Tin thế giới 25/8: Động thái mới của Mỹ về Belarus, đàm phán sau binh biến ở Mali, Philippines "cáu" Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Tình hình Belarus, Biển Đông, Mỹ-Trung Quốc, Bầu cử Mỹ 2020, Iran, đảo chính ở Mali là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Tình hình Belarus
Thứ trưởng Mỹ gặp lãnh đạo đối lập Belarus, nói không phát hiện Nga can thiệp quân sự
Ngày 24/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã có cuộc gặp lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tskikhanouskaya tại Lithuania.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp, ông Biegun khẳng định cam kết của Mỹ "đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Belarus, cũng như quyền chủ quyền của người dân nước này để chọn ra các lãnh đạo cho chính mình và tự xác định tương lai của mình".
Theo Reuters, phát biểu sau cuộc gặp, Thứ trưởng Biegun cho biết, Washington không phát hiện dấu hiệu về bất kỳ kế hoạch can thiệp quân sự nào của Nga vào Belarus, đồng thời kêu gọi chính quyền Minsk thả tất cả các thù nhân chính trị. (Reuters)
Đại diện Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển
Trong số 7 thẩm phán sẽ hết nhiệm kỳ ngày 30/9 tới có một thẩm phán Trung Quốc là ông Cao Chí Quốc. Với việc ông Đoàn Khiết Long được chọn, Bắc Kinh sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại ITLOS kể từ khi Tòa án này được thành lập vào năm 1996.
Theo trang web của ITLOS, có 3 thẩm phán Trung Quốc phục vụ tại cơ quan tư pháp này kể từ cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1996.
Những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã khiến cuộc bỏ phiếu của ITLOS lần này nhận được sự quan tâm của quốc tế. Trong một hội nghị trực tuyến về Biển Đông giữa tháng 7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc Đoàn Khiết Long.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ ông Đoàn Khiết Long, nói rằng ứng viên này "rất thông thạo luật quốc tế, có kiến thức phong phú lẫn kinh nghiệm thực tế trong luật biển quốc tế".
Hiện vẫn còn một ghế trống cho nhóm Mỹ Latinh và Caribbean và vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức ngày 25/8 với 2 ứng viên từ Jamaica và Brazil. (THX)
Philippines-Trung Quốc
Philippines tuyên bố 'đường chín đoạn' của Trung Quốc chỉ là sản phẩm của... tưởng tượng
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc khiêu khích trên Biển Đông nhằm phản ứng những cáo buộc trước đó của Bắc Kinh nói rằng, Manila đang tiến hành "những hành động khiêu khích trái phép" bằng cách triển khai máy bay tuần tra đến các rạn san hô do quân đội Trung Quốc kiểm soát.
Bộ trưởng Lorenana khẳng định: "Khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Cái mà họ gọi là quyền lịch sử liên quan đến một khu vực được bao quanh bởi đường chín đoạn không tồn tại, ngoại trừ trong trí tưởng tượng của họ".
"Ngư dân Philippines đánh bắt trong EEZ của Philippines. Máy bay và tàu tuần tra của chúng tôi cũng hoạt động trong EEZ của chúng tôi. Trung Quốc mới là những người khiêu khích khi chiếm đóng trái phép một vài thực thể trong EEZ của chúng tôi. Vì thế, họ không có quyền tuyên bố rằng họ đang thực thi luật pháp", ông Lorenzana gay gắt. (AFP)
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ bắt một nhà nghiên cứu NASA do che giấu quan hệ bí mật với Trung Quốc
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, nhà nghiên cứu Thành Chính Đông của NASA tại Đại học Texas đã bị bắt vì tội che giấu quan hệ với Trung Quốc và gian lận tài chính.
Đáng lưu ý, nhà khoa học 53 tuổi này đã vi phạm các điều khoản trợ cấp, trong khoảng thời gian mấy năm liền đã giấu nhà tuyển dụng về các mối quan hệ của ông với Đại học Công nghệ Quảng Đông và các trường đại học khác của Trung Quốc. Ông này cũng đã làm việc với ít nhất một công ty của Trung Quốc.
Đồng thời, bên công tố cho rằng, ông Thành Chính Đông đã hành động có chủ ý và không chỉ nhận được một khoản trợ cấp tài chính mà còn nhận được quyền truy cập vào các nguồn thông tin của NASA, bao gồm cả chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế. Sắp tới, ông Thành Chính Đông sẽ ra hầu tòa.
Hiện chính quyền Mỹ đang thực hiện các động thái tích cực phản đối mối quan hệ của các nhà khoa học gốc Hoa với Trung Quốc. Đặc biệt, việc cấm đào tạo và giảng dạy người Trung Quốc trong các trường đại học Mỹ đang được thảo luận. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố hạn chế nhập cảnh đối với một số nghiên cứu sinh và nhà khoa học đến từ Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là vụ bắt giữ này diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. (Sputnik)
Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump được để cử chính thức, tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ việc bỏ phiếu qua bưu điện
Sáng 25/8 (giờ Việt Nam), tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa diễn ra tại thành phố Charlotte, bang Carolina Bắc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đảng Cộng hòa chính thức đề cử trở thành ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng 2020, liên danh cùng Phó Tổng thống Mike Pence.
Ông Trump đã bất ngờ xuất hiện tại Đại hội và có bài phát biểu dài khoảng 1 giờ, đề cập nhiều nội dung, trong đó có đại dịch Covid-19 cũng như chỉ trích mạnh mẽ việc bỏ phiếu qua bưu điện.
Theo ông, các quyết định nhằm hạn chế doanh nghiệp hoạt động trở lại tại một số bang và mở rộng việc bỏ phiếu qua bưu điện không phải là do đại dịch mà là vì động cơ chính trị, cho rằng đảng Dân chủ đang sử dụng dịch Covid-19 trong sự kiện chính trị của đất nước.
Tổng thống Trump khẳng định, nước Mỹ đang làm rất tốt để chống lại đại dịch Covid-19, nêu rõ chính quyền của ông đã đạt được nhiều thành tựu hơn bất kỳ chính quyền nào khác trong lịch sử nước Mỹ, đó chính là đảm bảo an ninh biên giới, mang lại việc làm trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam, đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và giảm giá thuốc.
Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, đồng thời cam kết có thể tạo ra 10 triệu việc làm trong 10 tháng nếu như ông tái đắc cử, trong khi đưa ra cảnh báo đối thủ chính trị đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, sẽ tăng thuế và tăng các quy định mới.
Việc cả Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence đều xuất hiện tại Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa sau khi nhận đề cử được cho là nỗ lực nhằm thúc đẩy động lực cho các sự kiện của đại hội diễn ra trong 4 ngày, cũng như tạo sự tương phản đối với ứng cử viên Biden.
Ngoài ra, đối với Tổng thống Trump, bang Carolina Bắc là một bang "chiến địa" quan trọng mà ông đã giành được khoảng 3% trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong năm bầu cử 2016. (TTXVN)
Tổng Giám đốc IAEA thăm Iran
Ngày 24/8, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi đã tới thăm Iran nhằm cải thiện sự hợp tác về các hoạt động hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Chuyến thăm của ông Grossi diễn ra trong bối cảnh phát sinh căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu về nỗ lực của Washington trong việc duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran và áp dụng lại các lệnh trừng phạt Tehran của Liên hợp quốc có từ năm 2006.
Ngoài ra, chuyến thăm này được thực hiện ngay trước thềm cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 1/9 của Ủy ban chung về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, vốn nhằm ngăn chặn Tehran phát triển bom hạt nhân.
Ông Grossi cho biết: “Mục tiêu của tôi là các cuộc họp ở Tehran sẽ đạt được tiến bộ cụ thể trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại mà IAEA có liên quan đến các biện pháp bảo vệ ở Iran và đặc biệt là giải quyết vấn đề tiếp cận cơ sở hạt nhân”.
"Có những vấn đề cần được giải quyết... Điều này không đồng nghĩa với một hướng tiếp cận mang tính chính trị nhằm vào Iran", ông Grossi nhấn mạnh.
Trong khi đó, hãng tin Tasnim dẫn lời quan chức cấp cao về hạt nhân của Iran Ali Akbar Salehi cho biết, cuộc đối thoại với ông Grossi diễn ra mang tính xây dựng.
Ông Salehi cho hay: "Cuộc thảo luận của chúng tôi ngày hôm nay diễn ra mang tính xây dựng. Hai bên thống nhất rằng tổ chức này (IAEA) sẽ thực hiện chức trách một cách độc lập và chuyên nghiệp. Một chương hợp tác mới giữa Iran và IAEA sẽ bắt đầu". (Reuters)
Đảo chính ở Mali
Đàm phán giữa chính quyền quân sự Mali và ECOWAS thất bại
Ngày 24/8, đàm phán giữa phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và chính quyền quân sự của Mali đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thoả thuận nào về việc khôi phục chế độ dân sự tại nước này, sau cuộc đảo chính diễn ra hôm 18/8.
Các cuộc đàm phán bắt đầu từ sáng 23/8 (theo giờ địa phương), tập trung vào việc chuyển đổi sang chế độ dân sự tại Mali. Theo ông Ismael Wague, phát ngôn viên của chính quyền quân sự, nhiều nội dung đã được các bên thảo luận nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra. Cấu trúc cuối cùng của quá trình chuyển đổi sẽ tiếp tục được thảo luận và xác định trong thời gian tới.
Cựu Tổng thống Nigeria Jonathan Goodluck, người đứng đầu phái đoàn ECOWAS cho biết, các bên tham gia đàm phán đã thống nhất một số vấn đề, nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại nhiều bất đồng.
ECOWAS đã bày tỏ quan điểm cụ thể và đề nghị chính quyền quân sự Mali xem xét.
Theo thông tin từ cuộc đàm phán, Tổng thống bị lật đổ Boubacar Keita của Mali, người được ECOWAS yêu cầu chính quyền quân sự phục vụ, đã không còn muốn tiếp tục nhiệm kỳ. (Aljazeera)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận