menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Tin thế giới 28/12: Nga tính "phủ sóng" S-400 ra thế giới, NATO "thanh minh"; Omicron mang tín hiệu "sáng"?

Căng thẳng Nga-NATO, S-400, quan hệ Nga-Mỹ, dự thảo sửa đổi Hiến pháp Belarus, biến thể Omicron... là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 28/12: Nga tính "phủ sóng" S-400 ra thế giới, NATO "thanh minh"; Omicron mang tín hiệu "sáng"?
Nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi cho rằng, biến thể Omicron có khả năng sẽ giúp loại trừ nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta. (Nguồn: Getty Images)

Nga đàm phán với một số nước về cung cấp S-400 mới

Thư ký báo chí của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự (FSMTC) Nga Valeria Reshetnikova cho biết, có một số quốc gia đang làm việc với nước này về vấn đề mua hệ thống tên lửa phòng không mới S-400 Triumph, và Moscow cùng các bên đang tiến hành các cuộc đàm phán tương ứng.

Theo lời bà Reshetnikova, do "lối cạnh tranh không lành mạnh từ phía Mỹ- gây áp lực chính trị với khách hàng và đe dọa bằng các biện pháp trừng phạt, một số nước không tiện quảng bá về sự quan tâm của họ đối với các hệ thống này".

Bên cạnh đó, Thư ký báo chí này cho biết thêm, Moscow cũng đang đàm phán với một số khách hàng nước ngoài theo nội dung cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz và Buk-M3. (Sputnik)

NATO "thanh minh": Hàng trăm vụ xuất kích đều vì... Nga

Hãng thông tấn AP đưa tin, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, trong năm 2021, nguyên nhân khiến máy bay của liên minh phải cất cánh nhiều lần nhất là do máy bay quân sự Nga bay "quá gần không phận các nước thành viên".

Theo liên minh này, tổng cộng trong năm, không quân NATO đã thực hiện 370 phi vụ, trong đó có 290 phi vụ đặc biệt liên quan đến Nga, hầu hết đều xuất kích ngăn chặn các hoạt động của Nga ở các nước Baltic.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cảnh báo nguy cơ các "hành động khiêu khích có chủ đích" của NATO gần biên giới Nga có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Theo ông, trong năm 2021, số lần các máy bay Mỹ xuất kích tăng từ 436 lên 710, trong khi các máy bay ném bom chiến lược B-IB và B-52H của Không quân Mỹ bay trong không phận Biển Đen với khả năng tiếp cận ranh giới có điều kiện để sử dụng vũ khí là 92 lần.

Tổng cộng, năm 2021, NATO đã tiến hành 15 cuộc tập trận ở Biển Đen, năm 2020 là 8 cuộc. Và các tàu chiến và tàu phụ trợ của các nước thành viên NATO ở ngoài khu vực cũng thường xuyên hiện diện ở đó. (Sputnik)

Nga-Mỹ nhất trí tiến hành đàm phán an ninh vào tháng 1/2022

Các quan chức Mỹ và Nga sẽ tiến hành các cuộc đàm phán an ninh vào ngày 10/1/2022 trong bối cảnh hai bên đều quan ngại về sự gia tăng căng thẳng liên quan đến hoạt động tăng cường quân sự xung quanh Ukraine.

Trong thông báo ngày 27/12, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng cho biết, cuộc gặp này là một phần trong sáng kiến Đối thoại An ninh chiến lược đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ở Geneva, Thụy Sỹ, hồi tháng 6 vừa qua.

Theo quan chức Nhà Trắng trên, tại cuộc gặp này, Mỹ và Nga cũng sẽ đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Theo kế hoạch, sau cuộc đàm phán, các đại diện Nga và NATO sẽ nhóm họp vào ngày 12/1/2022 trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga.

Trong ngày tiếp theo, 13/1/2022, Nga cùng Hội đồng thường trực của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó có Mỹ, cũng sẽ tiến hành đàm phán. Dự kiến, cả hai cuộc đàm phán này sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine. (Reuters, AFP)

Đàm phán hạt nhân Iran: Bắt đầu vòng mới, Nga-Trung-Iran tham vấn

Ngày 27/12, vòng đàm phán gián tiếp mới nhất giữa Iran và Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diễn (JCPOA), đã được nối lại tại Vienna (Áo).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, tại vòng đàm phán mới nhất này, các bên sẽ tập trung thảo luận một "văn bản mới và thống nhất", bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và vấn đề hạt nhân vốn đạt được trong vòng đàm phán trước đó.

Trước đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, Tehran mong muốn đạt được thỏa thuận ngay khi vòng đàm phán thứ 8 này được nối lại.

Tuy nhiên, Iran sẽ không chấp nhận các đề nghị không có trong JCPOA và sẽ tiếp tục theo đuổi các lợi ích của nước này liên quan thỏa thuận.

Trước thềm vòng đàm phán này, cùng ngày, các phái đoàn của Iran, Trung Quốc và Nga đã gặp nhau để tham vấn.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Vienna Vương Quần kêu gọi các bên nỗ lực tìm tiếng nói chung để hóa giải những khác biệt và cùng nhau thúc đẩy các đột phá mới trong vòng đàm phán này.

Theo nhà ngoại giao này, "không nên áp dụng chủ nghĩa thực dụng và các tiêu chuẩn kép" cũng như lạm dụng các biện pháp trừng phạt để theo đuổi lợi ích của riêng một quốc gia nào trong các vấn đề hạt nhân Iran và các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân liên quan. (Sputnik)

Sửa đổi Hiến pháp Belarus: Điểm đáng chú ý

Ngày 27/12, Belarus công bố dự thảo sửa đổi hiến pháp, trong đó loại trừ khả năng gây hấn quân sự từ lãnh thổ của nước này nhằm vào các quốc gia khác.

Theo dự thảo, Minsk cấm các nước ngoài và tổ chức nước ngoài cung cấp tài chính cho công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử ở Belarus.

Ngoài ra, dự thảo cũng có đoạn: "Cộng hòa Belarus có thể cấp quyền tị nạn cho công dân nước ngoài và những người không có quốc tịch, bị ngược đãi ở các nước khác vì lý do chính trị, tôn giáo hoặc quốc tịch".

Bên cạnh đó, Belarus có thể phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đảm bảo an toàn trong sản xuất và sử dụng.

Về vị trí Tổng thống Belaurs, dự thảo Hiến pháp nêu rõ, một người không được phép đảm nhiệm cương vị này quá hai nhiệm kỳ.

Theo đó, “Tổng thống nước Cộng hòa Belarus có nhiệm kỳ 5 năm do người dân bầu trực tiếp trên cơ sở phổ thông, tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín trực tiếp”.

Ngoài ra, dự thảo hiến pháp cũng quy định Tổng thống có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trong nước trong trường hợp xảy ra đảo chính, có bất ổn quy mô lớn và âm mưu thay đổi hiến pháp bằng vũ lực đe dọa sự tồn tại của nhà nước và gây nguy hiểm cho người dân Belarus. (Sputnik)

Lebanon: Công bố thời điểm tổng tuyển cử, kêu gọi đối thoại dân tộc

Ngày 27/12, Bộ trưởng Nội vụ Lebanon Bassam Mawlawi thông báo, cuộc bầu cử quốc hội ở nước này sẽ được tổ chức vào ngày 15/5/2022, trong khi công dân sống ở nước ngoài sẽ có thể bỏ phiếu vào ngày 6 hoặc 8/5/2022.

Trong khi đó, Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng Najib Mikati đã đồng loạt kêu gọi đối thoại quốc gia khẩn cấp về các vấn đề như về chính sách đối ngoại và cải thiện quan hệ với các nước Arab vùng Vịnh, phân quyền tài chính và hành chính, xây dựng chiến lược quốc phòng và kế hoạch phục hồi kinh tế. (Reuters)

Somalia: Thủ tướng họp tố Tổng thống âm mưu đảo chính, Mỹ về phe ai?

Ngày 27/12, trong một tuyên bố trên Facebook sau khi bị Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed đình chỉ chức vụ, Thủ tướng nước này Mohammed Hussein Roble nêu rõ: "Các hành động của Tổng thống Abdullahi là một nỗ lực đảo chính công khai chống lại chính phủ và hiến pháp quốc gia".

Truyền thông nhà nước Somalia cho biết, Thủ tướng Roble đã lập tức có cuộc gặp với lãnh đạo quân đội, tại Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Mogadishu.

Theo truyền thông, quân đội Somalia cũng đã phản đối hành động của Tổng thống Farmaajo và gọi đây là một "âm mưu đảo chính".

Thủ tướng Somalia Roble cho biết, ông đã ra lệnh cho tất cả lực lượng an ninh nước này nhận lệnh trực tiếp từ ông. Động thái này có thể khoét sâu thêm những căng thẳng giữa ông và Tổng thống.

Trong khi đó, tối cùng ngày, Mỹ tuyên bố nỗ lực đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Somalia Mohammed Hussein Roble là đáng báo động, đồng thời khẳng định ủng hộ nỗ lực của ông Roble đối với các cuộc bầu cử nhanh chóng và đáng tin cậy.

Cục Các vấn đề châu Phi của Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh, Washington cũng đã có sự chuẩn bị cho hành động chống lại những ai cản trở lộ trình hướng tới hòa bình của Somalia. (Reuters)

Nhiễm biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng miễn dịch trước Delta?

Các nhà khoa học Nam Phi mới đây đã tiến hành một nghiên cứu, theo đó, cho rằng, những người nhiễm biến thể Omicron, đặc biệt là những người đã tiêm phòng Covid-19, sẽ có khả năng tăng cường miễn dịch trước biến thể Delta.

Nghiên cứu có sự tham gia của 33 người đã tiêm phòng và chưa tiêm phòng Covid-19. Tất cả những người này đều nhiễm biến thể Omicron tại Nam Phi.

Các tác giả phát hiện ra rằng, khả năng trung hòa biến thể Omicron sẽ tăng gấp 14 lần trong 14 ngày sau khi tham gia nghiên cứu, trong khi khả năng trung hòa biến thể Delta cũng tăng 4,4 lần.

Theo các nhà khoa học, việc tăng khả năng trung hòa biến thể Delta đối với những người nhiễm biến thể Omicron có thể làm giảm nguy cơ những người này tái nhiễm Delta.

Giáo sư của Viện Nghiên cứu Y tế châu Phi tại Nam Phi Alex Sigal nhận định, nếu biến thể Omicron ít có khả năng gây bệnh nghiêm trọng như tình hình dịch tại Nam Phi thời gian qua, thì biến thể này sẽ giúp loại trừ nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta.

Theo nghiên cứu trước đó của Nam Phi, những người nhiễm biến thể Omicron có tỷ lệ nhập viện và mắc bệnh nghiêm trọng thấp hơn so với những người nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, kết quả này nhiều khả năng là do tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng. (TTXVN)

Một số tin nổi bật khác

Tổng thống Mỹ chính thức ký Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng: Ngày 27/12, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật đối với Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2022, qua đó phê duyệt khoản ngân sách 770 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng.
Israel nã tên lửa dồn dập vào Syria, cảng Latakia chìm trong biển lửa: Ngày 28/12, truyền thông nhà nước Syria đưa tin, Israel đã tấn công tên lửa vào nước này, gây hỏa hoạn tại khu vực container chứa hàng của cảng Latakia, gây ra những tổn thất lớn về vật chất và nước này đang tiếp tục đánh giá thiệt hại.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại