Tin thế giới 26/1: Bắc Kinh "khuyên" ông Biden rút ra bài học; Ấn Độ hành động "gắt" với Trung Quốc; Israel mất kiên nhẫn dọa tấn công Iran
Quan hệ Trung Quốc với Mỹ và Ấn Độ, Iran-Israel, vụ Navalny, diễn biến mới quanh vụ Indonesia bắt tàu chở dầu Iran là một số tin thế giới nổi bật.
Mỹ-Trung: Bắc Kinh nói ông Biden nên rút ra bài học từ người tiền nhiệm
Chiều 26/1, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, hợp tác Trung-Mỹ là "lựa chọn đúng đắn duy nhất" có lợi cho cả hai, trong khi đối đầu sẽ gây tổn hại cho hai bên.
Theo nhà ngoại giao này, trong vài năm qua, "chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã có những sai lầm trong định hướng, coi Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chiến lược hoặc thậm chí là một mối đe dọa", vì thế đã áp dụng một loạt "hành động sai trái", dẫn đến "cục diện gay go bất thường trong quan hệ Trung-Mỹ".
Ông Triệu Lập Kiên bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Mỹ có thể "rút ra bài học từ những chính sách sai lầm của chính quyền ông Trump đối với Bắc Kinh", đối xử với Trung Quốc và mối quan hệ Trung-Mỹ một cách khách quan và lý trí, áp dụng chính sách tích cực và mang tính xây dựng đối với Trung Quốc. (AP)
Indonesia bắt tàu chở dầu Iran: Jakarta có động thái mới nhất
Ngày 26/1, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, theo Cơ quan an ninh hàng hải (Bakamla), việc bắt giữ hai tàu chở dầu MT Horse treo cờ Iran và tàu MT Freya treo cờ Panama ở vùng biển Pontianak, ngoài khơi đảo Borneo, tỉnh Kalimantan, Indonesia hôm 24/1 là vì nghi ngờ 2 tàu này vi phạm luật pháp quốc tế.
Hiện Bakamla vẫn đang điều tra để xác định rõ hơn về các vi phạm của hai tàu chở dầu trên.
Khi bị phát hiện, tàu MT Horse đang sang mạn dầu trái phép cho tàu MT Freya, cả hai tàu trên đều không treo cờ, tắt hệ thống nhận dạng tự động cũng như không trả lời điện đàm của lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia.
Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) yêu cầu các tàu thuyền sử dụng hệ thống tiếp sóng để đảm bảo an toàn và minh bạch. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn có thể tắt các thiết bị trong trường hợp phát hiện cướp biển hoặc các mối nguy hiểm tương tự. (Reuters)
Iran cảnh báo dừng hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA
Ngày 25/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố, nước này sẽ ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của Tehran, nếu các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) không thực hiện đầy đủ các cam kết.
Tuy nhiên, ông này khẳng định, Iran sẽ không trục xuất các thanh sát viên của IAEA và hợp tác giữa Tehran và cơ quan này sẽ không bị gián đoạn. (IANS)
Mất kiên nhẫn, Israel công khai tuyên bố sẽ tấn công Iran nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt
Trang mạng Breaking Defense đưa tin, Israel đã tuyên bố công khai rằng, nước này sẽ tấn công Iran nếu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Tehran và đồng ý quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà nhà nước Do Thái tuyên bố là "trò lừa bịp lớn nhất trong lịch sử gần đây".
Một nguồn tin từ Israel nói với trang mạng này rằng: “Israel cần sớm biết liệu Washington có kế hoạch ngăn chặn cuộc chạy đua chế tạo bom của Iran hay thực hiện một số hành động để làm điều này quay trở lại thỏa thuận hạt nhân”.
Nguồn tin này cho biết, lực lượng tình báo Israel đang theo dõi chặt chẽ các cơ sở hạt nhân của Iran và "cập nhật thông tin từng giờ cho những người cần biết".
Nguồn tin trên lưu ý thêm rằng: “Áp lực này sẽ tiếp tục và tăng lên, như sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công trực tiếp vào các mục tiêu tại Iran". (Breaking defense)
Ấn Độ-Trung Quốc: Bắc Kinh nói về tin đụng độ với quân đội Ấn Độ ở biên giới
Trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Triệu Lập Kiên cho biết, "không nhận được thông tin gì để cung cấp" cho báo giới liên quan đến "vụ đụng độ mới nhất ở bang Sikkim, gần Tây Tạng, giữa quân đội Trung-Ấn" mà truyền thông Ấn Độ đưa tin.
"Tôi nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ luôn cam kết duy trì hòa bình và ổn định. Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ cùng nhìn về một hướng và kiềm chế hành động có thể làm leo thang, phức tạp thêm tình hình biên giới", ông này nói.
Trước đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin có 4 binh sĩ nước này bị thương, trong khi binh sĩ Trung Quốc bị thương 20 người. (Times of Indian)
Ấn Độ hành động 'gắt', cấm vĩnh viễn hàng chục ứng dụng Trung Quốc
Ấn Độ đã cấm vĩnh viễn 59 ứng dụng của Trung Quốc. Động thái được đánh giá là có thể dẫn đến những thách thức pháp lý và căng thẳng hơn nữa giữa Ấn Độ-Trung Quốc trong không gian số.
Tờ Times of India ngày 26/1 cho biết danh sách ứng dụng của Trung Quốc bị cấm có thể bao gồm những ứng dụng hàng đầu như TikTok, Baidu, WeChat, trình duyệt UC, ứng dụng mua sắm Club Factory, Mi Video Call (của Xiaomi), Weibo và BIGO Live.
New Delhi cáo buộc các ứng dụng gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng-an ninh và trật tự công cộng của Ấn Độ. (Times of India)
Davos 2021: Ông Tập Cận Bình kêu gọi duy trì chủ nghĩa đa phương
Ngày 25/1, phát biểu tham dự tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, thế giới đang đối mặt với các vấn đề phức tạp và cách duy nhất để vượt qua là duy trì chủ nghĩa đa phương và xây dựng cộng đồng hướng tới tương lai chung cho toàn nhân loại.
Ông Tập nói rằng: "Khi đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện tại và nỗ lực tạo ra một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người, chúng ta cần đoàn kết và làm việc cùng nhau."
"Chúng ta đã được dạy nhiều lần rằng, làm suy yếu những láng giềng, đi một mình và rơi vào sự cô lập, kiêu ngạo sẽ luôn thất bại. Tất cả chúng ta hãy chung tay và để chủ nghĩa đa phương soi đường cho chúng ta hướng tới một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại", Chủ tịch Trung Quốc nói thêm. (THX)
Vụ Navalny: Tổng thống Nga lên tiếng, Trung Quốc bảo vệ Moscow trước 'búa rìu' phương Tây
Ngày 25/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi các cuộc biểu tình hồi cuối tuần qua đòi phóng thích nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny là phi pháp và nguy hiểm.
Ông Putin nêu rõ, không ai nên lợi dụng những hành động phi pháp để phục vụ cho những lợi ích chính trị của riêng họ.
Trong khi đó, cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, nước này luôn phản đối các thế lực nước ngoài can dự vào vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Ông Triệu Lập Kiên đưa ra ý kiến này khi được đề nghị bình luận về các động thái của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow liên quan các vụ biểu tình tại Nga. (Reuters, THX)
Đông Địa Trung Hải: Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí nối lại đàm phán
Ngày 25/1, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai nước trong 5 năm qua nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải cũng như quyền khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán kéo dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ theo hình thức họp kín tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ không có kết quả đột phá nào. Hai bên nhất trí sẽ nối lại đàm phán tại thủ đô Athens của Hy Lạp, nhưng chưa tiết lộ thời gian cụ thể.
Cùng ngày 25/1, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo lực lượng không quân của nước này đã tiến hành diễn tập ở khu vực Đông Địa Trung Hải với các máy bay F-19, F4-E 2020, CN-235 CASA, E7-T (HIK) và máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135R.
Trong khi đó, Hy Lạp và Pháp cùng ngày đã ký một thỏa thuận về mua bán máy bay chiến đấu trị giá 2,5 tỷ Euro (3 tỷ USD). (AFP)
Đức-Mỹ nỗ lực 'hồi sinh' quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương
Ngày 25/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm, trong đó hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và giải quyết các thách thức toàn cầu.
Hai bên cam kết nỗ lực "hâm nóng" và thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong thực hiện các nhiệm vụ quốc tế cũng như nhất trí hợp tác trong các ưu tiên chính sách đối ngoại chung, bao gồm các vấn đề liên quan tới Afghanistan, Iran, Trung Quốc, Nga, Ukraine và các nước Tây Balkan. (Reuters)
Hiệp ước New START: Mỹ cam kết hợp tác với Nga, thảo luận về việc gia hạn
Ngày 25/1, Hội đồng An ninh Nga thông báo, Thư ký Hội đồng Nikolai Patrushev và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã điện đàm thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) và những triển vọng về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Biden cho rằng, các cuộc đàm phán về gia hạn Hiệp ước New START sắp hết hạn cũng phải được ưu tiên. (AFP)
Tân Tổng thống Mỹ công bố một loạt chính sách mới
Ngày 25/1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp bãi bỏ lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội.
Ông Biden cũng tuyên bố sẽ thay thế đội xe khoảng 650.000 chiếc của chính phủ Mỹ bằng các mẫu xe điện, được sản xuất tại Mỹ và do công nhân Mỹ chế tạo. Việc chuyển đổi sang xe điện có thể tiêu tốn 20 tỷ USD hoặc hơn.
Về chính sách đối ngoại, ngày 25/1, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, tân Tổng thống Biden muốn có một cách tiếp cận "kiên nhẫn" trong mối quan hệ với Trung Quốc và sẽ tiến hành tham vấn với các đồng minh quốc tế cũng như lưỡng đảng về vấn đề này trong những tuần tới. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận