaijan sắp bung?
Căng thẳng Mỹ-Nga, cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng Armenia-Azerbaijan, nguồn gốc Covid-19... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
Mỹ-Trung Quốc:
Mỹ đề xuất ngân sách quốc phòng khủng nhằm ‘răn đe’ Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên 715 tỷ USD trong nỗ lực tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc. Đề xuất này của chính quyền Biden sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ hôm 28/5 để xem xét, chờ thông qua.
Ngân sách quốc phòng mới bao gồm các khoản chi nâng cấp các hệ thống cũ và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ và củng cố Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI)… nhằm đối phó hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trong khu vực và sự phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân của nước này.
Theo đó, chính quyền Biden sẽ trang bị 85 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, với khả năng mang bom hạt nhân và 8 tàu chiến mới.
Mỹ cũng muốn nâng cao khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân trên các tàu ngầm, cũng như phát triển và thử nghiệm thêm vũ khí siêu thanh cũng như các hệ thống vũ khí "thế hệ tiếp theo". (Reuters)
‘Thời kỳ Mỹ cam kết với Trung Quốc đã kết thúc’
Đó là khẳng định của Giám đốc chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell. Đồng thời, ông Campbell cho biết, hai nước sẽ tiến vào một cuộc cạnh tranh.
“Trung Quốc đang ngày càng sử dụng "quyền lực thô bạo hoặc quyền lực cứng rắn", với chính sách đối ngoại hung hăng hơn gây ra các vấn đề như căng thẳng biên giới với Ấn Độ, chiến dịch kinh tế chống lại Australia và nhiều tương tác quân sự hơn ở Biển Đông.” – ông Campbell nói trong một sự kiện trực tuyến của Đại học Stanford.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết việc Washington sử dụng từ "cạnh tranh" để xác định mối quan hệ giữa hai nước là "hoàn toàn sai lầm".
Đồng thời, ông nhấn mạnh Bắc Kinh "kiên quyết bác bỏ các nỗ lực của Mỹ nhằm loại trừ, kiềm chế và đàn áp Trung Quốc dưới ngọn cờ của sự cạnh tranh". (SCMP)
Trung Quốc nói Mỹ cần ‘chân thành’ hơn
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27/5 đã kêu gọi Mỹ thể hiện "sự chân thành" nếu muốn cải thiện liên lạc giữa lực lượng quân đội hai bên.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán, thể hiện sự chân thành của mình, tăng cường đối thoại và liên lạc cũng như quản lý các tranh chấp một cách hợp lý” - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei tuyên bố.
Ông Tan cũng cảnh báo hoạt động của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang "khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn" trước nguy cơ chạm trán giữa tàu chiến hai bên ngày càng tăng cao. (SCMP)
Mỹ-Nga:
Mỹ gọi nguồn khí đốt của Nga là ‘bẩn’ nhất thế giới
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm ngày 27/5 tuyên bố nguồn khí tự nhiên được khai thác ở Nga được cho là "bẩn" nhất thế giới trong một phiên điều trần tại Ủy ban Khoa học, Vũ trụ và Công nghệ của Hạ viện Mỹ.
Vốn phản đối dự án khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2”, người đứng đầu Bộ Năng lượng còn nói rằng Washington coi đường ống dẫn khí đốt nói trên là "rất nguy hiểm" và nêu rõ: "Đó là việc vận chuyển nguồn khí tự nhiên bẩn nhất trên Trái đất mà không có gì đảm bảo an toàn trong vấn đề thải phát khí metan. Điều này có hại cho khí hậu của chúng ta". (Sputnik)
Nga thất vọng về việc Mỹ không quay lại Hiệp ước Bầu trời Mở
Ngày 28/5, Nga đã gọi quyết định của Mỹ khi không tham gia vào Hiệp ước Bầu trời Mở là một “sai lầm chính trị” và đánh dấu một "nốt trầm" trong quan hệ hai bên trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời ông Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga ngày 28/5 cho biết, Moscow cảm thấy thất vọng nhưng không hoàn toàn bất ngờ về quyết định của ông Biden.
"Điều đó chắc chắn khiến chúng tôi không mấy vui vẻ và thật thất vọng bởi Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội nữa nhằm đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy an ninh châu Âu", ông Ryabkov nhận định.
Ông Ryabkov cho rằng, việc Mỹ từ chối tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời Mở đã tạo ra bầu không khí không mấy có lợi về những cuộc thảo luận kiểm soát vũ trang tại Hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden sắp tới.
Trước đó, hôm 27/5, Mỹ thông báo với Nga rằng nước này sẽ không tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời Mở mà Washington đã từ bỏ hồi tháng 11/2020, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước mặc dù Moscow đã phủ nhận. (Reuters)
Đáp trả EU, Nga 'cấm cửa' các hãng bay từ châu Âu
Trong một động thái leo thang của Điện Kremlin, Nga đã buộc nhiều chuyến bay từ Áo và Pháp phải huỷ bỏ khi không tiếp nhận các máy bay này hạ cánh xuống sân bay ở Moscow.
Cả hai hãng đã công bố các tuyến bay mới đi qua Belarus. Air France và Austrian Airlines đã tuân theo khuyến nghị của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA). Không rõ liệu đòn trả đũa của Moscow chỉ là tạm thời hay báo hiệu một sự bế tắc lâu dài hơn, từ đó có thể dẫn đến các biện pháp đối phó với tàu sân bay quốc gia Nga Aeroflot.
Giới chức hàng không Nga đã từ chối tiếp nhận một chuyến bay Vienna - Moscow của Austrian Airlines và hai chuyến bay Paris - Moscow của Air France nhằm trả đũa lệnh cấm máy bay vào không phận Belarus từ các nước châu Âu. (Reuters)
Căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia tái diễn
Theo hãng tin Reuters, ngày 28/5, Azerbaijan cho biết một binh sĩ của nước này đã bị thương khi lực lượng Armenia nổ súng tấn công trong đêm vào các vị trí của Azerbaijan.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết lực lượng Armenia đã nổ súng từ nhiều phía vào các vị trí của Azerbaijan tại khu vực Nakhchivan nằm ở khu vực giáp giới với Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hậu quả là một binh sĩ bị thương ở vai và đã được đưa đến bệnh viện để điều trị.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Armenia bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Baku.
Những ngày qua, 2 nước liên tục có động thái leo thang ở khu vực biên giới, sau cuộc chiến năm ngoái ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Sau Pháp, Đức thừa nhận tội ác diệt chủng
Ngày 28/5, Đức lần đầu tiên đã thừa nhận nước này phạm tội diệt chủng tại Namibia trong thời gian chiếm đóng thuộc địa, với việc Berlin cam kết hỗ trợ tài chính trị giá hơn 1 tỷ Euro cho các dự án viện trợ tại quốc gia châu Phi này.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ: "Hiện tại, chúng tôi sẽ chính thức nhắc tới những sự kiện này như những gì chúng đã diễn ra theo quan điểm của ngày hôm nay: diệt chủng".
Nhà ngoại giao này còn hoan nghênh một thỏa thuận sau 5 năm đàm phán với Namibia, nơi từng là thuộc địa của Đức từ năm 1884-1915.
Phát biểu với hãng tin AFP, người phát ngôn Tổng thống Namibia Hage Geingob - ông Alfredo Hengari nhấn mạnh: “Việc Đức thừa nhận phạm tội ác diệt chủng là bước đầu tiên đúng hướng".
Trung Quốc phản đối Tuyên bố chung giữa EU và Nhật Bản
Ngày 27/5, Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã kiên quyết phản đối những nhận xét trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản, cho rằng chúng "đã hoàn toàn vượt ra ngoài tiêu chuẩn dành cho sự phát triển các quan hệ song phương".
Phát ngôn viên này nhấn mạnh: "Các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương là công việc nội bộ của Trung Quốc. Biển Hoa Đông và Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Tất cả những vấn đề này đại diện cho lợi ích cơ bản của Trung Quốc và không thể can thiệp".
Phát ngôn viên của phái đoàn Trung Quốc cho rằng: "Những nhận xét như vậy làm suy yếu hòa bình và ổn định quốc tế, làm tổn hại đến sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, làm tổn hại lợi ích của các bên thứ ba và đi ngược lại những gì họ tuyên bố là làm việc cho một thế giới an toàn, dân chủ và ổn định hơn". (THX)
Cuba bác cáo buộc của Mỹ về vấn đề hợp tác chống khủng bố
Ngày 27/5, Bộ Ngoại giao Cuba đã ra thông cáo phản bác việc Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục đưa đảo quốc Caribe này vào danh sách “các nước không hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Havana khẳng định đây là “hành vi vô trách nhiệm và đáng hổ thẹn”, dựa trên những cáo buộc hoàn toàn thiếu căn cứ và mang động cơ chính trị là bào chữa cho những hành động xâm phạm của Washington chống Cuba, bao gồm cuộc bao vây, cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính hơn 60 năm qua.
Bộ Ngoại giao Cuba cũng nhấn mạnh các hành động đơn phương và thiên lệch của Mỹ trong những danh sách liên quan tới chủ nghĩa khủng bố là bất hợp pháp, đi ngược lại Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. (Reuters)
Mỹ nghi Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm?
Cộng đồng tình báo Mỹ hôm 27/5 thừa nhận các cơ quan của họ tin rằng có 2 giả thuyết liên quan đến nguồn gốc của dịch Covid-19.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) cho biết: “Cộng đồng Tình báo Mỹ không biết chính xác địa điểm, thời gian hoặc bằng cách nào mà virus SARS-CoV-2 lây truyền ở thời điểm ban đầu, song đã tổng hợp lại thành 2 kịch bản có thể xảy ra”.
Tuy nhiên, ODNI cũng nói rằng, các quan điểm ủng hộ 2 giả thuyết trên chỉ có "độ tin cậy thấp hoặc trung bình".
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận cho biết cả Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đều chưa khẳng định sẽ ủng hộ giả thuyết nào. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận