Tin thế giới 25/5: EU sục sôi, Belarus hành động; Nga cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ; Mỹ-Đài Loan có động thái "chọc giận" Trung Quốc
Căng thẳng EU-Belarus, vụ máy bay Ryanair, quan hệ Nga-EU, Nga-Ukraine, thượng đỉnh Nga-Mỹ, vấn đề Đài Loan... là một số tin thế giới nổi bật.
Belarus: Vụ máy bay Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk
Căng thẳng EU-Belarus tiếp tục nóng lên xung quanh vụ máy bay của hãng hàng không Ryannair (Ireland) bị chuyển hướng đáp khẩn cấp xuống sân bay Minsk, đồng thời Belarus đã bắt giữ một nhân vật đối lập có mặt trên chuyến bay này.
Ngày 24/5, các nhà lãnh đạo EU nhất trí áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt đối với Belarus, trong đó có các lệnh trừng phạt kinh tế, phong tỏa 3 tỷ Euro định viện trợ cho Minsk.
Cùng ngày, Latvia và Belarus lâm vào cuộc chiến trục xuất, với việc Minsk không chào đón toàn bộ nhân viên ngoại giao của Riga, dẫn đến động thái đáp trả tương tự của Lativa.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị chính quyền xem xét các lựa chọn buộc Minsk phải chịu trách nhiệm, cho biết thêm, các biện pháp trên được thực hiện “trong sự phối hợp chặt chẽ với EU, các đồng minh và đối tác khác, cùng các tổ chức quốc tế”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng tuyên bố ủng hộ những lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập vụ việc.
Belarus: Phe đối lập kêu gọi Mỹ và G7 gây áp lực lên chính phủ
Ngày 25/5, lãnh đạo phe đối lập Belarus lưu vong Svetlana Tikhanovskaya đã kêu gọi Mỹ và Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tăng cường gây áp lực lên chính quyền Belarus.
Trong cuộc gọi với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, bà Tikhanovskaya đã kêu gọi Mỹ cô lập chế độ và gây áp lực lên chính phủ Belarus bằng các biện pháp trừng phạt, đồng thời yêu cầu phe đối lập được tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng tới tại Vịnh Carbis, Vương quốc Anh.
Ông Sullivan đã thông báo cho bà Tikhanovskaya rằng Mỹ, EU và các nước đối tác khác sẽ hợp tác yêu cầu Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phải giải trình về vụ việc. (Reuters)
Trung Quốc kêu gọi kiềm chế, Belarus hành động
Ngày 25/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh đang "chú ý đến các tuyên bố liên quan", đồng thời cho rằng, tình huống của vụ việc chưa rõ ràng.
Trung Quốc cũng kêu gọi các bên nên kiềm chế, tránh leo thang, chờ tìm ra sự thật và bức tranh đích thực sẽ được xác định.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã điện đàm thảo luận về vụ việc, trong đó, hai bên nhấn mạnh cần có một cuộc điều tra toàn diện và khách quan về vụ việc này.
Ngoại trưởng Makei một lần nữa khẳng định phía Belarus hoàn toàn minh bạch và sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế và cung cấp mọi thông tin tin cậy cần thiết.
Belarus cũng thông báo đã mời các quan chức hàng không châu Âu, Mỹ và quốc tế đến điều tra vụ việc. (Sputnik, Reuters)
Nga-Ukraine:
Nga cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ "chấm dứt kích động tâm lý quân phiệt" của Ukraine
Ngày 24/5, trong cuộc phỏng vấn với báo Argumenty i Fakty, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khuyến cáo Thổ Nhĩ Kỳ “phân tích kỹ tình hình và chấm dứt việc kích động tâm lý quân phiệt của Kiev”.
Ông cũng nói thêm, việc khuyến khích các hành động “hung hăng” của Ukraine đối với vùng Crimea được xem như xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cam kết ủng hộ Kiev trong lúc Nga tăng cường quân sự dọc biên giới với Ukraine. (Reuters)
Nga-EU:
EU chuẩn bị công bố báo cáo quan hệ với Nga
Ngày 24/5, các nhà lãnh đạo của EU đã chỉ thị Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của khối Josep Borrell chuẩn bị một báo cáo về quan hệ với Nga cho hội nghị cấp cao diễn ra vào tháng 6 tới.
Nga-Mỹ:
Sau khi bị Washington tố tấn công mạng, Nga "rủ" Mỹ hợp tác an ninh mạng
Ngày 25/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng, Nga và Mỹ cần hợp tác về an ninh mạng để ngăn chặn tin tặc đặt điều là làm việc cho nước Nga.
Ông Peskov cũng cho biết, Nga sẽ sớm đưa ra thông báo về cuộc gặp thượng đỉnh tiềm năng giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Theo ông, lãnh đạo hai nước cần thảo luận về sự ổn định hạt nhân chiến lược, vốn ảnh hưởng đến cả thế giới.
Trước đó, Tổng thống Biden đã bày tỏ mong muốn hội đàm với người đồng cấp Putin trong chuyến công du theo kế hoạch tới châu Âu trong tháng 6.
Trong khi đó, báo Thụy Sỹ Tages-Anzeiger dẫn các nguồn tin cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ được tổ chức tại Thụy Sỹ vào tháng sau. (Reuters)
Xung đột Israel-Palestine:
Dải Gaza yên bình trở lại
Dải Gaza đang yên bình trở lại sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas có hiệu lực vào ngày 21/5 sau 11 ngày giao tranh căng thẳng.
Theo ghi nhận của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc ngày 24/5, nhịp sống thường nhật đang được khôi phục trên khắp Dải Gaza do phong trào Hamas kiểm soát.
Một số tuyến đường chính đã được mở lại và nhà chức trách đang nỗ lực sửa chữa các đường dây điện, mang lưới cung cấp nước và xử lý nước thải bị hư hại. OCHA nhấn mạnh điều quan trọng là tất cả các bên phải nỗ lực để duy trì thỏa thuận ngừng bắn. (TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Israel và Palestine khôi phục niềm tin lẫn nhau
Ngày 25/5, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tới Tel Aviv của Israel. Trong cuộc gặp với Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu, ông Blinken cho rằng, Israel và người Palestine phải đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn để khôi phục lòng tin, sau cuộc chiến ở dải Gaza và tình trạng bất ổn ở Bờ Tây.
Ông Blinken nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thấy giải pháp thay thế và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ khiến tất cả chúng ta tăng cường nỗ lực của mình để giữ gìn hòa bình và cải thiện cuộc sống của cả người dân Israel và Palestine". (AFP)
Vấn đề Đài Loan:
Trung Quốc đề nghị cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Đài Loan
Ngày 24/5, chính phủ Trung Quốc đã đề nghị khẩn cấp gửi vaccine ngừa Covid-19 và đội ngũ chuyên gia y tế tới Đài Loan để hỗ trợ vùng lãnh thổ này đối phó với tình trạng gia tăng nhanh chóng các ca lây nhiễm SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, đáp lại lời đề nghị trên, Ủy ban Đại lục (MAC) thuộc Viện Hành chính Đài Loan khẳng định, Trung Quốc không sử dụng bất kỳ kênh liên lạc hiện có nào giữa hai bờ để cung cấp thông tin về các loại vaccine ngừa Covid-19, đồng thời ám chỉ Bắc Kinh đang gây ra những khó khăn cho Đài Loan trong nỗ lực mua thêm vaccine.
Cùng ngày, các nỗ lực của Đài Loan tham gia cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHA) đã chính thức thất bại.
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trần Húc đã kêu gọi những nước ủng hộ Đài Loan tham gia cuộc họp của WHA “dừng chính trị hóa sự việc” và tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc. (Reuters)
Quan chức Mỹ, Đài Loan có cuộc gặp đặc biệt tại Nhật Bản
Ngày 24/5, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản Joseph Young đã đến thăm đại diện Đài Loan Frank Hsieh tại dinh thự chính thức của ông này ở Tokyo.
Đây là lần đầu tiên một nhà ngoại giao Mỹ có hành động như thế kể từ khi Đài Loan và Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao 42 năm trước.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Hsieh cho biết, ông đã mời ông Young ăn tối và thảo luận về hòa bình và thịnh vượng trong khu vực cùng nhiều vấn đề khác cùng các chính trị gia và bạn bè Nhật Bản.
Ông Hsieh viết: "Đây là lần đầu tiên và là một sự khởi đầu mới. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc tăng cường liên lạc và hợp tác 3 bên".
Ông Young bày tỏ vui mừng về cuộc gặp với ông Hsieh và nói rằng họ "đã có một cuộc trò chuyện hữu ích khác về các ưu tiên chung trong khu vực".
Cuộc gặp được cho là có khả năng chọc giận Trung Quốc, khi luôn kêu gọi quốc tế không can thiệp vào vấn đề Đài Loan, coi đây là công việc nội bộ. (Kyodo)
Đảo chính ở Mali: Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng bị bắt
Ngày 24/5, các nguồn tin ngoại giao và chính phủ tiết lộ, quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Quốc phòng Souleymane Doucoure của chính phủ lâm thời ngay sau khi cuộc cải tổ nội các được thông báo trước đó cùng ngày.
Theo các nguồn tin, 3 quan chức trên đều bị đưa đến một căn cứ quân sự ở Kati, bên ngoài thủ đô Bamako.
Nhiều tổ chức quốc tế như EU, LHQ... đã lên tiếng kêu gọi phóng thích các quan chức này. (Reuters)
Iran: Tuyên bố tiếp tục làm giàu uranium ở mức 60%
Ngày 24/5, Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi tuyên bố, Tehran vẫn tiếp tục quá trình làm giàu urani ở mức 60%, 20% và 5% và đã sở hữu hơn 90 kg urani có độ tinh khiết 20%.
Thông báo trên được ông Salehi đưa ra sau cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, trong cuộc điện đàm, ông Salehi cũng thông báo quyết định của Iran về việc gia hạn thỏa thuận thanh sát của IAEA đối với các hoạt động làm giàu hạt nhân của Tehran đến ngày 24/6.
Cũng theo ông Salehi, lượng uranium có mức độ tinh khiết 60% của Iran hiện vượt quá 2,5 kg và lượng uranium có mức độ tinh khiết 5% của nước Cộng hòa Hồi giáo đã lên đến hơn 5 tấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận